Trong khi con số những người bị ngộ độc do cá nóc gây ra không nhỏ, người dân ven biển thuộc các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân... tỉnh Hà Tĩnh, vẫn đánh bắt cá nóc để ăn và bán...

Biết có độc nhưng vẫn ăn!

Len lỏi tới những hàng bán cá khu chợ gần biển Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, chúng tôi lân la hỏi về cá nóc thì đều nhận được những cái lắc đầu. Nhưng vừa quay ra, một người phụ nữ trung niên chạy đến, hỏi: "O muốn mua cá nóc làm chi? Để cho ba ba ăn à? Nếu vậy thì o đi xuống thêm một chút nữa, họ đang câu ở ngoài biển sắp về, mua cho ba ba ăn là tốt lắm đấy!". Câu nói đó đã gợi ý cho chúng tôi cách tiếp cận với những ngư dân câu cá nóc.

Vừa chỉ tay vào chỗ cá nóc mới thu hoạch được, một ngư dân vùng biển Thượng Hải (Thạch Hà) cho biết: "Cô mua nhiều không? Cá nóc phơi khô, cắt đầu rồi thì 35.000đ/kg còn cá chưa cắt đầu thì 30.000đ/kg". Người dân ở đây đi câu thường xuyên, thuyền nhỏ thì khoảng 10 kg/lần, thuyền lớn thì lên tới 80 kg/lần. Ít thì đem về ăn còn nhiều thì đem phơi khô, làm mắm hoặc bán.

Thông qua một vài kinh nghiệm, họ phân biệt cá nóc chỉ có 3 loại: nóc hoa, nóc giấy và nóc cơm, trong đó 2 loại nóc không ăn được, nhận diện thông qua những hình hoa trên cá và gai sần sùi, loại thứ 3 là nóc cơm thì ăn được. Ông nói: "Cá nóc cơm ăn ngon lắm, chẳng thua gì thịt gà đâu! Chỉ cần lột sạch da rồi bỏ gan, trứng, mật và đem kho hoặc nướng là ngon nhất đấy!". Anh Hà, một ngư dân cho biết thêm: "Giờ nguồn hải sản ngày một khan hiếm, vẫn biết cá nóc có độc nhưng đành phải dựa vào kinh nghiệm của mình để mà phân loại nóc mà sinh sống thôi". Trước khi chia tay, anh còn nói với theo: "Nếu muốn mua nhiều thì cô để số điện thoại lại, chúng tôi gom cá rồi gọi cô, muốn bao nhiêu cũng được!".

Dừng lại bên một quán nước ven biển, cô Tuyết - chủ quán nói: "Ăn cá nóc là bình thường, chỉ cần mình làm sạch, bỏ hết gan, trứng, mật thì ăn ngon lắm". Hoa - con gái cô năm nay lên lớp 10 cũng nói thêm: "Đứa trẻ nào ở đây cũng biết phân biệt đâu là cá ăn được và cá nào không ăn được". Ngay trong lúc đó, có 2 người khách đến, hóng chuyện và hỏi ngay: "Này, cô mua nhiều không? Khoảng ít hôm nữa, cô thuê hẳn chuyến công nông xuống mà chở". Tôi đành nói chúng tôi xuống đây chỉ để thăm dò lượng cá, còn mua hay không phải phụ thuộc vào ông chủ. Người khách dịu giọng: "Ờ, thế có gì cô liên lạc với chúng tôi!".

Đến với chợ Gò ở Thạch Kim, việc mua bán cá nóc trở nên nhộn nhịp hơn, giá cả cũng được đưa ra rất phong phú. Cá nóc phơi khô người đi buôn lấy vào 12.000đ/kg và bán ra chênh lệch hơn một chút. Nóc tươi làm sạch thì vẫn là 35.000đ/kg. Người dân ở đây, một số mua về ăn còn đa số dùng vào việc chăn nuôi. Chỉ tay vào 2 rổ cá nóc to khoảng 70 kg, một ngư dân nói: "Chúng tôi mang về băm cho lợn, một rổ 35 kg này là 60.000đ, cô muốn mua thì sáng sớm mai xuống. Hôm nào họ cũng có đấy!".

Cá nóc... có thể ăn?

Trong cuốn sách Cá nóc và ngộ độc thực phẩm cá nóc (Nhà xuất bản Y học) đã từng nhắc đến chuyện ngư dân Nhật Bản ngay từ thời tiền sử, đã từng ăn cá nóc. Và theo thời gian, nó đã trở thành món ăn đặc sản, họ phân ra rất rõ loài nào ăn được, loài nào không ăn được. Sách này cũng cho biết, người Nhật đã ra quy định chỉ được bán cá nóc khi đã loại bỏ nội tạng và rửa sạch, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền và bị bắt giam 25 ngày. Ngoài ra họ còn quy định rất rõ về kỹ thuật và quy trình chế biến, cấp giấy chứng nhận cho những ai có kiến thức về cá nóc, phân loại cá nóc và cách chế biến để loại độc tố... Nhờ đó mà đất nước này hạn chế được những vụ ngộ độc về cá nóc mà vẫn tận dụng được nguồn hải sản này.

Năm 2003, các chuyên gia Hàn Quốc đã sang Việt Nam nghiên cứu, khảo sát về cá nóc và bước đầu thấy có 5 loài ăn được và tìm cách nhập khẩu vào Hàn Quốc. Có thể thấy, đây không những là đầu ra mà còn là nơi để ta học hỏi kinh nghiệm về quy trình chế biến cá nóc, trong khi hiện nay, ngư dân vùng biển Hà Tĩnh chỉ dựa vào kinh nghiệm biển của mình để ăn cá nóc, có thể dẫn tới các vụ ngộ độc như đã xảy ra

Theo www.thanhnien.com.vn