Trong thời gian gần đây, hàng loạt các vụ việc suy đồi trong giới khoa học Trung Quốc như sao chép luận văn, giả tạo thành quả nghiên cứu, lừa rút kinh phí nghiên cứu, móc ngoặc với Hội đồng thẩm định...được tiết lộ từ nội bộ giới khoa học đã khiến xã hội công phẫn. 

Tiền thật, nghiên cứu... giả!

Giáo sư Tư Phúc Sinh (Si Fu Sheng) từ Đại học giao thông Tây An là người phát giác sự việc các bài viết của Viện sĩ Viện khoa học Trung Quốc Nguỵ Vu Toàn (Wei Yu Quan) đăng trên "Tạp chí ung thư Trung Quốc" và tạp chí khoa học quốc tế "Nature Medicine" là "giả tạo học thuật".

Là một chuyên gia nghiên cứu về miễn dịch bệnh lý và miễn dịch ung thư, đã từng có nhiều nghiên cứu hợp tác với nước ngoài và giữ nhiều trọng trách ở các tạp chí chuyên ngành và là Phó trưởng ban thẩm duyệt của quỹ khoa học sinh lý bệnh lý thuộc Bộ Khoa học, Giáo sư Tư cho biết trong bài viết của ông Nguỵ trên "Tạp chí ung thư" kỳ 2 (số 23 năm 2001) đã giới thiệu về kết quả nghiên cứu thực nghiệm hắc sắc tố bệnh ung thư ở lợn và chuột.

Theo GS Tư, chỉ cần đọc kỹ bài viết đó là có thể phát hiện ra sai lầm rõ rệt trong thiết kế thực nghiệm, kết quả và kết luận thực nghiệm đều thiếu chân thực và tin cậy, rõ ràng đây là một bản luận văn khoa học giả tạo.

Một luận văn khoa học khác của Ngụy Vu Toàn, có tiêu đề "Imimmunotherapy of the tumors with xenogeneicendothelial cellsasavaccine" đã được đăng trên tạp chí "Nature Medicine" năm 2000. Tuy bài viết này không mắc phải những lỗi thiết kế như bài viết trên, xét về mặt câu chữ thì bài viết này có kết cấu rất chặt chẽ và trình độ tiếng Anh cao. Nhưng chỉ cần xem xét bài viết dưới góc độ miễn dịch học và nguyên lý cơ bản của bệnh lý học thì sẽ dễ dàng nhận ra rất nhiều điểm sơ hở. Đây cũng là một bài viết thiếu chân thực.

Năm 2001 cũng là thời điểm quan trọng của Nguỵ Vu Toàn khi nộp đơn xin tài trợ 1,5 triệu Nhân dân tệ (NDT) cho dự án "Khống chế sinh trưởng mạch máu khối u". Hồ sơ xin phép của ông Nguỵ được đính kèm với bài viết thiếu tin cậy được đăng trên tạp chí "Nature Medicine". Khi thẩm duyệt vòng hai, nhóm thẩm duyệt được chia làm hai nhóm.

Trong lúc thảo luận, Giáo sư Tư có đưa ra một số điểm thiếu tin cậy trong kết quả nghiên cứu, các chuyên gia khác cũng đều nhất trí. Khi yêu cầu Nguỵ giải thích ông ta đã không đưa ra được lời giải thích hợp lý.

Nghiên cứu dỏm vì danh và lợi!

Trong 20 năm gần đây, một số học giả vì muốn nhanh chóng được nổi danh trong giới học thuật trong thời gian ngắn nhất nên phải tìm cách thổi phồng bản thân bằng cách sao chép tài liệu nghiên cứu của người khác rồi… ký tên mình!

Điều đó đã trở thành thói quen xấu của một số nhân vật trong giới học thuật trong vòng 20 năm gần đây. Một trường hợp điển hình là vụ một bài báo khoa học sao chép đã được đăng trên cùng một tạp chí mà trước đó, đã có đăng bài này nhưng là của một tác giả khác.

Thạc sĩ nghiên cứu sinh Ngô An Xuân (Wu An Chun) thuộc Viện khoa học giáo dục Đại học sư phạm Nam Kinh đã từng được đăng bài viết ""Mười cách giáo dục" của Chủ tịch Mao Trạch Đông mãi mãi toả sáng " trên "Báo Học viện sư phạm Từ Châu" (năm 1993, bản khoa học xã hội triết học).

Khi đem so sánh bài viết của Ngô An Xuân với bài viết của tác giả nổi tiếng Thiệu Minh Đức (Shao Ming De) được đăng tải số thứ 4 năm 1978 trên cùng tạp chí nói trên với tựa "Nghiên cứu phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng dạy học -học tập mười "phương pháp lớn" của Mao Trạch Đông ", bài viết của Ngô An Xuân không có gì khác từ cách đặt vấn đề, quan điểm và câu chữ.

Điều có "ý nghĩa" hơn nữa là trong bản sao chép, Ngô Xuân An đã có không ít chỗ do không đủ kiến thức nên đã thay tên của những tên tuổi khác được đề cập đến trong đoạn văn như thay tên Stalin thành Mao Trạch Đông trong khi vẫn giữ nguyên đoạn miêu tả tính cách của Stalin ?!

Trường hợp trên không ly kỳ bằng vụ giả mạo sáng chế để lấy đó làm con đường thăng tiến… Tháng 2/2003, một người bí ẩn đã thông báo cho giới học thuật và truyền thông một tin về Trần Tiến (Chen Jin) - người đang được coi là người hùng của Trung Quốc lúc bấy giờ: Trần Tiến là kỹ sư làm công việc đo thí nghiệm ở Công ty Motorola đã mua một con chip MOTO-free scale 56800 từ Mỹ, thuê người mài dấu hiệu của công ty rồi thay vào đó là "ký hiệu" riêng, biến con chip đó thành "con chip Trung Quốc" đầu tiên của Trung Quốc.

Đồng thời, Trần Tiến còn xin đăng ký bản quyền và cũng nhờ con chip mà được thăng chức lên Viện trưởng học viện vi điện tử thuộc Đại học giao thông Thượng Hải và một số chức vụ khác. Qua việc này, Trần Tiến cũng đã xin được mấy chục dự án khoa học và rút từ quỹ nghiên cứu khoa học số tiền hơn 100 triệu NDT.

Công việc điều tra, tìm kiếm bằng chứng rất vất vả nhưng cuối cùng, ngày 18/2/2003, chân tướng sự việc cũng đã được phơi bày, "Con chip Trung Quốc" là việc hoàn toàn giả mạo.

Trung Quốc vẫn chờ đợi những đột phá trong lĩnh vực công nghệ cao, những con chip tính năng cao tự sản xuất vẫn là một giấc mơ lớn trong giới khoa học-kỹ thuật Trung Quốc. Trần Tiến đã lợi dụng sự kỳ vọng này, biến niềm tự hào dân tộc thành một sự kiện giả mạo nghiêm trọng.

Theo Giáo sư Đường An Quốc (Tang An Guo)- Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục cao đẳng thuộc Đại học sư phạm Hoa Đông, ngụy tạo nghiên cứu khoa học còn có khi do bệnh thành tích mà ra…

Lãnh đạo của các trường đại học và cao đẳng hiện nay đang rất cần những thành quả nghiên cứu khoa học, càng nhiều học giả nổi tiếng càng tốt, cho nên, các trường đại học và cao đẳng này rất khó có thể thẩm tra một cách hiệu quả đối với các nghiên cứu viên và các hạng mục nghiên cứu.

Ở Trung Quốc, để được đánh giá, xếp hạng, các trường đại học cần phải có những thành quả nghiên cứu khoa học, cần phải có những học giả nổi tiếng.

Lãnh đạo các trường sẽ lo lắng không yên nếu trường bị giảm vị trí xếp hạng.

Nếu mời được những người nổi tiếng, trường sẽ trở nên "vinh dự" và cùng với sự nổi tiếng đó sẽ là sự chú ý của mọi người về bảng thành tích của trường. 

Nếu kết quả nghiên cứu là thật, thì từ lãnh đạo đến nhân viên của trường đều cùng hưởng vinh quang, Trong trường hợp kết quả nghiên cứu không thành công, lãnh đạo của trường có thể không bao biện cho sự giả mạo, nhưng cũng có thể chấp nhận sự giả mạo. Họ cứ để "lập lờ đánh lận con đen".

Các kết quả nghiên cứu khoa học giả mạo một khi đã có tiếng tăm thì sẽ càng khó có thể phát hiện ra những vấn đề bên trong.

Thủ đoạn bòn rút kinh phí nghiên cứu

Đã có rất nhiều vụ chuyển tiền ra nước ngoài bị nghi ngờ là "rửa tiền". Có rất nhiều cách để "rửa" các khoản kinh phí nghiên cứu khoa học.

Cách thứ nhất: mua thiết bị, ví dụ như nhà nước cấp cho 7 triệu NDT, nhưng chỉ mua thiết bị 5 triệu NDT, phần còn lại là hoa hồng. Cách thứ hai: mua một lượng lớn bất động sản và xe hơi, rồi sau đó sẽ chuyển dần thành tài sản tư.

Cách thứ ba: mua bảo hiểm, ví dụ ông A năm nay đã 55 tuổi, mua bảo hiểm nhân thọ 5 năm, mỗi tháng 2000 NDT, 5 năm là 120 nghìn NDT, đợi đến khi về hưu là có thể rút khoản tiền này ra, ít nhất cũng thu lại được vốn. Mua bảo hiểm sẽ có hoá đơn và đương nhiên có thể thanh toán.

Cách thứ tư: hợp tác nghiên cứu, đề tài nghiên cứu được cấp vốn, nay hợp tác thêm với đơn vị khác và có thoả thuận với đối tác khai nâng giá, sau khi chuyển tiền xong thì chia hoa hồng với nhau.

Cách thứ năm: tư hữu hoá, tự mở công ty, lấy kinh phí nghiên cứu làm cổ phần góp vốn.

Cách thứ sáu: chi cho các chuyến du lịch.

Các trường còn có thể tranh thủ coi khoản kinh phí nghiên cứu là nguồn hối lộ cho các "quan trên" và các chuyên gia. Hình thức hối lộ cũng có thể là trích hoa hồng. Có những hạng mục nghiên cứu trích tới 10%, còn thông thường, tỷ lệ hoa hồng cho một chuyên gia là 2-5% chi phí xin dự án. Tiếp đó là hình thức tặng dự án, sau khi các chuyên gia thẩm duyệt thông qua đề tài tổng thì họ sẽ được "tặng" lại một hoặc vài đề tài con.

Tiền nghiên cứu khoa học... bốc hơi vào chứng khoán

Theo báo cáo của kiểm toán nhà nước Trung Quốc đã công bố: năm 2004, kiểm toán đã phát hiện ra 2 bộ môn và 45 đơn vị nghiên cứu khoa học đã chuyển dịch, chiếm dụng, dùng sai mục đích 669 triệu NDT kinh phí nghiên cứu, ngoài ra còn có 13 đơn vị đem 327 triệu NDT kinh phí cho vay, đầu tư ra nước ngoài, thậm chí đầu tư cả vào thị trường chứng khoán.

Đầu tư vào khoa học của nhà nước trường kỳ thiếu hụt, đây cũng chính là nguyên nhân hạn chế những nghiên cứu khoa học mới. Lượng kinh phí có hạn lại không được dùng toàn bộ vào việc nghiên cứu, mà trở thành nguồn rút tiền của các nghiên cứu viên.

Có nghiên cứu viên còn cho biết, chỉ cần tham gia dự án, từ việc ăn uống, thậm chí mua cho con một chiếc bút chì cũng sẽ được thanh toán vào chi phí dự án.

Việc thất thoát kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung Quốc có liên quan đến cơ chế phân phối chưa hoàn thiện, các cơ quan chủ quản và người phụ trách có quá nhiều quyền hạn trong việc phân phối nguồn vốn và thẩm duyệt dự án nên dễ phát sinh những hiện tượng làm sai chính sách, lãng phí nguồn vốn..., một số đơn vị còn kết nối thu nhập của nhân viên với nguồn kinh phí nghiên cứu, làm cho rất nhiều nghiên cứu viên phải cạnh tranh nhau để được vào làm việc cho dự án.

Mặt khác, còn thiếu sự giám sát chặt chẽ đối với kinh phí nghiên cứu. Kinh phí sau khi đã chuyển, việc sử dụng như thế nào thường do người phụ trách dự án quyết định, nên một phần kinh phí sẽ "chuyển hướng" vào túi cá nhân.

Về thành quả nghiên cứu, hoặc là viết vài bản luận chứng cho xong, hoặc là mời vài vị chuyên gia có thẩm quyền mở một cuộc giám định thành quả, chỉ cần "có vài lời", các chuyên gia thẩm duyệt đều sẽ cấp ngay "Giấy thông hành". Như vậy, những nghiên cứu viên này đã có thể rút nguồn kinh phí quý báu của nhà nước một cách nhẹ nhàng dưới cái mũ "thành quả nghiên cứu khoa học".

 Tệ nạn trong nghiên cứu khoa học

Tháng 11 năm 2005, Uỷ ban Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia công bố tình hình điều tra, xử lý đối với những khiếu nại về tệ nạn trong nghiên cứu khoa học, hy vọng "Phát huy tác dụng giáo dục cảnh báo qua các hồ sơ điển hình". Trong số 20 trường hợp bị thông báo, có hai trường hợp được xác nhận là "Bị nghi ngờ sao chép luận văn của người khác", 18 trường hợp còn lại đều là "Bị nghi ngờ không chân thực trong giấy xin phép (đăng ký)". Trong số 20 hồ sơ, có khoảng 15 hồ sơ có liên quan đến các trường đại học, cao đẳng, chiếm 75% số lượng hồ sơ. Sự kém chân thực trong việc xin phép hạng mục nghiên cứu, thông thường đều là được thông qua và nhận được vốn tài trợ của các cơ quan liên quan.

 

Người sưu tầm: Bùi Thị Thu Hiền

Theo http://vietnamnet.vn/khoahoc/quocte/2007/04/683379/