Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1,48 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra năm 2011 có thể đạt khoảng 1,6 tỷ USD.

Ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội

Từ tháng 10 đến nay giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng cao nên người nuôi cá rất phấn khởi. Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) hồ hởi: “Nhờ cá được giá nên hầu hết hộ nuôi bán cá đợt này đều trúng đậm, ai nuôi ít thì có lãi vài trăm triệu đồng, còn nuôi nhiều lãi đến hàng tỷ đồng”.

Theo ông Đệ, nghề cá khởi sắc trở lại đã kích thích người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Số lượng người nuôi cá đang tăng so với năm 2010, trong đó lượng cá từ 300 - 500 gram/con khá nhiều và đang phát triển tốt.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp đã chế biến trên 136.000 tấn cá tra phi lê, xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 300 triệu USD. Tại Cần Thơ, tình hình xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đạt kết quả khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm đạt trên 450 triệu USD, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2010.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Bianfishco

Theo VASEP, năm 2011 hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung bởi nền kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng, cộng với một số ngân hàng trong nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, nguồn cá tra nguyên liệu thiếu - giá cao… khiến các nhà máy bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất đều đặn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành thủy sản. Trong đó xuất khẩu cá tra đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Tại Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), trong 10 tháng đầu năm 2011, doanh thu của công ty đạt trên 1.318 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 97,7 tỷ đồng, về cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Cùng với ổn định sản xuất kinh doanh, công ty tăng cường quan hệ, giữ vững khách hàng cũ và không ngừng phát triển thêm đối tác mới. Nhờ đó mà đơn hàng xuất khẩu của Bianfishco rất nhiều. Việc ổn định sản xuất và xuất khẩu cá tra đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, nhiều hộ làm nghề nuôi cá, góp phần vào việc ổn định an sinh xã hội.

Hợp tác chia sẻ rủi ro

Tuy nhiên, cái khó trong thời gian gần đây là giá cá nguyên liệu liên tục tăng cao, nhưng giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, thậm chí không tăng do ảnh hưởng khủng hoảng nợ công châu Âu và kinh tế thế giới khó khăn... Vì vậy, xuất khẩu cá tra lúc này đạt hiệu quả không cao, thậm chí chỉ hòa vốn hoặc lỗ.

Do đó mà thời gian qua đã có những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chế biến kiểu gia công… buộc phải tạm ngưng hoạt động, hoặc giảm công suất chế biến. Riêng những doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, thương hiệu… vẫn duy trì hoạt động để giữ chân khách hàng và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.

Vùng nuôi cá tra chất lượng cao của Bianfishco

Nếu như trước đây xuất khẩu cá tra được giá tốt, các doanh nghiệp thanh toán tiền toàn bộ cho người nuôi nhanh, thì nay do khó khăn chung, nhất là vấn đề vốn, nên các doanh nghiệp buộc phải thanh toán tiền mua cá cho người nuôi bị chậm. Đây là thực trạng chung mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

Tại Bianfishco hàng tuần công ty đều trả tiền mua cá cho người nuôi. Đối với số tiền trả chậm thì công ty áp dụng chính sách bù đắp bằng cách chịu phần lãi suất theo đúng quy định của ngân hàng.

Nhiều hộ dân nuôi cá ở ĐBSCL nhận xét: Bianfishco là một doanh nghiệp làm ăn uy tín và luôn hỗ trợ tích cực cho người nuôi. Đối với từng thời điểm nếu công ty gặp khó về nguồn vốn thì công ty đều trả lãi số tiền mua cá trả chậm cho người nuôi, không để người nuôi bị thiệt. Nhiều hộ nuôi cá cho rằng, nỗi “ám ảnh” lớn nhất là thường hay bị thương lái và doanh nghiệp tìm cách chê cá xấu, cá bệnh, cá chưa đạt chất lượng… để hạ giá; mỗi lần như thế người nuôi mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Riêng Bianfishco xưa nay đã ký hợp đồng là mua đúng giá và bắt hết cá cho nông dân, không hề gây khó khăn cho người nuôi. Vì vậy nên nhiều hộ nuôi cá hài lòng và tiếp tục bán cá cho công ty.

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, chuyện nhà máy nợ hoặc trả chậm tiền mua cá là bình thường, vấn đề này đã diễn ra từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Trong tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp rất mong ngành chức năng, người nuôi cá… thông cảm và hỗ trợ để cùng nhau vượt qua.

Hiện tại, giá cá tra ở ĐBSCL sụt xuống còn 26.000 - 26.500 đồng/kg, dự báo sẽ còn giảm bởi sản lượng cá tới đây tăng cao. Nhiều người lo ngại, khi giá cá tăng thì người nuôi gây khó cho doanh nghiệp, ngược lại lúc giá cá giảm sẽ có một số doanh nghiệp làm khó lại. Đây là thực trạng tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, dù kinh tế có nhiều biến động nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn phát triển, duy trì việc làm cho gần 32.000 công nhân; trong đó các doanh nghiệp chế biến cá tra góp phần khá tích cực. Để nghề cá tránh những rủi ro và phát triển ổn định, rất cần sự liên kết giữa 4 “nhà”; trong đó sự hợp tác chặt chẽ giữa “người nuôi và doanh nghiệp” là vô cùng quan trọng. Hai bên cần tin tưởng, cùng chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, nghề nuôi cá tra đòi hỏi vốn lớn, rủi ro cao… nên những năm qua, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi phải liên kết chặt cùng doanh nghiệp từ việc thả giống, chăm sóc, thu hoạch… Cách làm này vừa đảm bảo đầu ra và nâng cao được chất lượng cá, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Bianfishco, khẳng định sẽ dồn sức cho ngành công nghiệp cá tra, bởi đây là thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL. Những khó khăn của doanh nghiệp lúc này chỉ là nhất thời rồi sẽ vượt qua. Lâu nay, Bianfishco luôn hỗ trợ cho người nuôi cá và tới đây sẽ tiếp tục trợ giúp người nuôi trên nhiều mặt, để cùng đồng hành - cùng phát triển.

Các doanh nghiệp xuất khẩu và ngành nông nghiệp cùng kiến nghị: Sản phẩm cá tra là thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, hàng năm thu về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời tạo việc làm cho rất nhiều lao động làm công nhân ở nhà máy, người nuôi cá, những dịch vụ kèm theo… Đây cũng là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu cần ưu đãi đầu tư vốn.

Để nghề cá tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và đi lên… rất cần các ngân hàng mạnh dạn trợ lực cho nghề cá.

Lãnh đạo Bianfishco cho biết, những năm qua công ty tập trung đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra hiện đại, xây nhà máy chế biến phụ phẩm, nhà máy sản xuất hàng giá trị gia tăng, lập vùng nuôi cá Global GAP, xây Viện nghiên cứu thủy sản, và nhiều dự án khác… Sau một thời gian đầu tư, từ nay Bianfishco đi vào giai đoạn khai thác để tăng doanh thu. Bộ NN-PTNT đánh giá Bianfishco là doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành thủy sản. Bianfishco đã đi đầu trong việc chế biến sản phẩm chất lượng cao và bán hàng ra thế giới bằng “thương hiệu Việt” rất thành công.

NGUYỄN DUY - TRỌNG PHÚ

Nguồn tin:

Sài Gòn Giải Phóng, 08/12/2011