Biển động. Những con sóng chồm lên, ầm ầm đánh vào vách đá. Những con tàu đánh bắt xa bờ líu ríu kéo nhau vào cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) tránh bão. Nhưng ngược đời thay, có những con thuyền nhỏ lại bươn bả ra khơi...

Đó là những con thuyền của ngư dân nghèo, hành nghề lưới hai, lưới ba. Sóng lớn quăng quật, những con thuyền nhỏ mong manh như chiếc lá tre bị nhồi lên nhồi xuống. Lẫn trong tiếng sóng gầm rú là tiếng máy nghe nghèn nghẹt...

Táng mạng

"Cái nghề lưới hai, lưới ba này luôn đối mặt với sóng gió. Sóng càng to, nước chuyển màu đùng đục, con cá hố, cá nháy mới quần tụ về vùng biển gần bờ càng nhiều", ngư dân Kiều Hoanh, 43 tuổi, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, người gầy như xác ve, nói.

Hơn 30 năm làm nghề lưới hai, ông Hoanh thuộc lòng từng quãng nông sâu, từng con sóng bạc đầu ở vùng biển Sa Kỳ. Thường ra khơi đánh bắt cá với con thuyền dưới 10 sức ngựa, trong thời điểm gió cấp 5, cấp 6, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, bản thân anh cũng cảm thấy chuyện làm ăn của mình thật nhỏ bé và mong manh.

Nhưng lâu dần nên quen, quen cả sự cực khổ, hiểm nguy, thậm chí đổi luôn cả tính mạng. Cách đây chừng năm năm cũng trong mùa biển động, ông cùng cha của mình - ông Kiều Tung - sau khi đánh bắt được mớ cá nháy, thấy ráng đỏ lừ ở đằng đông, biết cơn bão đã đến gần nên vội cắt lưới, đổ cá xuống biển, nổ máy hết tốc lực để vào bờ thoát thân.

Nhưng máy bị hỏng, thuyền bị phá nước rồi chìm, cánh bạn chài mạnh ai nấy bơi. Ông Kiều Tung bị một con sóng cao hất vào ghềnh đá trước sự bất lực của người con...

Ông Tung chưa phải là người duy nhất. Ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, anh Đỗ Cho cũng trong một chuyến xa khơi rồi gặp bão, thuyền vỡ ra từng mảng, biển nuốt anh mất dạng.

Không có thuyền, nhiều người nghèo phải đi biển mùa động bằng chiếc thúng chai. Ngư dân Phạm Trừ có trên 35 năm làm nghề, nói: "Giữa biển khơi sóng cả, chèo chống một mình thấy cô đơn và tội nghiệp cho thân mình lắm. Nhưng cũng vì cái ăn...".

Đói nên liều

 

Ngư dân Nguyễn Văn Bé ở thôn Định Tân nói: "Tôi chẳng còn nhớ mình đã đổi bao nhiêu xác thúng nữa, cứ hết chiếc này hư lại mua chiếc khác" - Ảnh: V.Q.C

"Nhưng rồi mọi sự hiểm nguy trên biển vẫn không nguy bằng cảnh không có gạo để nấu" - ngư dân Huỳnh Điệp, thôn Kỳ Xuyên, nói. Chính điều này nên nhiều lần khi nghe đài báo biển động tàu thuyền không được ra khơi, nhưng thấy bão chưa vào đến lộng là anh Điệp cũng như một số dân chài của làng biển lẳng lặng xuống thuyền tranh thủ nổ máy ra khơi. Đến khi bão đến gần thì quay vào bờ.

Thấy cảnh làm ăn liều lĩnh của một số dân chài, hai mùa biển rồi trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối và các lãnh đạo tỉnh đã về kiểm tra, chỉ đạo cảnh sát đường thủy, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi ra khơi cưỡng chế những chiếc thuyền này.

Sau đó, xã Tịnh Kỳ còn tổ chức họp dân kiểm điểm ngư dân, thậm chí có ngư dân bị xử phạt hành chính. "Làm ăn mà để chính quyền phải bận tâm, bà con trong khu dân cư kiểm điểm là khổ, là... tự ái lắm. Nhưng..." - anh Điệp nói.

Tham gia xử lý những thuyền đánh lưới hai, lưới ba vi phạm qui định về phòng chống lụt bão nhưng đại úy Nguyễn Văn Tâm, trưởng Trạm kiểm soát Sa Kỳ, vẫn xót xa: "Họ nghèo khổ quá...".

Và hi vọng...

Thường ngày ra khơi đánh lưới ba sau khi trừ chi phí xăng dầu, mỗi bạn chài làm nghề lưới hai, lưới ba kiếm được 30.000 - 50.000 đồng. Những hôm lưới kéo nhẹ tênh thì lỗ chi phí xăng dầu. Còn khi biển động cá quần tụ nhiều thì sau một ngày ra khơi, trừ chi phí xăng dầu, cơm gạo, mỗi bạn chài cũng được vài ba trăm nghìn đồng.

Xòe đôi bàn tay sần sùi, anh Nguyễn Bảy, thôn Kỳ Xuyên, kể: "Một mình đi bạn ra khơi bữa đực bữa cái như thế mà vợ bị bệnh nặng phải chạy chữa hết bệnh viện tỉnh rồi vô Sài Gòn thì làm sao trụ được". Hay như ông Nguyễn Văn Hùng, nhà ở thôn Định Tân, đứa con gái lớn thấy nhà khổ quá bỏ vào Nam kiếm sống, còn thằng út học xong lớp 9 nghỉ học xuống tàu đi bạn cho những nhà khá giả. Bản thân anh tuổi ngày càng lớn, biết không thể một mình một thúng chai ra khơi nên đành xuống thuyền ông Phạm Thanh đi bạn. Rất nhiều những cảnh đời như thế...

Ra khơi mùa động thì lo bị bắt, bị cản hơn là lo tính mạng. Ra biển rồi thì lo không biết kiếm được con cá con mú gì không. Ngư dân Huỳnh Điệp tâm sự: "Tấm lưới nhẹ tênh mà vợ con ra đón thấy lòng buồn lắm. Nhưng rồi vẫn phải hi vọng cho ngày mai. Chén cơm manh áo, tiền sách tiền vở cho tụi nhỏ đều từ biển mà ra, không ra biển thì làm sao đây?"...

Và cứ thế. Ngư dân nghèo hi vọng ở biển. Nhưng biển trong cơn giận dữ chỉ chực chờ nuốt chửng con người.

VÕ QUÝ CẦU (Nguồn vietlinh)