Xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) có hơn 100 hộ khoanh nuôi ngao rộng trên 250 ha ở vùng bãi triều ven biển, năng suất thường đạt 20 tấn ngao thương phẩm/ha, tổng thu nhập đạt khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Gia đình các ông Phạm Văn Lộc, Phạm Văn Thực, Phạm Văn Canh, Trần Văn Hưng, Đinh Văn Hoè, Trần Văn Hiếu… mỗi năm có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi ngao. ước tính toàn xã có gần 20 gia đình có nguồn thu vốn 1 tỷ đồng nhờ nuôi ngao. Nuôi ngao đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Chỉ tính riêng cơn bão số 5, số 6 năm 2005 đã gây thiệt hại cho các hộ nuôi ngao ở Giao Xuân hơn 90 tỷ đồng.

Đầu tư vào nghề nuôi ngao, chủ nuôi không phải lo thức ăn, nhưng phải tạo môi trường cho ngao sống thuận lợi. Người nuôi ngao thường chia diện tích nuôi thành những đầm rộng 2-3ha, có ô quây riêng biệt bằng lưới. Để có vùng nuôi bảo đảm yêu cầu sinh trưởng cho ngao, chủ đầm phải đầu tư 7-8 triệu đồng/ha để phun cát, tạo thành nền đáy bằng phẳng phù hợp với sự lên xuống của thuỷ triểu. Tiếp đó, người nuôi còn đầu tư 6-7 triệu đồng/ha để mua lưới quây phù hợp với từng giai đoạn phát triển và bảo đảm giữ được ngao nhưng không cản trở sinh vật phù du cộng với tiền chôn cọc xung quanh vùng nuôi ngao. Người nuôi ngao có kinh nghiệm thường không chọn đầm nuôi tại vùng có sóng to gió quá lớn vì lớp cát tầng đáy luôn bị xáo trộn, làm cho ngao giống bị chết hoặc chậm lớn.

Hàng năm cứ vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 là thời điểm ngao con trong tự nhiên nở rộ. Cũng trong thời gian này, Cty TNHH Cửu Dung (Giao Thuỷ) cho ngao giống sinh sản nhân tạo. Những chủ nuôi ngao ở xã Giao Xuân cũng như vùng lân cận vừa tận dụng ngao giống trong tự nhiên, vừa mua con giống sinh sản nhân tạo để nuôi thả. Ngao giống còn nhỏ thả dày nên cứ khoảng 4-5 tháng, chủ nuôi lại phải “san bãi” cho mật độ nuôi thưa ra. Từ ngao “cúc” (tương tự như chiếc cúc áo) nuôi thành ngao thương phẩm trọng lượng 80-100 con/kg mất khoảng 18-24 tháng. Cũng thời gian như trên ở nơi nguồn nước tốt, sẵn thức ăn, chỉ 50-60 con đã đủ 1kg bán ra thị trường với giá cao hơn ngao nhỏ 2-3 nghìn đồng/kg.

Mặc dù trong tỉnh đã có cơ sở sản xuất giống ngao, nhưng với lượng ít nên chủ nuôi còn tận dụng con giống có sẵn trong tự nhiên hoặc mua ở nơi khác về để nuôi. Nhu cầu về con giống mỗi năm một tăng. Nếu không chủ động được nguồn giống, các chủ nuôi phải mua giống từ ngoài tỉnh sẽ không bảo đảm chất lượng hoặc tận dụng khai thác nguồn giống trong tự nhiên quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái.

(Báo Nam Định, 31/8/2007,www.ficen.org.vn)