Từ đầu năm đến nay, Viện Hải Dương học Nha Trang đã cho sinh sản nhân tạo thành công gần 4.000 con cá khoang cổ, một loài cá sống ở vùng san hô. 3.000 con đã được thả trở lại vùng biển và gần 1.000 con vừa được xuất sang Pháp.
TS. Hà Lê Thị Lộc, Phòng Công nghệ Nuôi trồng - Viện Hải Dương học Nha Trang vừa cho biết như trên.
Cá khoang cổ chỉ sống tại vùng rạng san hô ở vùng biển nhiệt đới. Cá khoang cổ còn được gọi là cá hải quì vì ngoài tự nhiên chúng luôn luôn sống cộng sinh cùng hải quì. Hiện Việt Nam có 5 loài cá khoang cổ: màu đỏ, nửa đỏ nửa vàng, màu tím, màu đen, và màu vàng tươi.
Con cá khoang cổ cái dài khoảng 12cm, nặng 40 - 50g, gấp gần 3 lần so con đực. Sau khi cá cái đẻ trứng, cá đực có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trứng cho đến lúc nở thành con. Thời gian này kéo dài khoảng 10 ngày.
Cá khoang cổ ít có giá trị về mặt thực phẩm, nhưng nhờ sự đa dạng, phong phú về màu sắc và có khả năng thích nghi cao trong điều kiện nuôi nhân tạo nên những loài cá này đã được phát triển nuôi khá phổ biến ở qui mô gia đình và trong các khu du lịch, giải trí...
Từ năm 2002, các nhà khoa học ở Phòng Công nghệ Nuôi trồng - Viện Hải Dương học (Nha Trang) đã thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá khoang cổ mà không có sự hiện diện của Hải Quì. Thức ăn cho cá khoang cổ có thể là tôm, cá, giun.... Tỷ lệ sống cá một tháng tuổi khá cao, dao động từ 40,59% đến 85,42%.
Tuy nhiên, hiện nay, Viện Hải Dương học Nha Trang chỉ mới nuôi và cho cá khoang cổ đỏ (Amphiprion frenatus Brevoort) đẻ thành công trong môi trường nhân tạo.
Giai đoạn từ năm 2006 - 2008, các nhà khoa học sẽ hoàn thiện công nghệ nuôi và cho cá sinh sản nhân tạo. Thời gian cá bố mẹ thành thục cho sinh sản vẫn còn kéo dài (18 tháng), do vậy chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, với mục đích phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, 2.000 con cá khoang cổ do sinh sản nhân tạo đã được thả ở Hòn Mun, 1.000 con được thả ở vịnh Vân Phong. Ngoài ra, giữa tháng 8/2007, Viện Hải Dương học Nha Trang đã xuất sang Pháp khoảng 1.000 con cá khoang cổ. Giá sỉ ở thị trường cá cảnh đối với loài cá khoang cổ là từ 4.000 - 10.000 đồng/con.
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ cá cảnh của thị trường trong và ngoài nước ngày càng gia tăng đã đẩy mạnh sự khai thác các loài cá cảnh và sinh vật cảnh ngoài tự nhiên. Vào năm 1999, một nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi tháng khoảng 160.000 con cá cảnh biển bị đánh bắt.
Do đó, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương mại cá khoang cổ đỏ còn là biện pháp nhằm góp phần giảm tải khai thác nguồn lợi tự nhiên, đồng thời cung cấp nguồn cá cảnh biển cho thị trường trong nước và thế giới.
Hương Cát (Nguồn khoahoc.com)