Hòa trong không khí sôi nổi của toàn Ngành Thủy sản trên cả nước đang tổ chức rất nhiều các hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nhiệt liệt hưởng ứng chào mừng ngày hội truyền thống của Ngành Thủy sản, ngày 30/3/2012, Viện Nghiên cứu Hải sản đã long trọng tổ chức lễ Mít tinh kỷ niệm 53 năm “Ngày truyền thống Ngành Thủy sản” (1/4/1959 – 1/4/2012). Lễ kỷ niệm trọng thể này là dịp để toàn thể CBVC-LĐ của Viện ôn lại những truyền thống vẻ vang của Ngành thủy sản, nhằm duy trì và phát huy hơn nữa về vai trò, ý thức và trách nhiệm cho sự phát triển chung của Ngành Thủy sản trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.  

Cách đây đúng 53 năm (ngày 1/4/1959), Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã về thăm và nói chuyện với bà con ngư dân làng cá Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Tại bến Gót và cảng cá Cát Bà, Bác đã có buổi tiếp xúc và nói chuyện thân mật với các tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt là với bà con ngư dân nơi đây. Trong buổi nói chuyện với bà con ngư dân, Người đã căn dặn: “Ngư dân phải khoẻ mạnh hơn nữa mới đi được biển, nghề cá ở đảo rồi đây cũng phải đưa máy móc vào, Đảng và Chính phủ sẽ giúp bà con sắm thuyền tốt hơn, lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”.
Trước khi rời đảo, Người còn căn dặn Đảng bộ và nhân dân huyện đảo: “Miền Bắc nước ta đã giải phóng, Rừng vàng biển bạc của ta, do dân ta làm chủ. Đảng và chính phủ một lòng vì dân, Việc gì chúng ta cũng làm nổi. Khi trước, nghề cá, nghề muối của đồng bào ta bị thực dân ngăn trở, bây giờ được tự do phát triển. Tuy vậy, về vật chất ta còn thiếu thốn quá nhiều, chúng ta phải giải quyết, giải quyết nhất định được. Nhưng làm thế nào để giải quyết? Muốn giải quyết nhanh thì tất cả các cụ, tất cả đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm chỉ học tập, xoá nạn mù chữ, bổ túc văn hoá, phải củng cố và phát triển hợp tác xã… Cát Hải là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, các cụ và toàn thể đồng bào phải quyết tâm xây dựng Cát Hải vững mạnh về mọi mặt…”.
Sự kiện Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải sau những ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào và chiến sỹ nơi đảo xa. Chuyến đi thăm làng cá của Người đã trở thành một phần thưởng, nguồn động viên tinh thần vô cùng quí giá, cổ vũ nhân dân huyện đảo hăng say làm việc hơn nữa để bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ đó trở đi, ngày 1/4 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của nhân dân huyện đảo Cát Bà mà còn của cả nhân dân Thành phố Hải Phòng. Để ghi nhớ sự kiện ngày Bác Hồ về thăm làng cá, ngày 1/4/1979 (sau 20 năm), lần đầu tiên ngành Thủy sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày này để tổ chức “Ngày hội truyền thống của Ngành” và hàng năm làm Lễ phát động ra quân khai thác vụ cá Nam.  
Đến ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chính thức về việc tổ chức “Ngày hội truyền thống của Ngành Thủy sản”. Trải qua hơn 53 năm xây dựng và phát triển, Ngành Thủy sản đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với quy mô ngày càng sâu rộng.
Năm 2011, một năm “sôi động” của ngành thủy sản, với những thành công nối tiếp thành công trên nhiều mặt và tầm nhìn cho tương lai dài, nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu. Để có cái nhìn tổng quát, chúng ta hãy cùng Ngành Thủy sản Việt Nam điểm lại 10 sự kiện nổi bật trong năm 2011 vừa qua:
1. Xuất khẩu thủy sản đạt mốc 6 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2010: Tiếp bước thành công của năm 2010, năm 2011 xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt về kim ngạch. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đều ước tính kim ngạch cả năm đạt trên 6 triệu USD, tăng trên 20% so với năm 2010. Tính đến tháng 12/2011, Tổng cục Thống kê cũng đã ước tính kim ngạch cả năm đạt 6,107 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2010. 
2. Khó khăn về nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng mạnh trên 60%: Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, năm 2011 Việt Nam nhập khẩu thủy sản đạt trên 550 triệu USD, tăng gần 65% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do những khó khăn nhất định về khai thác (diễn biến phức tạp tại Biển Đông) và nuôi trồng (thiên tai, dịch bệnh đối với các vùng nuôi cá tra và tôm) trong khi nhu cầu về xuất khẩu tăng mạnh.
3. Việt Nam thắng kiện cá basa vào Mỹ:Trong tháng 3/2011, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết quả sau đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 6 (POR6) cho những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009. Theo đó, một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 0%, chứ không phải 130% như kết quả sơ bộ lúc đầu.
4. WTO xử Việt Nam thắng kiện Mỹ trong vụ áp thuế chống bán phá giá tôm: Ngày 11/7/2011 Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết cuối cùng ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam trong vụ kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng đem lại nhiều lợi ích đối với xuất khẩu tôm và thủy sản nói chung của Việt Nam.
5. Nhật Bản Kiểm tra Enrofloxacin 100% đối với tôm Việt Nam: Từ ngày 9/6/2011, Nhật Bản đã chính thức tăng cường tần suất kiểm tra dư lượng enrofloxacin từ 30% lô tôm lên mức 100% ngay sau khi phát hiện thêm 1 lô tôm của Việt Nam nhiễm dư lượng chất này vượt mức cho phép. Trước đó, ngày 7/3/2011, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường dư lượng chất này đối với 30% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
6. Khó khăn tại các nước nhập khẩu lớn gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam:Năm 2011 tiếp tục là một năm khó khăn đối với một số thị trường đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam: Nhật Bản – thảm họa động đất và sóng thần đầu tháng 3/2011; Mỹ – đối mặt với khủng hoảng tài chính, tín dụng; EU – khó khăn từ suy thoái kinh tế và khủng khoảng nợ công…. Những diễn biến trên đã có ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
7. Sự “nhảy múa và biến động lớn” của giá cả thủy sản trong nước:Năm 2011 là một năm hiếm hoi chứng kiến sự biến động nhanh và thất thường của giá nguyên liệu thủy sản trong nước. Cụ thể, đã có hai đỉnh giá (tháng 5 và tháng 11) và một đáy (tháng 8) được lập (tức là biến động giá cả rất nhanh chỉ trong khoảng 3 tháng) và biên độ chênh lệch cũng rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự liên kết lỏng lẻo giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất của ngành thủy sản.
8. Thiệt hại kỷ lục về tôm do dịch bệnh:Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tính đến gần hết năm 2011, cả nước có khoảng 82.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại, bằng 294% so cùng kỳ năm 2010, trong đó tôm sú là 79.000 ha và tôm thẻ chân trắng là 3.000 ha, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho bà con ngư dân và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2011.
9. Giá tôm trong nước tăng mạnh do khan hiếm nguyên liệu xuất khẩu:Khác với cá tra, tôm nhìn chung chỉ có một chiều tăng giá trong năm 2011. Tính đến cuối năm 2011, giá các loại tôm đều đang đứng ở mức rất cao. Nguyên nhân là do khan hiếm nguồn cung do dịch bệnh diễn biến phức tạp từ đầu năm.
10. Giá thức ăn thủy sản tăng mạnh:Theo Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, năm 2011 giá thức ăn thủy sản đã tăng hơn 7 lần, mỗi lần 200-300đ/kg, giá đến cuối năm tăng 35% so với đầu năm. Ngoài ra, theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, năm 2011 có đến 80% thị phần thức ăn chăn nuôi đang do các công ty có yếu tố nước ngoài kiểm soát.
Cùng với sự phát triển chung của toàn Ngành Thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản vinh dự là một trong những Viện đầu ngành nghiên cứu về nghề cá biển, phạm vi hoạt động trên toàn quốc và toàn vùng biển Việt Nam. Trong thành công chung của toàn ngành thủy sản Việt Nam, Viện đã có những đóng góp tích cực và quan trọng trong nhiều lĩnh vực phục vụ phát triển nghề cá biển. Trong suốt hơn 50 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều thế hệ, Viện Nghiên cứu Hải sản từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, năng động, đoàn kết và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, cơ sở vất chất và nguồn lực của Viện từng bước được cải thiện. Trong nhiều năm qua, toàn thể CBVC-LĐ của Viện đã luôn luôn phấn đấu để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ KHCN và chính trị do Nhà Nước và Bộ giao. Trong năm 2011, Viện Nghiên cứu Hải sản đã triển khai thực hiện 35 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó hoàn thiên 01 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 01 nhiệm vụ thuộc chương trình công nghệ sinh học; 01 nhiệm vụ thuộc sự nghiệp kinh tế; 04 nhiệm vụ cấp Bộ; 03 nhiệm vụ xây dựng định mức và tiêu chuẩn Việt Nam, 06 nhiệm vụ cấp cơ sở; 02 nhiệm vụ thuộc sự nghiệp môi trường; 02 nhiệm vụ thuộc Đề án 47 và 15 nhiệm vụ hợp tác với các địa phương, tổ chức trong và ngoài nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 34 tỷ đồng. Kết quả đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành tựu đáng kể, phục vụ cho phát triển sản xuất và quản lý nhà nước của Ngành thủy sản. Với những thành tích đạt được, Viện đã được Nhà nước, Chính phủ và Bộ trưởng tặng nhiều bằng khen và các giải thưởng cao quí. Năm 2011, Viện đã được nhận “Cờ thi đua của Chính phủ” và “Huân chương LĐ hạng nhất”, nhiều tập thể và cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng và Bộ trưởng. 
 
 
Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn Viện Nguyễn Quang Hùng  trao Bằng khen của Công đoàn Ngành cho các đơn vị và cá nhân
Nhưng để nối dài những thành công và truyền thống đó trong kế hoạch năm 2012 và định hướng chiến lược phát triển KHCN của Viện trong giai đoạn tới, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm với những khó khăn, thách thức đang tiềm ẩn trước mắt. Theo kế hoạch năm 2012: Viện có 05 đề tài cấp Nhà nước, 04 đề tài cấp Bộ, 02 tiểu dự án 47, 01 Dự án Việt Trung và nhiều nhiệm vụ hợp tác với các Tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm “Ngày truyền thống của Ngành Thủy sản (1/4/1959 – 1/4/2012)”: Đảng Ủy, Lãnh đạo Viện và BCH Công Đoàn: phát động thi đua tới toàn thể CBVC-LĐ của Viện: tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu KHCN, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt mọi khó khăn và thách thức, phấn đấu lập thành tích để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị CBVC-LĐ năm 2012, góp phần tích cực và hiệu quả vào sự phát triển mạnh mẽ của toàn Ngành Thủy sản.

 Một số hình ảnh hoạt động thể thao nhân dịp Kỷ niệm

“53 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản, ngày Bác Hồ về thăm làng cá”

 
 
Các đoàn viên thanh niên thi kéo co
 
 
 
Đoàn Thanh niên Viện Nghiên cứu Hải sản và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Bắc Bộ thi đấu giao hữu bóng chuyền