Anh Phan Công Tàu cùng người phụ việc đang rất tất bật trải bố cốt và lăn composite lêm lòng thúng. Anh là người thợ đầu tiên mở ra nghề làm thúng composite ở làng biển Khánh Hội (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải). Composite là công nghệ vật liệu mới có những ưu thế riêng đưa vào nghề làm thúng được bà con ngư dân địa phương đón nhận.
Phạm Công Tàu - người thợ tròn 30 tuổi đời đã có 10 năm gắn bó với nghề sản xuất các thiết bị phục vụ nghề biển bằng vật liệu composite. Năm hai mươi tuổi, anh được tiếp nhận vào làm việc tại phân xưởng đóng tàu thuyền ở thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tàu may mắn được tiếp cận làm vật dụng phục vụ nghề cá bằng vật liệu composite do các thầy giáo từ khoa công nghệ vật liệu thuộc Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp truyền nghề. Sau mười năm học nghề rồi làm thợ composite ở Cam Ranh, anh mang nghề sản xuất thúng, thùng đựng nước bằng vật liệu mới vào Ninh Thuận lập nghiệp.
Được người quen cho Phạm Công Tàu “dựng lều” mở xưởng sản xuất trên mảnh đất mặt tiền ở làng biển Khánh Hội. Anh dựng bảng nhận làm thúng, thùng đựng nước, xảm tàu thuyền bằng vật liệu composite. Thấy loại vật liệu làm thúng đọc tên “chữ Tây”, bà con ngư dân địa phương lấy làm lạ lẫm nên chưa đặt hàng. Anh đầu tư sản xuất mẫu thúng và thùng đựng nước trưng bày giới thiệu làm quen với ngư dân. Từ một vài người mua dùng thử thấy thúng nhựa cứng cáp mà nhẹ nhàng dễ chèo chống nên bà con truyền tai nhau mua thúng composite. Anh Trương Văn Hậu chủ thuyền NT 92026 ở Khánh Hội đến mua thúng composite cho biết: “Loại thúng nhựa này tuy giá mắc gấp rưỡi thúng tre nhưng bà con sử dụng thấy hiệu quả vì nó bền, nhẹ nhàng, không mất công tát nước”.
Mới một năm khởi nghiệp đưa loại vật liệu mới này vào vùng biển huyện Ninh Hải, thúng và thùng đựng nước composite của Phạm Công Tàu bước đầu được ngư dân tin dùng. Trung bình mỗi tháng anh cho “hạ thủy” 4-5 chiếc thúng xuôi về Mỹ Tân, Khánh Hội, Ninh Chữ. Thúng composite có chiều cao 0,5 mét, đường kính 1,6 mét nặng khoảng 40 kg có thể chịu tải trọng 4-5 tạ. Ngoài ra, anh Tàu còn làm thùng đựng nước, đựng dầu dung tích 400 lít cũng bằng vật liệu composite cung cấp cho ngư dân. Mỗi chiếc thúng composite xuất bán với giá 1,6 triệu đồng. Trừ chi phí vật liệu, người thợ còn lãi 150 ngàn đồng tiền công.
Ngừng tay trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Công Tàu cho biết: “Để hoàn thành một chiếc thúng, hai người thợ phải làm ròng công một ngày. Khuôn thúng được xây bằng bệ xi măng rồi dùng nhựa cứng cắt ra làm 8 nan cái chịu lực. Sau đó, lót bố thủy tinh làm cốt rồi lăn composite làm nền dày 5 lớp. Một lớp bố được phủ lên một lớp composite là loại vật liệu mới tổng hợp từ nhựa dẻo có khả năng chịu lực cao và bền vững. Trong quá trình sử dụng nếu bị va đập mạnh dẫn đến hư hỏng thì sửa chữa khôi phục lại cho bà con xài tiếp. Em tin rằng trong vài năm tới các vật dụng phục vụ nghề cá được sản xuất từ composite được bà con ngư dân địa phương tin dùng”.
Theo Báo Ninh Thuận, Việt Linh