Hơn 90% hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng lạch Sông Ngoạn nằm ven cửa sông Đà Nông (huyện Đông Hòa) thu hoạch được mùa với năng suất 5- 9 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi tôm không được trọn vẹn, bởi giá tôm giảm khiến thu lãi chưa cao.
NĂNG SUẤT, SẢN LƯỢNG TÔM THẺ ĐẠT CAO
Tôm thẻ được mùa nhưng mất giá – Ảnh: N.L
Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở lạch Sông Ngoạn đã thu hoạch rộ. Hơn 90% trong tổng số khoảng 100 hộ nuôi ở đây đã đạt sản lượng cao. Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) Lương Văn Khạng cho biết, bước đầu bà con đã đầu tư hình thành được vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở lạch Sông Ngoạn với hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Điều này cho thấy, con tôm thẻ có thể nuôi thay thế được con tôm sú vốn liên tục bị dịch bệnh ở ven cửa sông Đà Nông. UBND xã sẽ vận động, khuyến khích bà con phát triển các vùng nuôi tôm thẻ tập trung như ở lạch Sông Ngoạn, đồng thời có giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nuôi tôm thẻ theo kiểu “da beo” nằm xen lẫn với ao hồ nuôi tôm sú như lâu nay dễ phát sinh dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hạ, đặc điểm của con tôm thẻ là nuôi được ở mật độ dày, tôm có sức đề kháng cao, ít bị bệnh… nên năng suất, sản lượng đạt cao. Mặt khác, nuôi tôm thẻ chân trắng hoàn toàn không cần sử dụng các hóa chất, kháng sinh… để kích thích hay phòng bệnh tôm. Do vậy, tôm thẻ nuôi ở đây không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Từ năm 2001, cũng như hầu hết các vùng nuôi tôm ở ven cửa sông Đà Nông, vùng nuôi tôm khoảng 50 ha ở lạch Sông Ngoạn luôn bị dịch bệnh tôm sú hoành hành, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Trước thực trạng này, bà con đành bỏ trắng nhiều ao đìa, đi làm thuê ở nhiều nơi để trang trải nợ nần, lo cho cuộc sống gia đình. Đến năm 2004, một số bà con mới mạnh dạn đầu tư cải tạo lại ao đìa ở lạch Sông Ngoạn và chuyển sang nuôi con tôm thẻ chân trắng. Ông Trần Văn Việt, một người nuôi tôm thẻ ở đây, cho biết: “Thời gian đầu, đa số bà con chưa nắm vững kỹ thuật nuôi tôm thẻ nên năng suất đạt thấp, chỉ huề vốn hoặc thu lãi rất ít. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, năm nay bà con đồng loạt thả tôm thẻ nuôi trong 3 tháng đạt năng suất từ 5 – 9 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay. Riêng gia đình tôi thả nuôi 1,5ha tôm thẻ, thu hoạch đạt sản lượng trên 14 tấn…”.
TÔM HẠ GIÁ, MẤT 10 TRIỆU ĐỒNG/1TẤN
Mặc dù được mùa nhưng niềm vui của người nuôi tôm không được trọn vẹn, bởi giá tôm liên tục “rớt” xuống thấp. Ông Nguyễn Văn Hạ cho hay: “Trong khi chi phí vật tư, thức ăn, con giống… tăng cao, thì giá tôm thẻ chỉ bán được 38.000 đồng/kg (cỡ tôm 100 con/kg); giá bán xô trung bình 44.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Do giá tôm hạ nên tôi thu hoạch trên 6 tấn tôm thẻ chỉ thu lãi được 80 triệu đồng”. Tính ra, mỗi tấn tôm mất thu 10 triệu đồng nên đa số người nuôi tôm thẻ bị thiệt hại. Ông Trần Văn Việt phân tích: chỉ tính năng suất tôm ở mức thấp nhất là 5 tấn/ha, vụ này bà con nuôi tôm ở trong vùng lạch Sông Ngoạn mất đứt nguồn thu 2,5 tỉ đồng!
Thu hoạch tôm thẻ ở ven sông Đà Nông - Ảnh: N.L
Có thể nói phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở ven cửa sông Đà Nông nói riêng và ở nhiều vùng nuôi khác tại Phú Yên nói chung đang phát triển mạnh cả về quy mô diện tích, năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ tôm thẻ còn nhiều bấp bênh với giá cả có nhiều biến động bất thường. Tình trạng được mùa, mất giá và ngược lại luôn lặp lại ở nhiều vụ nuôi vừa qua, gây “đau đầu” cho người nuôi. Để nghề nuôi tôm thẻ vừa phát triển bền vững, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cao, nhằm “cứu” dần các cánh đồng tôm sú bị dịch bệnh tràn lan và bỏ trắng trong thời gian dài, đòi hòi phải có sự gắn kết giữa nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh và người nuôi tôm. Trên cơ sở đó cải tiến phương pháp nuôi phù hợp với chi phí thấp nhất; đồng thời nâng cao chất lượng tôm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu tôm thẻ với giá cả tiêu thụ ổn định, lâu dài.
NGUYÊN LƯU (Theo vietlinh)