Đầu năm 2004, Ban quản lý vườn quốc gia U Minh Thượng mở dịch vụ du lịch rừng. Chỉ sau vài tháng rừng U Minh Thượng trở thành điểm thu hút khách du lịch khắp nơi, mà “món” độc đáo nhất là câu cá trong những dòng kênh, trảng cỏ của rừng già.
Chiếc Toyota hai cầu bảy chỗ mang biển số Đồng Nai chạy rề rề trên con đường dẫn vào khu hồ Hoa Mai rồi tấp vào một bờ lau sậy cao lút đầu. Những người trên xe tay xách nách mang lỉnh kỉnh nào cần câu, ghế ngồi, dù che nắng, thùng đựng cá lặng lẽ tản ra mỗi người một góc.
Khu hồ rộng mênh mông. Họ nhanh chóng móc những chú nhái bén còn nhảy soi sói vào lưỡi câu bén ngót, rồi quay cần câu máy quăng mồi nghe rào rào. Buổi câu bắt đầu.
Đệ nhất cá đồng
Sơn, một thợ câu dáng người chắc nịch vừa chăm chú rê con nhái mồi len lỏi giữa những đám bèo và rong cỏ trên mặt hồ, vừa vui vẻ cho chúng tôi biết nhóm câu của anh đến từ Long Khánh, Xuân Lộc (Đồng Nai) và đây là lần thứ tư cả nhóm vào câu trong rừng U Minh Thượng.
“Tụi tui đã đi câu giáp xứ rồi, từng vào tận Tràm Chim, Tam Nông (Đồng Tháp), xuống Cà Mau rồi ngược lên rừng tràm tứ giác Long Xuyên nhưng chưa thấy ở đâu cá nhiều như rừng U Minh Thượng. Mỗi chuyến một người trong nhóm câu tệ lắm cũng được 5-7kg cá lóc. Nơi đây đúng là xứ... đệ nhất cá đồng”, Sơn nói.
Con nhái mồi đang được Sơn kéo nhảy loi nhoi trên mặt nước thì một tiếng “phập” vang lên, nước văng tung tóe. Sơn nhịp nhẹ cần rồi ghì chặt, tay từ từ quay cuộn cước, mắt chăm chú nhìn sợi dây câu căng như dây đàn chạy qua chạy lại trên mặt nước.
Chỉ một lúc sau chú cá lóc đen sì to bằng bắp tay người lớn đành chịu thua, để mặc cho Sơn lôi vào bờ. Gỡ con cá bỏ vào thùng, Sơn cười tươi rói: “Con này chưa thấm tháp gì, ở mấy trảng cỏ, bàu sâu trong rừng cá lóc con nào cũng... có râu!”.
Phía bên kia hồ các “chiến hữu” của Sơn cũng lần lượt giật dính cá, ai nấy mặt mày hớn hở. Nam, một thợ câu trong nhóm, nói vui: “Câu cá tự nhiên mà giống như câu... cá nuôi trong hồ, đã thiệt”.
Chúng tôi đi sâu vào khu du lịch vườn quốc gia U Minh Thượng. Dọc con đường nhựa dẫn vào hồ Hoa Mai xe du lịch hai cầu đời mới đậu la liệt, phần lớn là xe mang biển số TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Anh Nguyễn Văn Nhiên, trưởng phòng quản lý du lịch của vườn quốc gia, cho biết mỗi tháng dịch vụ câu cá đón gần 2.000 khách là dân mê câu chuyên nghiệp từ miền Đông Nam bộ trở vào, doanh thu gần cả trăm triệu đồng/tháng.
“Chủ yếu là nguồn thu phí dịch vụ: muốn vào rừng câu cá khách phải mua vé giá 40.000 đồng/người/ngày là được quyền thả câu ở bất cứ nơi đâu, cá câu được bao nhiêu cứ mang về bấy nhiêu; nếu muốn thưởng thức thành quả thì nhà hàng của khu du lịch sẵn sàng đáp ứng khâu chế biến với gia vị là các loại rau rừng đặc sản như trái giác, đọt choại...
Nhưng những tay câu sừng sỏ thường xuống vườn quốc gia trước một ngày, tìm nhà trọ tá túc qua đêm để sáng sớm thuê vỏ lãi của khu du lịch chở vào ruột rừng câu cá lớn.
“Phí dịch vụ này là 30.000 đồng/người, sáng 7g đưa vô rừng, chiều 17g rước về, ăn uống khách tự lo nhưng tuyệt đối cấm mang theo lửa”, anh Nhiên cho biết.
Tài, một thợ câu đến từ miệt Bình Phước, nói nhóm thợ câu của anh sẵn sàng bỏ thêm tiền để được vào rừng sâu câu cá, bởi chỉ có ở đó họ mới có cơ hội giật được những con cá rô mề to bằng bàn tay người lớn, những con cá trê vàng nặng cả ký lô hoặc những con lóc già 2-3kg đen trũi.
“Giá” của du lịch rừng
Có thể nói dịch vụ du lịch câu cá trong vườn quốc gia U Minh Thượng đang trở thành điểm đến lý tưởng của những ngày nghỉ cuối tuần.
Anh Nhiên và các cán bộ, nhân viên khu du lịch cho chúng tôi biết ngày thứ bảy, chủ nhật xe hơi, xe gắn máy từ các nơi đến đậu chật kín bãi xe, phục vụ khách bở hơi tai.
Nhưng cũng như nhiều khu du lịch xanh, du lịch sinh thái ở ĐBSCL, dịch vụ du lịch rừng ở U Minh Thượng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do các loại rác thải của khách du lịch để lại.
Ở rất nhiều nơi trong rừng, quanh các gốc tràm, bờ sậy, dưới các con kênh bao nilông, bao xốp và chai nhựa đựng nước uống là hai loại rác phổ biến nhất mà chúng tôi bắt gặp. Anh Nguyễn Văn Nhiên thừa nhận: “Chúng tôi không thể đặt thùng rác trong rừng để phục vụ khách du lịch vì vườn quốc gia có rất nhiều khỉ, đặt thùng rác là chúng phá ngay”.
Giải pháp xử lý rác tối ưu mà những người làm du lịch ở vườn quốc gia U Minh Thượng chọn lựa là mỗi tuần vào ngày thứ năm tất cả cán bộ, công nhân viên đều phải tham gia lao động tập thể, trong đó hai công việc quan trọng nhất là dọn cỏ và rác thải.
“Nhưng rác thì không thể dọn sạch 100% bởi khi đưa khách vô rừng để họ cả ngày trong đó chúng tôi đâu biết họ đi đâu để mình đi theo... dọn rác”, một nhân viên khu du lịch nói.
Ngoài mối lo rừng bị ô nhiễm rác, những bậc cao niên ở U Minh Thượng còn lo với tốc độ săn bắt ồ ạt như hiện nay, trong tương lai cá trong vườn quốc gia U Minh Thượng sẽ lần hồi cạn kiệt.
Ông Bành Văn Đởm, nguyên giám đốc vườn quốc gia, tác giả của khu du lịch hồ Hoa Mai, bức xúc:
“Vườn quốc gia “mở cửa” cho khách du lịch tràn vào bắt cá ồ ạt kiểu này liệu cá có kịp sinh sản để phục vụ nhu cầu săn cá của khách? Tôi nhớ mấy năm trước cá lóc 4-5kg/con ở U Minh Thượng không thiếu nhưng nay cá lớn hầu như vắng bóng. Theo tôi, tận dụng thiên nhiên để làm du lịch cũng tốt, nhưng vườn quốc gia cũng phải dành riêng một khu vực cấm săn bắt để đàn cá có điều kiện sinh sản, phục hồi”.
Theo TT, Việt Linh