Ông Phạm Tĩnh, người có “thâm niên” hơn 60 năm gắn bó với nghề chài lưới sông nước Thu Bồn ở làng Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), chỉ tay về phía nò cá bên kia sông, bảo: “Tôi đã già rồi. May mà trời còn cho tôi khỏe để làm nghề nò cá, con cháu cũng đỡ khổ vì phải nuôi ông bà già”...
Đóng nò
Ông Phạm Tĩnh cho biết: “Làm nghề nò cá, chỉ cần một chiếc thuyền, vài chục cây sào, cái đó, thêm ít tấm đăng và vài chục mét lưới là đủ. Quan trọng là biết chọn địa thế đóng cừ, giăng đó và... kiên nhẫn chờ. Các “công đoạn” làm nò cá như sau: Trước tiên, người làm nghề tìm chọn những cây tre già, vừa tầm bắp tay để làm cọc (nếu dùng cây sậy chặt trên núi thì tốt hơn).
Mỗi cọc dài từ 3 đến 4 m hoặc tùy theo độ nông sâu của nước, để khi đóng xuống đáy sông, phần cọc còn nhô lên mặt nước 1 - 1,5 m. Sau đó chọn khúc sông có địa thế tốt, nước chảy không mạnh lắm; một bên có độ sâu vừa phải, còn một bên có bãi cát thoai thoải để đóng hàng cọc qua sông làm bờ cừ.
Giữa hai hàng cọc có chừa một khoảng trống và làm dấu để ghe thuyền qua lại biết để khỏi va vào gây tai nạn. Cũng có nơi, người ta đóng cừ theo hình chữ V, hai hàng cọc từ nơi chừa khoảng trống chênh chếch về hai bờ sông (đối với nò cá đặt rớ đôi).
Cần sự kiên nhẫn
Làm nghề nò cá phải kiên nhẫn, vì cách đánh bắt này theo kiểu... “lá vàng rơi”: Đàn cá trên nguồn theo dòng nước về xuôi, đến đoạn bờ cừ, chúng men theo lưới đi vào nơi đặt rớ. Đường vào thì rộng còn đường ra thì khó, sau thời gian lùng bùng trong lưới, nhiều chú cá hoảng loạn vọt lên, rơi ngay vào “cái bẫy” lưới giăng sẵn. Con cá nào dính lưới hoặc chui vào đó, chủ nò bắt rất dễ dàng. Cũng bờ cừ ấy, chủ nò đặt hai rớ để vừa bắt cá từ phía trên xuống vừa dụ cá từ dưới lên.
Sau khi đóng cọc xong, người làm nghề nò cá sẽ rải lưới hoặc giăng đăng dọc theo bờ cọc. Làm thế để cá không vượt ngang qua bờ cừ mà men theo đến điểm giăng rớ. Tại điểm đặt rớ có đóng hơn chục cây sào cao hơn mặt nước 3 m.
Sào đóng làm hai hàng theo hình xoắn ốc. Lưới giăng theo hai hàng sào thành “mê trận”. Ngay điểm hẹp nhất của hai mép lưới, chủ nò đặt cái nơm hoặc giăng một tấm lưới theo kiểu giăng rớ 12 - 16 m2. Rốn lưới ngâm trong nước để cá nhảy vào vẫn sống. Thế là xong. Chủ các nò cá chỉ chờ... bắt cá.
Không bao giờ lỗ vốn
Hiện nay, người con của ông Tĩnh là anh Phạm Văn Quýt và các anh Phạm Văn Duy, Phạm Tám (cháu gọi ông Tĩnh chú ruột) cũng làm nghề nò cá trên cùng khúc sông này. Theo anh Phạm Văn Duy, gia đình anh làm nông là chính, nghề nò cá là phụ nhưng có thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Duy cho biết: “Từ ngày lập gia đình tới nay, năm nào vợ chồng tôi cũng làm thêm nghề nò cá. Nghề này có đồng ra đồng vào, không phải bán lúa gạo khi có chuyện ngặt. Nhờ đó mà nuôi bốn đứa con khôn lớn”. Ông Trần Bính, người làm nghề nò cá ở thôn Tĩnh Yên, xã Duy Thu (Duy Xuyên), cho rằng: Nghề nò cá rất thảnh thơi, “làm chơi” nhưng “ăn thiệt”, không bao giờ lỗ vốn. Những năm qua, cá mòi sông Thu xuất hiện nhiều vào thời điểm mùa cá “rộ”, mỗi ngày chủ nò thu hoạch được trên 50 kg cá, thu nhập đến 300.000 đồng.
Theo ông Phạm Tĩnh, nhiều đêm nằm canh nò, nghe cá quẫy mà “sướng” cả người. Ông Tĩnh cũng như hàng chục chủ nò cá trên sông Thu Bồn đang có nỗi lo chung: Cá tôm trên sông khan hiếm dần do nạn khai thác bằng châm điện, nghề nò cá rồi cũng mai một thôi. Lão ngư Phạm Tĩnh rót hai bát rượu đầy mời khách. Bà Tĩnh lụi cụi bê từ gian bếp trong khoang thuyền ra đĩa cá chép kho thơm lựng. Nghề nò cá cũng có thú vui riêng...
PHƯỚC TRỊNH (Theo vietlinh)