Bà con ngư dân vùng ven biển Quảng Nam gọi tôm hùm con là “vua”. Mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu của ngư dân đã đổ xuống vì tranh giành lãnh địa để săn những “ông vua, bà vua” nhỏ như que tăm. Mã tấu, thuốc nổ phòng thân là hai vật không thể thiếu trong mỗi chuyến đi săn "vua" của bất kỳ thợ săn nào...

Tôi đi săn “vua”

 

Nụ cười "thắng lớn". Ảnh: Vũ Trung.

8h sáng một ngày tháng 7, theo chân những ngư dân lão luyện vùng bãi ngang xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tôi xuất hành ra biển để đi săn “vua”.

Trước khi lên đường trên chiếc tàu không số xuất bến tại bãi Bấc (Tam Hải), lão ngư Hồ Văn Hồng (năm nay đã 60 tuổi, quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), người đem cái nghề săn tôm hùm con truyền cho bà con ngư dân ở Núi Thành bảo rằng, cái nghề này ngó dễ ăn là vậy, nhưng cũng lắm gian nan. Bởi vì, săn gần bờ nên sóng rất lớn, người nào có sức khoẻ mới chịu nổi.

Ngày, chúng tôi dong ghe chạy hết bãi này đến bãi khác để tìm nơi thả mành. Đêm đến, phải thức trắng để dò từng bãi rạn. Căng mắt, căng đầu theo dõi vùng rạn nào có tôm hùm con rời hang đi ăn. Lơ là một chút, hoặc không hiểu địa hình lòng biển, ghe mắc vào bãi rạn dễ thủng, rồi lưới bị rách, săn cả đêm chẳng được con nào…

Kinh nghiệm săn “vua” gần 15 năm qua mà ông Hồng có là bàn chân đầy vết sẹo lồi lõm do san hô cắt khi thuyền và lưới mắc vào bãi rạn, phải nhảy xuống biển lần mò gỡ.

Trên chiếc ghe mành không số tròng trành lướt sóng, ông Hồng kể về những hiểm nguy rình rập. Có những chuyến đi săn đong đầy... máu và mồ hôi của thợ săn. ”Để xác định được các bãi rạn có "vua”, cách bờ 4-5 hải lý, nhiều lúc phải lặn xuống biển để mò tìm các hang, nơi tôm hùm mẹ về trú đông sinh sản. Nhiều hang sâu trong bãi rạn, nếu không bơi giỏi, có sức khoẻ cũng như kinh nghiệm đi biển, rất dễ bị dòng nước ngầm dưới lòng biển cuốn vào hang, bỏ mạng không lấy được xác…” - ông Hồng kể.

Chuyện của anh Trần Văn Nam, một ngư dân lão luyện bỏ nghề câu mực, về theo ông Hồng học nghề săn “vua” hơn 2 năm nay: “Những tháng đầu tiên đi học nghề săn tôm hùm con thấy nản, bởi biển gần bờ sóng lớn, rồi cả ngày chạy long nhong, đêm thì căng mắt, sóng dập tơi bời, không phút nào yên. Đến đêm kéo mành, nhiều khi chỉ thấy toàn rong rêu. Nếu không kiên nhẫn thì rất dễ bỏ nghề…”

Chưa kịp nghe hết câu chuyện kể, chiếc ghe mành khựng lại, quay như chong chóng. Tôi ngã dụi đầu vào thành ghe, rồi nôn thốc, nôn tháo. Anh Nam ghìm máy giữ thăng bằng chiếc ghe mành và tránh những cơn sóng tới tấp đập vào mạn tàu.

"Lại gặp rạn san hô rồi…" - Nam bảo, và ra sức gồng người tìm cách đưa chiếc ghe thoát nạn mắc cạn. Mạn trước đầu ghe bị toác một đường dài, nước tràn vào. Vừa tát nước, Nam vừa xé toạc chiếc áo mặc trên người nhét vào lỗ thủng, rồi thả neo dùng dầu chai vá thành ghe...

Cuộc chiến săn “vua”: mã tấu và thuốc nổ!

 

"Vua" chỉ bé bằng cái tăm!

Nghề săn “vua” chủ yếu ở cái đầu và đôi mắt. Cái đầu biết phán đoán thời điểm “vua” rời hang đi kiếm ăn theo dòng nước và đôi mắt biết vùng rạn san hô nào nhiều “vua” để thả mành chong đèn… Nguyễn Văn Xuân, một tay cự phách săn “vua” nổi tiếng tôi gặp giữa đêm trên một chiếc ghe mành không số kể cho tôi nghe nghề săn “vua” mà anh đã từng trải hơn 6 năm qua.

Theo Xuân, kinh nghiệm, lòng kiên nhẫn, vẫn còn thiếu đối với thợ săn “vua”. Nếu như không có can đảm, kết quả những chuyến săn cũng bằng không. Bởi, vùng bãi rạn ven bờ thì hẹp, người đi săn thì đông, những cuộc huyết chiến trên biển xảy ra hàng đêm trên vùng biển ngang dọc ven bờ từ Núi Thành, Quảng Nam đến Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Nếu không chịu chơi đối mặt thì dễ bị bắt nạt. Thậm chí bị cướp ngay số “vua” vừa săn được trên biển. Vào khuya ngày 4/3 vừa qua, tại bãi rạn gần bờ biển xã Tam Hải, Núi Thành xảy ra một vụ đánh nhau giữa ghe mành Quảng Nam và Quảng Ngãi vì tranh giành vùng biển để thả mành.

Khi trận huyết chiến xảy ra trên biển, cậy thế đông, 3 chiếc ghe mành của Bình Sơn, Quảng Ngãi đuổi đánh một chiếc ghe mành không số tại Tam Tiến, Núi Thành. Cùng đường, trên đường tháo chạy, chiếc mành không số đã giở “tuyệt chiêu” dùng trái nổ tự tạo đánh chặn đường, nên thoát thân.

Trước đó mấy ngày, một ghe mành ở Bình Sơn, Quảng Ngãi trúng đậm trong một mành vừa kéo từ biển lên với hơn 60 “vua”. Tưởng trúng m ánh, đang thu mành, dỡ đèn để vào bờ, thì bất ngờ hai chiếc mành không số áp sát mạn, và 8 người lạ mặt nhảy lên dùng mã tấu để cướp toàn bộ số “vua” vừa săn được, trước sự ngỡ ngàng của 4 ngư dân.

Vẫn chưa hết, hàng loạt vụ thanh toán nhau để tranh giành lãnh địa ngoài khơi xảy ra hằng đêm, chỉ cần phát hiện vùng bãi rạn nào có “vua” xuất hiện, là lập tức hàng trăm ghe mành kéo đến chong đèn thả mành. Chỉ cần va quẹt nhau một chút, hay ánh sáng dàn đèn cao áp lệch góc pha vào tàu khác là có chuyện. Xuân kể, ở trên biển vẫn đang tồn tại luật ngầm mạnh được yếu thua. Các ghe mành thường hằm hè nhau, chỉ cần non gan một chút là phải nhường phần.

Bò sang ghe mành của Xuân, nhìn trong khoan là những tuýp sắt nằm lăn lóc bên đống mành. Xuân bảo: ”Chuẩn bị đồ nghề để phòng thân thôi mà, nếu cùng đường thì dùng “hạt nhân” (trái nổ tự tạo), được ăn cả, ngã về không, sợ chi…”.

Trong miên man câu chuyện săn “vua” giữa đêm ngoài khơi đèn sáng trưng như thành phố nhỏ, bất chợt, Xuân thở dài sau khi kéo mành chỉ toàn rong rêu, rồi bảo: ”Cái nghề săn “vua” ni giống như mò kim đáy bể mà…”

Sơ sẩy là trắng tay!

 

Lái buôn đếm "Vua". Ảnh: Vũ Trung.

Cả đêm hơn 10 lần giở mành, nhóm của Xuân 4 người chỉ săn mới được 20 “vua”. Lập tức những “vua” được đưa vào thùng xốp, cho nước biển và bơm ôxy vào để bảo vệ, nếu chăm sóc không tốt, lỡ “vua” chết là coi như trắng tay.

Theo nhẩm tính của Xuân, với giá tại thời điểm một “vua” chỉ bằng que tăm là 200.000 đồng, thì cả nhóm bỏ gọn 4 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi người trong một ngày đêm săn kiếm cũng được 500 nghìn. Đó là giá bán cho đầu nậu chầu chực trên bờ, nếu đem đến tận trại nuôi ở Khánh Hoà, Phú Yên… giá mỗi “vua” lên đến 300 nghìn đồng. Thời điểm trước Tết, “vua” bị đầu nậu ép giá, có thời điểm xuống chỉ còn khoảng 120 nghìn đồng.

Các ngư dân lão luyện bảo nghề săn “vua” như mò kim đáy bể. Nhưng cũng rất đơn giản và không khó lắm, chỉ cần chong đèn, thả mành lựa hướng nước chảy và biết nơi nào “vua” đi là được.

Nhiều đêm trúng lớn kiếm được chục triệu bạc dễ như trở bàn tay. Nhưng cũng có đêm về tay không. Anh Trần Duy Thiện học nghề săn “vua” từ những tháng năm đi làm biển thuê cho một số tàu ở Quảng Ngãi, cách đây 4 năm, anh về lại quê và tổ chức anh em trong gia đình đi săn “vua". Có đêm anh trúng đậm, chỉ một lần kéo lên đã có 30 đến 40 “vua” sa vào mành.

Lúc đầu những người đi với anh thấy kéo mành lên toàn rong rêu, đã có người bỏ về. Nhưng anh bảo trong đống rong rêu ấy phải thận trọng, bởi hàng chục “vua” mắc trong đó, phải người có nghề, với cặp mắt tinh tường mới phát hiện những “bà vua”, “ông vua” nhỏ như cọng tăm, với thân hình trong suốt đang ẩn nấp dưới đống mành đầy rong rêu. Nếu không kịp đưa “vua” ra khỏi mành chăm sóc thì coi như công cốc.

 

Mỗi chú "vua" là 200 ngàn! Ảnh: Vũ Trung.

Đã có lần anh tiếc đứt ruột vì mấy bạn chài của mình vô tình đã dẫm đống mành vừa kéo lên, phía trong đống mành ấy là một ổ “vua” bị đạp bẹp dí. Lần đó, cả ghe mành anh bỏ ăn, bỏ ngủ vì tiếc của. Anh Thiện bảo: "Mỗi đêm, chỉ cần săn được “10 vua” là sống được rồi, hơn hẳn nghề ra khơi cả tháng không vào bờ, chắc chi kiếm được vài trăm ngàn đồng…".

Còn ông Hồ Văn Hồng thì khoe, trong mùa săn Tết năm 2006, trong vòng chưa đầy 1 tháng ông kiếm được hơn chục triệu đồng. Năm nay người đánh bắt quá đông, nhưng riêng ông từ trước Tết đến nay trúng đậm, kiếm cũng được kha khá. Cũng theo ông Hồng, hàng trăm ngư dân có nghề săn “vua” như ông, sau hơn 5 năm đã tích góp dựng được nhà, sắm riêng được ghe mành…

Kết thúc một ngày đêm vật lộn với sóng gió không hề chợp mắt, tôi theo một ghe mành cập bến bãi Bấc xã Tam Hải. Trời chưa sáng, nhưng trên bờ rất đông người thu mua “vua” từ các nơi đổ về hình thành một chợ trên bãi biển. Chị Nguyễn Thị Tư, quê Tam Hải, Núi Thành, một người chuyên đi buôn “vua” mấy chục năm nay bảo rằng có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Giá mỗi “vua” 180 nghìn đồng không phân biệt lớn nhỏ.

Nếu mua được, mỗi người chị bao ăn sáng kèm theo chai bia. Kết thúc buổi chợ, hàng chục đầu nậu buôn “vua” chỉ mua được vài chục “vua”. Riêng chị Tư mua được hơn 300 “vua” đưa vào thùng xốp bơm ôxy và lập tức chiếc xe ô tô con chờ sẵn nổ máy nhằm hướng Khánh Hoà đưa về các trại nuôi.

Ngoài khơi xa, hàng trăm ghe mành khác vẫn đang đi tìm, và săn "vua"...

Vũ Trung

Tôm hùm con hiện nay được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Khánh Hòa, Phú Yên... nơi có rất nhiều lồng nuôi tôm hùm thịt. Trước đây, ngư dân Tam Hải săn tôm hùm bằng nghề lặn. Đã có nhiều người bỏ mạng giữa biển . Kể từ 5 năm trở lại đây, nhiều ghe chuyển qua nghề mành săn tôm hùm con, bà con gọi là săn “vua”. Nghề săn “vua” thu hút nhiều đầu nậu đến từ Quảng Ngãi và hình thành hẳn một chợ “buôn bán vua” không kém phần xôn xao vào mỗi sáng tại bãi Bấc.

Nghị định số 123/2006/NĐ – CP qui định:“... Tuyến bờ là vùng biển được tính từ điểm cách bờ biển 6 hải lý. Tàu cá tuyến bờ đăng ký tại tỉnh nào chỉ được hoạt động trong tuyến bờ của tỉnh đó...” Tuy nhiên, vì nguồn lợi săn tôm hùm con quá lớn, nên bà con ngư dân bất chấp mọi qui định. Nhiều ghe mành từ các tỉnh đổ xô về vùng bãi rạn Núi Thành để săn tôm hùm con. Mỗi ngày đêm ước chừng 400 tàu thuyền tổ chức săn tôm hùm con tại đây, nên nguồn tôm hùm con ngày càng cạn kiệt.

Nguồn vietlinh