Cả nước hiện có 5 tỉnh là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng với gần 8.000 hộ chuyên canh, sản lượng bình quân xấp xỉ 2.300 tấn tôm thương phẩm/năm, tương đương hơn 2.000 tỉ đồng. Chỉ trong vòng 9 tháng qua, bệnh "tôm sữa" đã gây chết hàng loạt tôm hùm thương phẩm trọng lượng từ hơn 200 đến gần 800 gram/con. Theo ghi nhận của Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản 3, từ tháng 9.2007, bệnh "tôm sữa" bùng phát thành dịch và diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, tỉ lệ tôm hùm chết tích luỹ do bệnh sữa ở Khánh Hoà xấp xỉ 60% và cá biệt có nhiều vùng lên đến 90%.
Trung tuần tháng 10.2007, lần đầu tiên ngân sách nhà nước đã chi một lúc gần 600 triệu đồng phục vụ công tác nghiên cứu dịch tễ học bệnh tôm hùm.
Theo ông Nguyễn Tử Cương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản - cho biết: Tháng 11.2007, lần đầu tiên các nhà khoa học VN đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh sữa trên tôm hùm.
Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu trong nước hoàn toàn trùng khớp với các nhà khoa học nước ngoài, 80% mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm đều xuất hiện 1 loại vi khuẩn ký sinh nội bào, hình cong, thuộc họ Rickettsia. Hầu hết chủ lồng tôm hùm đều hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học trong việc thử nghiệm điều trị "bệnh sữa" bằng kháng sinh streptomicine và enrofloxancine.
Kháng sinh được tiêm vào tôm ở 3 giai đoạn, từ lúc khởi phát đến bệnh rất nặng, với liều lượng khác nhau. Kết quả đáng mừng là tất thảy tôm hùm mới nhiễm bệnh đều thích ứng với thuốc và hồi phục rất nhanh.
Bảo Chân (Nguồn vietlinh)