Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nghề nuôi thủy sản của nước ta nói chung và của tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Ngày nay, những thị trường nhập khẩu sản thủy sản như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm sạch, do đó buộc chúng ta phải có những phương pháp quản lý nghề nuôi một cách chặt chẽ hơn, từng bước tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn đối với người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu.

Trước tình hình đó, tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có định hướng phát triển nghề nuôi thủy sản theo phương thức sản xuất cộng đồng bền vững, tạo ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản và xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu trên thị trường thế giới.

Một trong những yếu tố cần thiết để tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn là người sản xuất giống và người nuôi phải tuân thủ theo những quy định thị trường nhập khẩu về nuôi thủy sản có trách nhiệm, đạt tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt và an toàn vùng nuôi.

Tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương, người nuôi tôm cần tuân thủ những nguyên tắc cụ thể như sau :

Nguyên tắc 1 : Địa điểm nuôi

- Không gây thiệt hại đến khu vực rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển.

- Khu vực nuôi đảm bảo sự phát triển ổn định về đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.

- Tuân thủ luật sử dụng đất và quy hoạch quản lý của địa phương.

Nguyên tắc 2 : Quản lý nước và môi trường

- Ưu tiên việc quản lý môi trường nước bằng chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong ao nuôi.

- Giảm thiểu tác động của việc sử dụng nước cho nuôi tôm đến nguồn nước ngầm, nước mặt của khu vực.

- Không sử dụng nước ngầm để kiểm soát độ mặn.

- Sử dụng nước hiệu quả qua việc giảm thay nước.

- Không đưa nước thải trực tiếp ra môi trường. Nên thông qua quá trình xử lý nước thải bằng các chế phẩm sinh học trước khi đưa ra môi trường.

- Tuân thủ lịch thời vụ sản xuất của các nhà chuyên môn.

Nguyên tắc 3 : Tôm giống và bố mẹ

- Ưu tiên các loài tôm bản địa.

- Chọn tôm giống qua kiểm dịch và xét nghiệm để thả tôm giống chất lượng tốt.

Nguyên tắc 4 : Quản lý thức ăn

- Sử dụng thức ăn chất lượng tốt.

- Cho ăn theo nguyên tắc 3 đúng : ĐÚNG CÁCH, ĐÚNG LOẠI VÀ ĐÚNG SỐ LƯỢNG.

- Định kỳ trộn vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa và vi sinh đường ruột có chất lượng tốt, là những sản phẩm không bị cấm sử dụng vào thức ăn nhằm phòng trị bệnh cho tôm.

- Thực hiện những phương pháp đảm bảo vệ sinh trong thu hoạch, bảo quản và vận chuyển tôm.

Nguyên tắc 5 : Trách nhiệm xã hội

- Xây dựng cộng đồng sản xuất tôm có trách nhiệm và phát triển kinh tế khu vực không ảnh hưởng đến môi trường.

- Chọn những phương pháp nuôi thủy sản có lợi cho cộng đồng khu vực nuôi (Khuyến cáo người nuôi chọn phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học).

- Giảm thiểu rủi ro cho những hộ nuôi nhỏ, thông qua tập huấn khuyến ngư và hỗ trợ kỹ thuật.

- Tập huấn cho người nuôi những phương pháp ứng xử nuôi tôm có trách nhiệm.

Từ những định hướng về phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững như trên, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong nghề nuôi thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu là rất quan trọng. Như vậy, CPSH có vai trò như thế nào trong NTTS ?

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng khó kiểm soát trong NTTS từ các chất hữu cơ dư thừa như : thức ăn, phân và rác thải khác tích tụ dưới đáy ao nuôi. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc, hóa chất được sử dụng trong quá trình NTTS chưa được phân hủy hoàn toàn. Đây chính là nguyên nhân sinh ra các khí độc như amoniac, nitric, hydrogen sulfua… và các vi sinh vật gây bệnh cho tôm như : vibrio, aeromonas, e.coli, pseudomonas… nhiều loài nấm và nguyên sinh động vật.

Phần lớn các vi sinh vật gây bệnh kể trên là một phần của hệ vi sinh vật bình thường trong môi trường (nước biển, ao hồ, sông rạch), chúng chỉ được xem là tác nhân gây bệnh thứ cấp hoặc gây bệnh cơ hội. Khi cân bằng của hệ vi sinh vật trong ao nuôi bị phá vỡ, các vi sinh vật có hại sẽ phát triển ồ ạt và sớm cộng hưởng với các yếu tố có hại khác để gây bệnh. Hơn nữa, môi trường ô nhiễm trong thời gian ngắn sẽ tác động đến hệ thần kinh, dẫn đến giảm khả năng tiêu thụ thức ăn, giảm tăng trưởng, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Tất cả các yếu tố nêu trên sẽ làm cho thủy sản chết hàng loạt trong một thời gian ngắn.

Chính vì vậy, CPSH được coi là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ao nuôi, tạo nền tảng vững chắc cho phần lớn hoạt động NTTS trên thế giới. CPSH đã được chấp nhận rộng rãi để khống chế dịch bệnh, tăng sức đề kháng, cung cấp một phương thức an toàn, bền vững đối với người nuôi và người tiêu dùng.

Trong NTTS, CPSH còn là sản phẩm xử lý môi trường. Thay cho mục đích chủ yếu là tiêu diệt vi khuẩn, CPSH được sử dụng chủ yếu là kích thích sự gia tăng các vi sinh vật có lợi trong ao nuôi.

Một vài lưu ý trong việc sử dụng CPSH trong ao nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp

Mặc dù, CPSH đang được sử dụng nhiều trong NTTS, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này chủ yếu theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả CPSH phải đạt được 3 quá trình sau :

- Một là khống chế sinh học : những dòng vi khuẩn có ích trong sản phẩm có khả năng sinh chất kháng khuẩn để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong ao.

- Hai là tạo sức sống mới : các vi khuẩn trong chế phẩm khi đưa vào ao sẽ phát triển mạnh cả về số lượng lẫn hoạt tính, có khả năng tồn tại trong môi trường, có lợi đối với vật nuôi.

- Ba là xử lý sinh học : khả năng phân giải các chất hữu cơ trong nước, cung cấp chất dinh dưỡng, sinh vật phù du phát triển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi thối và cải thiện chất lượng nước.

Bên cạnh đó, chúng ta phải xác định thành phần của CPSH, thường là một tập hợp các chủng vi sinh vật sống có lợi, được chọn lọc và đóng gói bảo quản tốt. Các CPSH phải có các đặc điểm như :

- Không sinh độc tố, không gây bệnh cho vật chủ và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường.

- Có khả năng sinh các chất ức chế, ngăn cản sự sinh trưởng của vi sinh vật gây bệnh.

- Có khả năng sinh trưởng nhanh, cạnh tranh thức ăn và năng lượng với các vi sinh vật có hại.

- Có khả năng cải thiện chất lượng nước ao nuôi và phân giải các độc tố.

Để xác định chất lượng và hiệu quả của việc sử dụng CPSH trong ao nuôi, chúng ta nên thử nghiệm như sau : Đem xét nghiệm mẫu nước ao nuôi trước khi sử dụng CPSH, để xác định mật độ vi sinh vật có lợi trong ao. Sau khi sử dụng chế phẩm khoảng 3 ngày, xét nghiệm mẫu nước để đối chứng. Nếu mật độ vi khuẩn có lợi tăng cao đột biến và nồng độ khí độc giảm xuống thấp, thì có thể chấp nhận chế phẩm này.

KS. LÊ HOÀNG BẢO

Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu

Nguồn www.ficen.org.vn