Biển là vậy, luôn huyền bí, chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Biển cho ngư dân tôm cá, của cải rồi cũng lấy đi của họ mọi thứ nếu không biết đối xử đúng với biển. Biển cho vàng cho bạc nhưng biển cũng “bạc như vôi”…
Ngư dân Phạm Học, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận năm nay đã 68 tuổi nhưng nhìn vẫn rất cường tráng. Cũng giống như cha ông mình, cả đời lão ngư Phạm Học gắn chặt với biển.
Co chân ngồi trên ghế như thói quen vốn có của người gần 50 năm ngồi khoanh chân lái tàu, ông Học chuyện trò với chúng tôi về những ngày dọc ngang trên biển. Trong ký ức đi biển dội về, có lúc ông Học hào hứng kể lại những chuyến quần nhau với mập. Nhưng cũng có lúc trầm tư nhớ những người thân, người bạn đang còn nằm dưới đáy đại dương trong những chuyến đi săn cá...
Ông Học là người làng Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tính đến nay gia đình ông đã có đến bốn đời hành nghề săn bắt cá mập. “Ông nội tôi là người khai sinh nghề câu cá mập tại Hà Tĩnh. Sau truyền lại cho cha tôi. Cha chết đi cũng là lúc anh em tôi ngày ngày giong tàu ra khơi đánh bắt cá mập. Nay hai con trai tôi lại nối nghiệp hành nghề câu mập ngoài biển Đông” - ông Học kể.
Năm 1949, khi ông Học mới được 8 tuổi, cha ông dồn tất cả con cái xuống chiếc thuyền buồm, từ Hà Tĩnh đi dọc bờ biển tìm đến Bình Thuận. Đó là cuộc hải trình dài nhất đời ông Học với bao sóng gió, gian nan.
Do nghèo túng, không có lương thực dự trữ, gia đình ông Học vừa đi vừa đánh bắt hải sản đổi gạo nước, mắm muối. Ông Học ngồi miên man nhớ lại: “Nhiều lúc thiếu gạo, anh em chúng tôi phải lên đất liền, liều mình gõ cửa từng nhà xin gạo ăn cầm hơi qua bữa”.
Tại làng chài Phước Hội (thị xã La Gi), anh em ông Học cũng là những người khai sinh nghề câu mập. Hơn 33 năm hành nghề tại đây, ông Học có những chuyến đi biển nhớ đời. Trong một chuyến ra khơi vào khoảng tháng 4-1982, tàu chạy tới rạn Hồng Chó, thấy đàn mập ăn kín mặt nước, ông Học cho bủa dàn câu 100 lưỡi ngay. Lần đầu thu câu dính đến 59 con mập. Sau khi bắt mập cắt vi bỏ thây, ông Học ra lệnh cho người đi bạn tiếp tục buông câu.
Kết quả còn khủng khiếp hơn, dàn câu dính đến 77 con mập với đủ loại như mập búa, mập cào, mập nhọn, xà đẻn, xà đất, xà bông... Con nhỏ nhất cũng nặng đến 70kg và lớn nhất 350kg. Ông Học và năm người đi bạn quần nhau với mập từ 19g đến tận 17g hôm sau mới cắt xong vi. Chuyến đó, ông Học thắng lớn, sau khi bán vi chia cho mỗi người đi bạn 2 lượng vàng.
Câu cá, mất người
Thế nhưng không phải chuyến ra khơi nào cũng thắng, nhiều ngư dân đã phải trả cái giá bằng cả mạng sống mình. Đó là năm 1974, người bạn nghề tên Sáu Võ của ông Học tại làng chài Long Hương (Phan Thiết) trong một lần đi biển đã mãi mãi không về. Chuyến ấy dàn câu của ông Võ dính rất nhiều mập. Ông Võ mê mẩn thu câu, phóng lao, móc khấu đưa mập cặp mạn tàu, cắt vi. Một, hai, năm… rồi 30 con mập nhanh chóng bị tóm gọn, nhưng đến con mập thứ 31 thì ông Võ gặp sự cố.
Nó là con mập xà bông rất lớn vừa dính câu. Ông Võ và những người đi bạn gồng mình siết chặt dây triêng vào tay kéo nhưng con mập vẫn ngoan cố, đảo qua rồi lại chúi xuống, trồi lên. Triêng căng cứng như sợi dây đàn càng lúc càng siết chặt như muốn tiện đứt bàn tay ông Võ.
Không chịu nổi, ông đành hét lên và buông triêng. Phựt, phựt… những sợi thẻo cùng lưỡi câu lao vụt xuống mặt biển. Bỗng ông Võ lại thét lớn, ôm chặt cánh tay bị lưỡi câu móc vào và quăng mình xuống biển theo đà kéo của con mập. Cả dàn dây câu cùng ông Võ chới với bị con mập kéo vút đi mất tăm. Sau đó, hầu như ngư dân của cả làng chài Long Hương đều giong tàu ra khơi quần nát mặt biển hơn tuần lễ nhưng cũng đành thua, không tìm thấy xác ông Võ.
Cũng trong một lần đi câu mập mà ông Học mất luôn cả người dượng. Đó là ngày 22-12-1972, ông Học và dượng của mình cầm lái hai con tàu cùng ra khơi câu mập. Đêm ấy, cả hai dượng cháu đều buông câu, ngồi chờ mập đến. Bỗng mây vần vũ kéo về, trời tối sầm, bóng đêm đặc quánh nhuộm đen mặt biển. Biết là bão tố sắp đến, ông Học muốn liên lạc với tàu người dượng nhưng không thể vì chẳng có máy móc hỗ trợ như bây giờ.
Trời bắt đầu nổi gió, những con sóng bạc đầu chồm lên mũi tàu. “Vừa ôm tay lái tàu tôi vừa ráng phóng tầm nhìn về phía dượng buông câu. Thấy có ánh đèn thoắt ẩn thoắt hiện trên mặt biển biết rằng tàu của dượng còn đó nên cũng yên tâm”, ông bồi hồi nhớ lại.
Gió càng lúc càng mạnh. Con tàu chúi xuống rồi lại chồm lên mỏng manh như chiếc vỏ trấu giữa đại dương. Ông Học cố đánh bánh lái dõi mũi tàu đón cưỡi lên những con sóng. Với nhiều năm đi biển ông biết đây là một trận cuồng phong với gió cấp 10, giật cấp 11, 12 là ít.
Biển đen kịt một màu đen, mưa quất rát mặt, bỗng vèo, ông Học vừa rạp mình xuống thì tất cả cabin đã bị gió lột phăng khỏi tàu và quăng ào xuống biển. Những người đi bạn vội chui hết xuống lòng tàu. Một mình ông Học vẫn bám tay lái vật nhau với bão tố. Sóng tiếp tục quăng tàu sang trái rồi tung sang phải. Nhiều lúc tàu leo đến gần nửa con dốc sóng rồi lại bị đẩy tụt xuống.
Đến 2g sáng, sau gần năm giờ gào thét, bão cũng dịu dần. Dõi tầm nhìn ra xa chỉ một màu đen nhức mắt, ông Học không còn thấy ánh đèn điện leo lét của con tàu người dượng đâu. Khi trời lờ mờ sáng, ông Học cũng giong được con tàu tả tơi của mình vào đất liền. Ông may mắn thoát nạn nhưng dượng và năm người cháu của ông đã mãi mãi gửi xác ở đâu đó dưới đáy đại dương.
Ngại mổ bụng cá mập
Ngư dân Nguyễn Diện, ngụ thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận kể khoảng tháng 7-1978, chuyến ấy dàn câu của ông buông mãi cũng chỉ dính được hai con mập xà bông, nặng hơn 2 tạ mỗi con.
Kéo con mập đầu tiên cặp mạn tàu, ông Diện nhảy xuống mổ bụng mập. Rạch một đường dao, luồn bàn tay nắm bao tử mập, bất thần ông Diện run bắn. Có vật gì cưng cứng như khúc cây trong ấy. Định thần lại, ông diện kéo cả bộ đồ lòng mập ra.
Quẳng cái bao tử mới cắt lên boong tàu, ông Diện leo lên thọc dao mổ ra. “Tôi điếng người rồi thét lớn, một cái chân người lòi ra. Tôi như điên... sai anh em vất luôn cả xác lẫn vây nó xuống biển. Sau đấy sai anh em bọc lại cái chân người, đem vào hầm đá ướp, chở về đất liền chôn”, ông Diện trầm ngâm kể.
Khi được hỏi sợ nhất điều gì khi câu mập, rất nhiều ngư dân cho biết ngán nhất là đối mặt với những con mập trắng, mập xà bông hung dữ.
Ông Phạm Học nhớ lại rất nhiều lần gặp bóp, dây chuyền, vòng vàng… và cả tay chân người khi mổ bụng mập. Gặp đồ vật thì ngư dân luôn gửi lại biển, còn phần thân xác người đem về đất liền. Họ luôn tâm niệm dù không biết là ai nhưng giúp người xấu số được chôn một phần thân xác nơi đất liền cũng thấy ấm lòng. Mong rằng họ sẽ phù hộ cho những chuyến ra khơi được bình an, thuyền về đầy tôm cá.
Biển “bạc”
“Biển nay cạn kiệt rồi” - rất nhiều ngư dân đã than như vậy với chúng tôi. Ngày xưa biển Đông nhiều cá mập, nay biển thiếu hẳn bóng những đoàn tàu câu nằm, câu khơi ầm ào vượt sóng đánh bắt cá như những thập niên 1970-1980. Biển cho bạc cho vàng nhưng giờ cũng “bạc như vôi” vì con người đối xử tệ với biển. Đó là hồi ức và cũng là trăn trở của những lão ngư câu cá mập phơ phơ đầu bạc mà chúng tôi đã có dịp gặp.
Có tội với biển
Ông Trần Quảng Lạc, ngụ khu phố 3, phường Phước Hội, thị xã La Gi, đã có một thời tung hoành săn bắt cá mập. Thế nhưng ông Lạc cho biết nay ông đã bán tàu, không còn hành nghề một phần vì nguồn cá mập khu vực biển Bình Thuận đã giảm quá nhiều so với trước. Ông Lạc nói ông cũng tự cảm thấy lòng mình áy náy mỗi khi săn bắt mập cắt vi bỏ thây. “Giờ ngồi nhớ lại những năm 1970 săn mập mà còn rợn da gà. Lúc ấy mập nhiều, chỉ cần ra khỏi bờ 6-7 hải lý là thấy mập nên nhà nhà đua nhau đánh bắt. Mình đã làm biển nghèo đi thấy rõ. Nay có chạy tàu ra cả 7 hải lý cũng chỉ câu được bịch nilông là cùng” - ông Lạc trầm tư nói.
Cũng như ông Lạc, nhiều ngư dân làng chài thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý đã chia tay với nghề câu mập. Ngư dân Đặng Văn Ô với hơn 40 năm hành nghề đi biển tại Quý Thạnh cũng đang kêu bán hai chiếc tàu đã gắn bó với mình bao năm.
Chúng tôi hỏi vì sao không theo nghề câu mập nữa, ông Ô trả lời với vẻ đầy tâm trạng: “Cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, mình đánh bắt mập tàn bạo quá nên nay chúng đã giảm đi nhiều. Lúc ấy, chẳng thấy ai cấm hay khuyến cáo không được đánh bắt mập. Ngư dân chúng tôi cứ nghĩ chúng như những loài cá khác, cho nguồn lợi kinh tế lớn, thế là ào ạt đánh bắt. Giờ biết chúng cần được bảo vệ, mình cũng thấy có tội với biển”.
Bao năm đi biển ông Ô cũng nghiệm ra một điều: nghề biển là một trong những nghề cực khổ nhất. Biển cho tôm cho cá nhưng cũng chẳng biết sẽ lấy đi cả gia tài và tính mạng khi nào. Dù hai người con trai cũng rất yêu biển nhưng ông Ô nhất quyết bắt phải đến trường. Nay cả hai người con đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và đang học tiếp cao học. Ông Ô nói ông rất vui vì “mình đã chọn cho con con đường đúng”.
Song không phải ai cũng nghĩ như lão ngư Ô. Nhiều ngư dân ở làng chài Phước Hội, thị xã La Gi mà chúng tôi gặp hiện nay ngoài hành nghề câu khơi, đánh bắt cá ngừ, họ cũng tranh thủ câu cá mập. Một phần vì giá trị vi cá mập quá lớn, một phần do các ngư dân chưa ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi từ biển và họ đã phải trả giá cho việc làm này.
Trả giá đắt
Cái giá phải trả của việc câu mập một thời là nguồn thu sau mỗi chuyến đi biển của ngư dân hiện nay giảm đi rất nhiều so với trước. Ông Nguyễn Đình Sáng, chủ tịch UBND phường Phước Hội, nhận xét: “Năm 2008 biển “đói” lắm. Thu nhập bình quân đội tàu của phường chỉ khoảng 6 triệu đồng/tàu/năm, giảm hơn 50% so với những năm trước. Biển nghèo là do những chiếc tàu đánh giả cào bay, việc đánh bắt hải sản chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn cá con giảm thì cá mập chẳng còn thức ăn, đành đi tìm vùng biển khác mà sống”.
Cũng theo ông Sáng, có một điều nguy hiểm là hiện nay nhiều ngư dân do say mồi nên đuổi theo đàn cá ngừ, cá mập mà xâm phạm cả vào lãnh hải của các nước bạn. Chỉ tính riêng tại phường Phước Hội, trong năm 2008 đã có trên mười tàu đánh cá bị các lực lượng bảo vệ biển của Indonesia và Malaysia bắt giam và xử lý. “Mặc dù chúng tôi cũng như các đơn vị hải quân, biên phòng... đóng trên địa bàn thường xuyên mở lớp tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo không được xâm lấn lãnh hải của các nước, thế nhưng đôi khi vì miếng cơm manh áo mà một số ngư dân đã bất chấp...” - ông Sáng nói thêm.
Nhiều ngư dân phân trần: vì vùng biển gần bờ đã cạn kiệt nguồn cá nên phải giong tàu ra xa, ngay sát vùng hải phận các nước để đánh bắt mới mong gỡ gạc được chi phí. Tại làng chài Phước Hội, nhiều ngư dân đã tán gia bại sản vì tàu bị tịch thu. Ngư dân Nguyễn Rằn có hai chiếc tàu câu khơi và săn bắt cá mập đều đã bị các lực lượng bảo vệ vùng biển của Malaysia và Indonesia bắt, tịch thu. Ông Rằn cho biết hai chiếc tàu trị giá hơn 1 tỉ đồng. Cả tài sản gia đình ông đã đổ vào đấy.
Hôm chúng tôi đến ông Rằn buồn xo, than: “Coi như năm nay gia đình tôi không ăn tết vì nợ nần còn chồng chất. Chỉ tiền dầu tôi còn nợ 120 triệu đồng, đó là chưa kể các món nợ lặt vặt khác. Chủ nợ cũng đến nhà siết luôn sổ đỏ rồi. Không biết ngày mai ra sao...”. Bỏ lửng câu nói, ông Rằn rít sâu một hơi thuốc rồi nói tiếp với anh Thông - cán bộ phụ trách hải sản phường Phước Hội: “Tiền vé máy bay cả của tôi và bảy người đi bạn hôm được phía Malaysia thả về nước hết khoảng 30 triệu đồng, nhờ chú nói với phường cho tôi khất. Thật chua chát, lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay cũng là lần đi tù ra, khổ!...”.
Biển là vậy, rất giàu có và luôn hào phóng ban tặng con người nguồn lợi từ lòng mình. Nhưng biển cũng rất sòng phẳng, không còn hiến dâng, thậm chí lấy lại mọi thứ đã ban tặng khi các ngư dân đối xử tệ với biển. Ấy là bài học mà rất ít ngư dân nhận ra như lão ngư Đặng Văn Ô từng chiêm nghiệm.
***
Một số loài cá mập, hay còn gọi cá nhám, có tên trong Sách đỏ VN (xuất bản năm 2000) cần được bảo vệ:
- Cá mập trắng (thuộc bộ cá nhám chuột) thường sống tại vùng biển gần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Bình Thuận và Côn Đảo.
- Cá nhám voi có ở các vùng biển như Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa, Bình Thuận và Vũng Tàu. - Cá nhám đuôi dài có ở vùng vịnh Bắc bộ.
- Cá nhám lông nhung (ngư dân quen gọi mập xà bông) phân bố tại các vùng biển Bình Định, Bình Thuận.
- Cá nhám nâu có ở vùng biển vịnh Bắc bộ và các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận…
NGUYỄN ĐỨC TUYÊN (Nguồn vietlinh)