Vùng biển miền Trung, dọc từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận, đặc biệt là vùng biển Khánh Hòa, là môi trường nuôi hải sâm rất tốt. Vùng biển này nằm trong vịnh kín, ít có biến động lớn và có độ mặn cao (25%), thích hợp để nuôi hải sâm...
Những nghiên cứu bước đầu của Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III cho thấy, việc nuôi hải sâm là hoàn toàn khả thi. Nhóm nghiên cứu đã dùng hải sâm tự nhiên để nuôi thí nghiệm. Loại hải sâm này là loại nhỏ, trung bình khoảng 150-200 g/con. Trong năm đầu chúng không đẻ lần nào và trọng lượng trung bình đạt 260 gam. Trong năm thứ hai, nhóm nghiên cứu tiến hành nuôi tiếp ở đăng biển và ao. Sau đó thực hiện kích thích hải sâm sinh sản bằng nhiều cách khác nhau như: sốc nhiệt, phơi khô, phun nước, tảo khô ở mật độ cao và bức xạ tia cực tím trong nước, với trung bình khoảng 1-3 triệu trứng /con cái/lần đẻ. Nhóm cá thể bố mẹ từ 200-600 gam đã đẻ 1-2 lần/tháng từ tháng 9 đến tháng 7 năm sau.
Hải sâm là loại sinh vật tầng đáy, đáy càng bẩn hải sâm càng mau lớn, sức sống của hải sâm rất cao. Nuôi hải sâm khó nhất là giai đoạn ra giống ban đầu. Thời gian ra giống rất dài, 3-4 tháng với tỷ lệ ra giống là 1/1000.
Con giống hải sâm chỉ cỡ bằng hạt gạo và dễ bị nhiễm bệnh do vi-rút. Nếu bị nhiễm bệnh có thể xử lý bằng thuốc, nhưng đến khi thành thương phẩm thì không đạt được kết quả như ý. Vì vậy, bể ấu trùng đó được xem là không tốt, phải loại bỏ hoàn toàn. Đến lúc hải sâm con xuống đáy thì phải làm sạch nước, tránh các loại thuỷ sản như cua, ghẹ...
Để hải sâm đạt được kích cỡ, trọng lượng tối đa thì việc nuôi, sang ươm hải sâm càng thưa càng tốt. Mật độ tốt nhất khoảng 300-500 gam/m2, với trọng lượng con giống là 5 gam nghĩa là khoảng 100 con giống/m2. Để thương phẩm đạt chất lượng và giá thành cao, trọng lượng hải sâm cần đạt khoảng 500 gam/con sau khi thu hoạch.
Ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn. Thời gian nuôi thường 8-10 tháng (chỉ bằng một nửa thời gian nuôi tôm hùm). Hải sâm cát là đối tượng nuôi dễ nuôi, với tỷ lệ thu hoạch gần như 100%. Do tập tính sống đáy, sử dụng mùn bã hữu cơ và vi sinh vật làm thức ăn nên hải sâm là một trong những đối tượng có khả năng làm thay đổi khu hệ sinh vật đáy.
Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Giám đốc Viện nuôi trồng thuỷ sản III, có thể nuôi ghép hải sâm với tôm hoặc ốc hương để làm cân bằng sinh thái và cải thiện môi trường, nhờ các đặc tính dinh dưỡng khác nhau. Trong ao nuôi tôm, đặc biệt là ao nuôi tôm công nghiệp dạng thâm canh, bán thâm canh, lượng mùn bã hữu cơ tồn động dưới đáy ao rất lớn do sự phân huỷ của thức ăn, chất thải của tôm nuôi và sự lắng động của tảo. Lớp mùn bã và vi sinh vật này, nếu được hải sâm sử dụng sẽ là nguồn thức ăn phong phú để chúng sinh trưởng và phát triển.
Hải sâm góp phần làm tăng trưởng tốc độ của tôm nuôi. Trong giới hạn mật độ từ 90-180 g/m2, mật độ hải sâm càng cao thì sinh trưởng của tôm càng nhanh. Đây là mô hình nuôi hỗn hợp rất kinh tế.
Tuy mới là nuôi thử nghiệm, nhưng trong tương lai, mô hình nuôi ghép có thể sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, hải sâm có thể thay thế hoàn hảo chế phẩm sinh học trong xử lý ao (bể) nuôi trồng thuỷ sản. Như vậy, kết quả chữa bệnh cho tôm, cá chẽm hoặc ốc hương sẽ đạt được hiệu quả tối đa.
Nguồn www.techmartvietnam.com.vn