Thế giới đại dương quả là một tuyệt tác với nhiều loài động vật, thực vật đủ sắc màu, trạng thái... Song nhiều loài động vật nơi biển cả lại là những mối hiểm họa chết người.
Viện Hải dương học Nha Trang vừa nghiên cứu và công bố 41 loài sinh vật độc hại, có khả năng gây chết người...
Cá nóc chấm cam (Torquigener pallimaculatus) | Cá nóc chuột vằn mang (Arothron immaculatus) |
Ấn tượng nhất có lẽ là loài cá nóc chuột vằn mang (Arothron immaculatus) với dáng vẻ bề ngoài khá bắt mắt, thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng... Nhưng trong trứng loài cá này tập trung một lượng độc chất thật kinh ngạc, cứ 100 gam trứng có thể giết chết 200 người; hàm lượng độc chất cao nhất xuất hiện từ tháng tư đến tháng mười. Tương tự, cá nóc chấm cam (Torquigener pallimaculatus) cũng là một loài đáng sợ, cứ 100 gam trứng hoặc gan có thể giết chết 60-70 người.
Cua mặt quỉ (Zosymus aeneus) |
Mực tuộc đốm xanh (Hapalochlaena lunulata) |
Ốc cối hoa lưới (Conus textile) |
Ngộ độc cá nóc có tỉ lệ tử vong rất cao. Trong trường hợp khẩn cấp, việc sử dụng một số dược thảo sẵn có như lá tía tô, đậu xanh, lá khoai lang non... có thể sơ cứu tại chỗ hiệu quả. (Theo YkhoaNet)
Trong khi đó, mực tuộc đốm xanh (Hapalochlaena lunulata), một loài hải sản khá quen thuộc, cũng có dáng vẻ bên ngoài lạ mắt, trên toàn thân và các xúc tu điểm các đốm xanh trông rất đẹp. Nhưng loài này lại là động vật biển cắn chết người. Độc tố tập trung ở tuyến nước bọt của chúng. Cứ 100 gam thịt và râu có thể giết chết hai người; còn 100 gam tuyến nước bọt có thể giết chết đến 23 người...
Tại vùng biển VN, các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Khoa học và công nghệ VN) đã xác định được cụ thể danh sách 41 loài sinh vật chứa độc tố có khả năng gây chết người, mà hầu hết các loài này đều sinh sống ở biển; chỉ có hai loài cá nóc nước ngọt mới được phát hiện gần đây ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể: một loài mực tuộc, hai loài ốc cối, ba loài cua hạt, một loài sam, 22 loài cá và 10 loài rắn biển. Riêng hai loài cá nóc nước ngọt được xác định là cá nóc chấm xanh (Chelonodon nigroviridis) và cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti).
Cũng theo các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang, đa số những loài độc hại nói trên có vùng sinh sống rộng, từ vịnh Bắc bộ cho đến vịnh Thái Lan như các loài cá nóc, cá bống vân mây, so và rắn biển. Tuy nhiên, cũng có một số loài như ốc cối, cua hạt, mực đốm xanh... chỉ mới bắt gặp ở vùng biển miền Trung và Đông Nam bộ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bản chất của các độc tố ở những loài hải sản nói trên thuộc nhóm chất độc thần kinh, nên khi con người bị nhiễm các loại chất độc này sẽ tác động trực tiếp đến hệ thần kinh não bộ, hệ tim mạch... gây ra những triệu chứng ngộ độc điển hình ở người.
Hầu hết chúng là những chất độc nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao trong thời gian tác động rất nhanh, với liều độc thấp. Trứng và gan thường là hai nơi tập trung độc chất cao nhất. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ, thịt và da lại là những nơi tập trung độc tố cao hơn cả, trong khi thông thường các bộ phận này vẫn được xem là ít độc nhất.
Ví dụ như cá bống vân mây được xếp vào loại sinh vật tập trung độc tố ở da. Biểu hiện nhận dạng dễ thấy nhất ở loài cá này là toàn thân màu nâu đỏ; mỗi bên thân có bốn vệt đen hình đám mây; màng vây lưng và màng vây đuôi có nhiều hàng chấm đen... Chất độc của loài cá này có ở các bộ phận cơ thể, tập trung nhất là ở da, cứ 100 gam da có thể giết chết 9-10 người.
Đặc biệt, các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang cho biết khác với những nghiên cứu trước đây, tất cả các bộ phận cơ thể khác nhau của ba loài hải sản: cua hạt, mực đốm xanh và so đều chứa độc tố. Các nhà khoa học ở viện này khuyến cáo “tuyệt đối không dùng các loài hải sản độc hại này chế biến làm thức ăn dưới bất kỳ hình thức nào”.
Cá nóc chấm xanh (Chelonodon nigroviridis) | Cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti) |
Thực tế cho thấy hầu hết trường hợp trúng độc, thậm chí mất mạng, là do con người ăn phải những loài hải sản chứa độc tố mạnh. Ngoài ra, do con người sờ mó hoặc vô tình chạm phải các loài như rắn biển, mực đốm xanh, ốc cối... nên bị chúng cắn, chích hay phóng tên độc. Các chất độc trong tuyến nước bọt sẽ theo răng hoặc tên độc của những loài này chuyển vào cơ thể người thông qua vết thương.
GIÁNG HƯƠNG
Theo khoahoc.com.vn