Năm 2007, Cannes (Pháp) và Monaco là hai thành phố Địa Trung Hải đầu tiên sử dụng lưới che chắn ở một số bãi biển nhằm bảo vệ người dân đến tắm biển ở đây chống lại sự tấn công của các con sứa biển.

Một con sứa khổng lồ

Tại Tây Ban Nha, chỉ riêng trong năm 2006 đã có tới 70.000 người bị bỏng hay bị dị ứng do đụng chạm phải các con sứa. Dân chài vùng biển Namibia, Nam Đại Tây Dương, bắt được nhiều sứa hơn cá. Ở biển California, người ta có khi phải bơi lội cùng một “bạn đồng hành bất đắc dĩ” dài tới 2m! Còn trong biển Nhật Bản, những con sứa khổng lồ nặng 200kg, với những xúc tu dài tới 35m, đường kính 2m, xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành cơn ác mộng của những người đánh cá. Một số vùng thuộc biển Đen và biển Baltic (Trung Âu-Á), theo lời một số chuyên gia, đang trở thành những “nồi xúp sứa” khổng lồ! Tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy một tình trạng hy hữu đang xảy ra: Các loài sứa đang sinh sôi mạnh mẽ trong tất cả các đại dương…

Khí hậu thay đổi... sứa tăng theo?

Nguyên nhân của sự thể này còn chưa được giải thích một cách đầy đủ, có thể do chính những hoạt động của con người, lại cũng có thể do sự thay đổi của khí hậu trái đất. Ở vùng bờ biển Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha chẳng hạn, sự hiện diện dày đặc của loài sứa Pelagia Noctiluca được hầu hết các nhà khoa học cho rằng do sự thay đổi của khí hậu.

Ở đây, trung bình cứ khoảng 12 năm một lần (lần cuối cùng vào 2003), số lượng loài sứa màu tím nhạt chích rất đau này lại tăng vọt, theo sự thay đổi có chu kỳ của nhiệt độ và độ mặn của nước biển, nhất là khi mùa đông trước đó ấm áp một cách đặc biệt, nhiệt độ của nước không bao giờ hạ thấp xuống dưới 14oC. Đặc điểm này đã biến sự xuất hiện của sứa Pelagia thành một dấu hiệu chính xác về sự thay đổi môi trường. Vấn đề còn lại là cần theo dõi xem chu kỳ 12 năm có còn tồn tại không hay việc sứa xuất hiện đang diễn ra thường xuyên…

Con người góp phần... giúp sứa sinh sản quá nhanh!

Các loại phân bón, dưỡng chất mà con người sử dụng trong nông nghiệp theo các dòng nước chảy ra tận biển, góp phần tăng trưởng các loại thức ăn của sứa trong nước biển. Các hóa chất (như các loại hoóc-môn…) cũng khiến cho các đàn cá hoặc bị hạn chế sinh sản hoặc có nhiều cá cái hơn cá đực. Trong khi đó việc sinh sản của các đàn sứa lại không bị ảnh hưởng bởi chuyện này nên có lợi thế hơn. Không chỉ riêng sứa, một số loài động vật trong suốt khác cũng sinh sản với một tốc độ “chóng mặt”, nhanh chóng chiếm lĩnh nước biển, ăn hết một lượng vi tảo khổng lồ. Điều này có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng là làm giảm khả năng hấp thụ khí CO2 của nước biển nhờ vào quá trình quang hợp của tảo.

Một lý do nữa nằm ở việc đánh bắt quá mức các loại cá thu, cá ngừ hay rùa biển ở Địa Trung Hải, là những loài ăn thịt sứa. Khi không bị ăn thịt, lượng sứa tất nhiên tăng lên. Bản thân sứa cũng là loài ăn thịt, chúng ăn trứng hay ăn cá con của các động vật khác. Khi lượng sứa quá đông đúc, chúng đe dọa sự tồn tại của các loài khác, ví dụ như giống cá mòi ở biển Đen và biển Baltic, loài rùa ở Địa Trung Hải, Tây Ban Nha…

Những điều kể trên có nguy cơ gây ra sự mất cân bằng vốn có giữa các loài động thực vật sinh sống trong nước biển, làm ảnh hưởng tới nền kinh tế biển, trong đó có ngành du lịch. Do đó, cần có biện pháp xử lý thích hợp. 

Sứa xuất hiện trên trái đất từ cách đây 600 triệu năm, hiện có khoảng 4.000 loài… Các nhà khoa học cho rằng với lượng sứa biển đánh bắt được ngày càng nhiều - dù đó là điều nằm ngoài ý muốn - sứa có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người trong tương lai. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra quy trình chiết xuất loại protein chứa trong sứa để đưa vào chế biến thức ăn, thậm chí có thể dùng nó thay thế cho sản phẩm xưa nay vẫn trích ra từ bò, heo. Người ta cũng tìm cách sản xuất chất Collagen từ sứa để sử dụng trong việc làm da nhân tạo hay các loại thuốc chữa trị cho da bị bỏng. Các phần tử phát sáng sinh học của sứa thì được sử dụng trong kỹ thuật di truyền…

Nhị Bình ( Theo Le Monde, DailyVN)