Nuôi ghẹ lột không dễ, đã có nhiều hộ nuôi trên đầm Cù Mông (huyện Sông Cầu) bị thiệt hại nặng, phải phá bỏ trại. Riêng gia đình anh Nguyễn Văn Đức cùng vài ba hộ khác vẫn kiên trì bám nghề. Cuối cùng họ đã thoát nghèo thành công nhờ lòng kiên trì không mệt mỏi ấy.
Khu trại nuôi ghẹ lột rộng gần 100m2 của anh Đức nằm ngay đoạn có luồng nước thủy triều chảy mạnh trước khi ra tới cửa đầm Cù Mông. Đây là một lợi thế lớn vì ghẹ thường lột vào lúc thủy triều lên, nước mát, sạch và chảy mạnh. Anh Đức không giấu kinh nghiệm thành công của mình: “Ghẹ thịt thương phẩm mua về là phải cắt mắt ngay thì chúng mới chịu ăn và chịu lột. Phải làm thật tốt thao tác đầu tiên này nếu muốn làm ăn thành công”.
Trước khi nuôi ghẹ lột, anh Đức từng kinh qua nhiều nghề, nhưng nghề nào cũng chỉ trụ được một thời gian. Vào tháng 6/2003, nghe tin người dân vùng Tam Giang – Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nuôi ghẹ lột thành công, anh lặn lội ra tận nơi học kỹ thuật nuôi và tiến hành nuôi thử. Vạn sự khởi đầu nan, 2 năm đầu, cơ sở nuôi ghẹ lột của gia đình anh liên tục thua lỗ. Hàng chục triệu đồng vốn ban đầu do anh chị tích lũy, vay mượn ngân hàng và bà con dần trôi theo sông nước. Nợ nần chồng chất, nguy cơ phá sản đến gần, anh bèn vét những đồng vốn cuối cùng để đầu tư vào vụ nuôi năm 2005. Thật bất ngờ, anh Đức thành công liên tục trong 2 vụ nuôi gần đây, vụ nào cũng có lãi từ 30– 40 triệu đồng/năm. Gia đình anh đang dự định mở rộng diện tích khu nuôi với 10 lồng lưới tập trung trên một bè nổi, có nơi chế biến, xử lý đông lạnh. Mỗi ngày, cơ sở của anh Đức có thể xuất gần 100kg ghẹ lột thương phẩm cho các thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh với giá dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, lúc hút hàng có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Thời gian nuôi ghẹ lột chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 8 dương lịch). Tuy thời gian nuôi ngắn nhưng người nuôi phải am hiểu kỹ thuật nuôi thật kỹ. Anh Đức cho biết: Ghẹ là loài giáp xác rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường sống. Nếu thay nước thường xuyên, tuy ghẹ vẫn sống nhưng nó không chịu lột hoặc vừa lột xong là chết ngay. Vì thế, phải rút ngắn thời gian nuôi và quan trọng hơn là không để cho ghẹ chết sau khi vừa lột xong. Tiếp đến, người nuôi phải trực suốt 24/24 giờ xử lý ghẹ lột. Phải thường xuyên di chuyển ghẹ sang các lồng lưới khác nhau khi phát hiện những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ. Ngoài ra, ghẹ vừa lột xong rất yếu nên phải cách ly tuyệt đối với những con giống khác. Nếu không, dù chỉ một con lọt vào, lập tức đám ghẹ lột sẽ trở thành mồi ngon cho nó ngay. Khi ghẹ lột vỏ xong khoảng 15 phút thì vỏ cứng lại nên phải nhanh chóng đem đi sơ chế, ướp lạnh và đóng gói.
XUÂN HUY (Nguồn vietlinh)