Hải Phòng có điều kiện tự nhiên đa dạng, giàu tiềm năng, trong đó diện tích nuôi ở vùng triều rộng là một yếu tố thuận lợi để nuôi cá bớp. Mặc dù là tỉnh đầu tiên đã thành công trong việc sản xuất giống nhân tạo, song nghề nuôi cá bớp ở Hải Phòng vẫn chưa được chú trọng phát triển do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cho đến nay, nghề nuôi cá bớp tại địa phương vẫn nhỏ lẻ, khu vực nuôi tập trung ở Đồ Sơn, Đình Vũ, Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng, Cát Hải...các mô hình nuôi này chủ yếu là tự phát, vẫn dựa trên nguồn thức ăn tự nhiên: cá tạp, cua còng băm nhỏ, kỹ thuật nuôi còn hạn chế dẫn tới sản lượng nuôi không cao và hiệu quả kinh tế thấp.
Được sự đồng ý của Uỷ ban Nhân dân và Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hải Phòng, ThS. Đặng Minh Dũng cùng cộng sự tại Trung tâm Phát triển nghề cá và Đa dạng Sinh học Vịnh Bắc bộ thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi cá bớp thương phẩm đạt năng suất 5 tấn/ha bằng thức ăn công nghiệp ở vùng nước lợ Hải Phòng”
Sau quá trình nghiên cứu thực nghiệm, lựa chọn được thức ăn và mật độ nuôi phù hợp cho cá bớp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi cá bớp thương phẩm ở 3 ao (500m2/ao). Bờ ao được thiết kế vững chắc, có lót bạt UV chống rò rỉ nước. Độ sâu mực nước từ 1,2 - 1,5m. Thả giống với mật độ 12 con/m2, kích cỡ 6-7cm. Cho cá ăn thức ăn CP có hàm lượng Pr 40% từ 3-10% khối lượng cá/ngày. Sau 8 tháng nuôi, cá đạt khối lượng thương phẩm trung bình 74-75g/con, năng suất thu được từ 239 đến 347,65kg/500m2. Hiệu quả kinh tế từ 8 đến 11 triệu/ao.
Đến nay, ThS. Đặng Minh Dũng cùng cộng sự đã hoàn thiện được quy trình nuôi cá bớp thương phẩm đạt năng suất 6 tấn/ha/vụ ở vùng nước lợ Hải Phòng. Đề tài được hội đồng nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng ngày 6/11/2012 đánh giá 86,2điểm, đạt loại Khá.