Ghi (tàu) đang xếp hàng ở cảng phường 6, TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Biển không phải trong ngày động. Tại chưa đến mùa câu cá ngừ. Những ngư dân ngồi buồn xo. Lo nợ chưa trả hết, lo cấn lãi, lo nhất là giá nguyên liệu ngày một tăng và quan trọng hơn cả, câu cá ngừ giờ khó. Vùng biển gần còn ít lắm, mà đi đánh bắt xa thì ghi lại nhỏ.

Cái nợ lãi mẹ đẻ lãi con, bao nhiêu ngư dân bứt rứt không yên, hết xuống ghi lại lên cảng mà thở dài...

“Ghi vay”

Cảng cá phường 6 trong một sáng nắng vàng như mật. Không có mùi tanh của cá, cũng không có vị mặn của biển. Một dãy nhà kho thu mua trên bến cửa đóng then cài. Dưới, khoảng gần 100 ghi nối đuôi nhau đậu sát cầu cảng. Một tốp ngư dân ngồi trên bờ uống trà vặt, vừa tán dóc vừa chửi tục...

Anh ngư dân Trần Đúng đang hì hụi đóng đóng gõ gõ mé đầu ghi. Chẳng có việc gì, ngày nào anh cũng săm soi xem có cái đinh nào gỉ hoặc sứt mũ thì móc ra, đóng đinh mới vào, gọi là gia cố mạn thuyền. 44 tuổi, 26 năm đi biển, người anh Đúng sắt lại như gỗ, da sạm đen màu nắng. Anh than: - Gần tháng nữa mới đến mùa câu. Rỗi việc, về nhà thì sốt ruột, ra cảng cũng chỉ mỗi việc này.

Phú Yên có nghề câu cá ngừ đại dương có tiếng suốt một dải miền Trung. Theo tính toán của các cơ quan thủy sản, một năm có hai vụ cá ngừ. Vụ chính từ tháng 4 đến tháng 8 âm, vụ phụ từ tháng 10 đến tháng Giêng. Anh Đúng bảo: - Lấy đâu ra mà lắm cá ngừ thế. Tui chơi dài. Lận tháng 11 mới có việc làm, ra khơi miết, ra Giêng, hai là phải về cảng.

Tuy vậy, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên cũng được coi là khá phát triển. Số lượng tàu thuyền ngày càng tăng. Giờ vào khoảng 700, 800 tàu thuyền. Phường 6, chỗ anh Đúng, làm khá hăng. Dân tự vay tiền mua ghi, còn phường khuyến khích lập tổ hợp tác vay vốn đóng mới ghi, đầu tư ngư cụ câu khơi hiện đại. Đến giờ, đội ghi phường 6 có gần 350 chiếc, khoảng 200 chiếc được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy định vị, máy kéo câu...

Anh Đúng đầu tư chiếc ghi này cách đây bốn năm hết 420 triệu đồng, loại chỉ có thể đánh bắt “tầm trung”. ấy thế mà anh đã phải vay tới hơn 300 triệu. Hầu hết ngư dân phường 6 đều làm như thế. - Gì chứ câu cá ngừ mà giầu tới mức đầu tư được ghi cả phường ni chỉ được đôi ba người. Lấy đâu ra! - Anh Đúng bảo. Tuy vậy, hiện ngư dân phường 6 đang tiếp tục đóng mới, ghi to hơn, hiện đại hơn.

Tiền đi vay cả. Anh Đúng đầu tư chiếc ghi tới giờ chưa trả xong nợ, chậc lưỡi: - Cả phường toàn “ghi vay”.

Anh Trần Đúng than vãn: - Tháng nữa mới ra khơi được.

Chóng mặt vì tăng giá

Ngư dân sợ nhất gặp bão. Nhưng ra khơi là bão biển mà trước khi ra khơi là bão giá. - Ghi nhỏ như của tui mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời cần hai, ba tấn dầu. Một tấn dầu mất 9 triệu bạc. Giá dầu tăng quá trời, chỉ mấy tháng đã ba lần tăng giá, chịu sao thấu. Đi mỗi chuyến phải mất già 20 triệu tiền nhiên liệu, cộng thêm các loại nguyên liệu bảo quản khác như đá, rồi đủ thứ, cũng phải đến 26, 27 triệu bạc. Chưa kể, phải dự trữ thêm một tấn nguyên liệu trên tàu phòng khi chưa khai thác đủ cá để “hồi vốn” mà về. Mỗi chuyến đi, cần chừng mươi ngư dân. Cả hai con tôi, họ hàng và mấy anh em cùng phường đi cùng. Về lại phải trả công cho từng ấy lao động. Câu cá ngừ như đánh bạc. Chuyến lỗ, chuyến được, nhưng nhiều nhất là hòa.

Ghi của anh Đúng mỗi chuyến đi biển giờ đội thêm khoảng 10 triệu đồng tiền trượt giá đủ thứ so với cách đây hơn năm. Anh Đúng chỉ sang cái ghi to gấp rưỡi ghi của anh đậu phía trước: - Ghi càng lớn càng lỗ nặng.

Thế mà ngư dân vẫn phải ra khơi. Neo thuyền chết chắc, đi còn may ra gỡ gạc được, còn trả dần được nợ, còn có cái đút miệng.

Một ông cán bộ phường 6 hồ hởi: - Hiện phường đang đẩy mạnh công tác khuyến ngư, vận động ngư dân áp dụng tiến bộ khoa học vào đánh bắt cá ngừ, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân phát triển ghi lớn, thiết bị hiện đại.

Anh Phê, chủ một ghi đậu sát ghi anh Đúng, bảo: - Đừng tin mấy ổng. Vay được vốn phát khổ. Tụi tui toàn vay nóng ở ngoài. - Lãi suất cao hơn không? - Tất nhiên! Anh Phê nhanh nhẩu.

Số ghi có công suất lớn, đủ khả năng xa bờ của Phú Yên không nhiều. Cả phường 6 chuyên đi biển này cũng chỉ có chừng 1/3 ghi dám... rời xa bờ. Nhiều ngư dân đầu tư mới ghi nhưng phương tiện khai thác vẫn thủ công, thả câu, thu câu, kéo câu, dùng lưới vây, rê... tất tần tật đều bằng tay. Anh Phê rầu rầu: - Nào có vốn!

Khốn đốn vì hạ giá

Trong khi giá dầu, giá đá ướp, nguyên liệu bảo quản khác... tăng vùn vụt thì giá cá ngừ bấp ba bấp bênh, lúc tăng lên được 80 nghìn đồng một kg, lúc tụt xuống còn 30 nghìn. Anh Đúng, anh Phê hất hàm lên phía bờ cảng. - Đấy, năm cái nhà kho thu mua ấy đấy. Tất cả của tư nhân. Họ cho chúng tôi vay vốn đóng ghi, mua ghi, cho vay mua nguyên liệu nhưng ép chúng tôi phải bán cá cho họ. Một kg cá ngừ lúc được giá thì chừng 70 nghìn đồng. Nhưng được thế đâu có lâu. Vừa nhích lên được một đồng thì lại tụt xuống cả chục đồng. Giá trên thị trường chưa hạ, họ đã hạ. Giá trên thị trường cao, mãi họ mới tăng. Mà bán cho chỗ thu mua khác, họ đòi tiền mình vay ngay lập tức, không cho dùi dắng cấn trừ gì cả. Thêm vào, lần sau muốn vay để mua nguyên liệu chẳng hạn, đừng có hòng...

Quả tình trước mỗi chuyến đi, ngư đâu đều phải đến gặp chủ nợ mượn tiền chuẩn bị nguyên liệu. Về trả bằng cá. Giá cá thế nào họ tự áp.

Cảng cá phường 6 là nơi tập trung ghi lớn nhất khi mùa câu cá ngừ đại dương về, nhưng các dịch vụ hậu cần nghề cá bị bỏ ngỏ. Không kho bảo quản, cảng thì xập xệ. Năm nhà kho lợp mái tôn, cao khoảng 6m nom tồi tàn, cũ kĩ. Ngư dân đi ghi về, tập kết cá ngừ vào cho chủ vay, không mặc cả nâng lên đặt xuống gì hết.

Thế mà phải chịu đấy.

Cá ngừ đại dương phân bố nhiều ở vùng biển Việt Nam, nhưng đánh bắt mãi cũng hết. - Bây giờ cá trong vùng biển gần hiếm lắm. Có khi giăng lưới vài ba hải lý không bắt được con nào. Phải đi lên những vùng biển xa hơn. Ngư dân Bình Định liều nhất, họ ngược lên mạn Ma-lai-xi-a, đánh bắt được nhiều hơn. Song đi được như thế phải có ghi lớn. Tức là phải có vốn. - Anh Đúng nhăn nhó.

Nếu giá ổn định, mỗi chuyến anh Đúng cũng phải đánh bắt được bốn tạ cá mới đủ cấn trừ vốn, nợ, khấu hao ghi thuyền rồi trả công cho ngư dân. Ghi lớn, chi phí lớn, thêm hai chục ngư dân trên thuyền, có mà phát ốm. Nhưng loanh quanh gần bờ lấy đâu ra từng ấy cá.

Sau mấy hôm cả Tuy Hòa ngập trong lụt, mấy bữa nay trời nắng đẹp. Biển hiền lành. Trong guồng tăng giá, nghỉ mùa, giá (cá) hạ, bao ngư dân lo sốt vó. Anh Đúng bảo đang nhấp nhổm không yên. - Không biết bao giờ trả hết nợ. Cứ nghĩ những lãi mẹ đẻ lãi con mà buốt ruột.

Nắng biển sánh vàng. Nhưng nom mặt anh Đúng, anh Phê bạc phếch.

Nguyễn Triều- Nguyên An (Nguồn vietlinh)