Lặn tìm hải sâm giữa đại dương - một nghề đang "hái" ra tiền của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhiều ngư dân nhờ vào nghề này mà có cuộc sống sung túc. Song "thần chết" cũng luôn rình rập và đã cướp đi sinh mạng nhiều tay thợ lặn cừ khôi ở huyện đảo.
Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, huyện đảo đã có 26 ngư dân tử vong và hàng chục chàng trai vốn khỏe mạnh nay đã trở thành tàn phế suốt đời. Thế nhưng, cũng vì mưu kế sinh nhai mà nhiều thanh niên lại tiếp tục dấn thân vào nghề lặn biển, đối mặt với tử thần để săn tìm hải sâm...
Rủng rỉnh tiền sau mỗi chuyến ra khơi
Vài năm gần đây, khi mà thương gia nước ngoài ra tận huyện đảo Lý Sơn để "săn lùng" mua hải sâm thì giá hải sâm tăng lên chóng mặt theo từng ngày. Từ 200.000 đồng vọt lên 300.000 đồng rồi đến 500.000 đồng/kg.
Giá cao nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm mua được hàng, có khi phải nằm chờ cả tháng trời để thu gom từng ký. Thấy vậy, hàng trăm ngư dân là những thợ lặn, thậm chí nhiều ngư dân lâu nay chỉ làm nghề đánh bắt hải sản bình thường bắt đầu chuyển nghề.
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Toàn đảo hiện có khoảng 70 chiếc tàu với trên 700 thợ lặn chuyên hành nghề tìm hải sâm dưới lòng đại đương. Vượt biển khơi cả ngàn cây số với mỗi chuyến biển hàng tháng trời, mỗi tàu thuyền khi trở về đảo cũng kiếm được từ 400 - 500 triệu đồng.
Riêng thợ lặn người ít thì cũng cầm trong tay được 10 - 15 triệu đồng, người nhiều lên đến 25 triệu đồng. Sáu chuyến biển trong vòng 1 năm, mỗi thợ lặn tìm hải sâm ở Lý Sơn cũng "hái" được hàng trăm triệu đồng. Ở đây chưa có nghề nào qua mặt được nghề này về thu nhập".
Rủng rỉnh tiền nhờ hải sâm, nhiều ngư dân đổ xô xây nhà cao tầng, mua sắm những vật dụng sinh hoạt thuộc loại "xịn". Mỗi chuyến biển trở về cũng là lúc các tay thợ lặn hải sâm "xả láng". Nhìn những thanh niên làm nghề lặn với vai u thịt bắp, mình trần trùi trụi nhậu với bạn bè, có thể hình dung được họ đang muốn "lấy lại sức", bù cho những ngày bất chấp hiểm nguy "sống" dưới lòng đại dương tìm hải sâm.
Thương tâm những cái chết trẻ
Mới đây, lại một lần nữa người dân Lý Sơn ngậm ngùi tiễn đưa ngư dân Dương Văn Anh, 18 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh về với cát bụi. Anh là người thứ tư tử vong vì nghề lặn tính từ đầu năm đến nay tại Lý Sơn.
Trong ngôi nhà to nhất làng, anh Huỳnh Văn Chứa, ở xã An Hải (năm nay 35 tuổi, nhưng có hơn 16 năm làm nghề lặn) chua chát nói: "Những cái chết như vậy vẫn thường diễn ra trên đất đảo. Không có cảnh tang thương như thế mới là chuyện lạ, bởi lặn tìm hải sâm là nghề luôn đối mặt với cái chết".
Cũng trong một chuyến biển tìm hải sâm cách đây hơn 1 tháng, anh Chứa đã tận mắt chứng kiến người bạn thợ lặn của mình là Nguyễn Tấn Thành trút hơi thở cuối cùng giữa biển khơi. Thành là người to khỏe nhất tàu và cũng là người lặn giỏi nhất.
Cái chết của anh không giống như những trường hợp khác. Sau khi lặn xong, lên tàu nghỉ ngơi một thời gian không lâu, bỗng dưng Thành thấy trong người đau nhức, mệt mỏi. Linh tính biết mình không qua khỏi, Thành đã bắt tay tất cả mọi người trên tàu. Với kinh nghiệm đi biển hàng chục năm trời, các ngư dân lập tức cho tàu trở về đất liền. Cách xa đất liền cả ngàn cây số, tàu chạy được nửa chặng đường thì Thành ra đi vĩnh viễn, bỏ lại người vợ và đứa con gái yêu thương chưa tròn tháng tuổi.
Lặn tìm hải sâm và những cái chết thương tâm vẫn luôn xảy ra nên anh Chứa cho rằng mình vẫn còn nhiều may mắn bởi mới chỉ bị tai biến nhẹ làm lệch đôi chân trong một lần lặn sâu dưới đáy biển. Vì bị nhẹ nên đến bây giờ anh Chứa vẫn tiếp tục theo nghề và là chủ của một đội tàu gồm 13 thợ lặn chuyên nghiệp.
16 năm theo nghề, anh Chứa trải qua bao thăng trầm, mòn mỏi chứng kiến những người bạn lặn không may nằm lại giữa khơi xa hoặc hứng chịu thương tật. Anh kể: "100% thợ lặn hải sâm đều bị di chứng, người không may thì tử vong, người bị nặng thì liệt cả người, còn nhẹ thì chỉ bị "tê tê". Kể cũng lạ, có nhiều trường hợp khi lặn xong lên tàu thì vẫn nói chuyện bình thường, nhưng vài phút sau chân tay cứng đờ, mắt trợn ngược như người sắp chết. Hoảng quá, anh em lại trục xuống biển để giảm áp..., thế mà khỏe lại!".
Đau đáu nỗi lo
Đảo Lý Sơn từng được mệnh danh là "vương quốc tỏi". Bây giờ, nhiều người còn đặt thêm một cái tên mới là "vương quốc thợ lặn". Một đồng nghiệp làm ở Đài truyền thanh Lý Sơn bảo: "Chưa có thợ lặn vùng biển nào có thể lặn sâu dưới biển như thợ lặn ở Lý Sơn.
Chuẩn bị lặn tìm hải sâm. |
Có lẽ vì lặn quá sâu, phương tiện để lặn thì sơ sài nên chuyện tử vong do lặn biển ở Lý Sơn năm nào cũng xảy ra. Chỉ với một bộ đồ lặn giản đơn, một chiếc kiếng lặn và sợi dây để lấy nguồn không khí từ trên tàu ngậm vào miệng và mang quanh mình gần 15 ký chì là có thể lặn xuống lòng đại dương. Khi lặn xong, muốn lên tàu thì người thợ lặn cũng chỉ "giật dây" mà mình đang ngậm để những người trên thuyền biết mình chuẩn bị lên. Một lần xuống nước khoảng 3 giờ đồng hồ.
Thời gian tìm hải sâm chỉ khoảng 1 giờ 30 phút, còn lại người thợ lặn phải giảm áp để tránh những tai biến nguy hiểm đến tính mạng cũng như sức khỏe. Các kỹ thuật khi lặn để tránh những rủi ro đáng tiếc đều được thợ lặn thực hiện nghiêm ngặt theo từng "cách riêng" của mình, nhưng bất trắc vẫn thường xuyên xảy ra. Người làm nghề lặn tìm hải sâm hầu như ai cũng bị di chứng. Nhẹ thì đi khập khiễng, nặng thì liệt không đi lại được.
Nhiều gia đình có hai, ba người bị chứng "tê tê" hành hạ hoặc bị bại liệt suốt đời. Gia đình ông Nguyễn Thọ, ở An Hải có 3 người con (hai con ruột, một con rể) làm nghề lặn thì một người bị chứng "tê tê", hai người còn lại đi cà queo. Ông Thọ trầm tư: "Đã bước vào nghề lặn tìm hải sâm thì phải chấp nhận rủi ro thôi. Trời thương thì nhờ, trời "kêu" thì chịu. Thấy nguy hiểm nên nhiều lần khuyên can bọn nó bỏ nghề, nhưng nghỉ thì lấy gì sống...".
Bởi vậy, mỗi chuyến ra khơi của người thợ lặn là một lần người thân nơi đất liền thấp thỏm lo âu, cầu mong cho chồng con mình gặp điều may mắn, trở về với gia đình. Nguy hiểm là vậy, nhưng nghề lặn biển săn tìm hải sâm vẫn chưa có dấu hiệu "lép vế" trong đời sống ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn.