Te xiệp là nghề truyền thống của một bộ phận ngư dân nghèo, kỹ thuật khai thác còn lạc hậu. Trong những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ven bờ đang ngày càng cạn kiệt, nhưng để khai thác được nhiều loài thuỷ sản với phương châm đánh bắt được càng nhiều càng tốt phục vụ nhu cầu mưu sinh thì hầu hết các tàu te xiệp sẵn sàng vi phạm pháp luật để đạt được mục đích khai thác.

Trong khuôn khổ đề tài Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và kinh tế để chuyển đổi nghề te xiệp sang nghề khác không xâm hại đến nguồn lợi hải sản đã được Bộ trưởng Bộ Thủy sản phê duyệt theo Quyết định số 637/QÐ - BTS ngày 23/06/2004, năm 2005, sau khi tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nghề te xiệp và một số nghề không xâm hại nguồn lợi hải sản và lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi nghề te xiệp sang nghề lưới rê tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Việc xây dựng thành công mô hình chuyển đổi đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nguồn lợi hải sản đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của ngư dân địa phương, đặc biệt là ngư dân nghề te xiệp. Mô hình chuyển đổi nghề te xiệp sang nghề lưới rê tại Viên An là một hướng đi cho ngư dân nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ, góp phần phát triển khai thác hải sản bền vững.

1. Tổng quan nghề te xiệp xã Viên An

Năm 2005, xã Viên An có số tàu thuyền te xiệp là 60 chiếc, chiếm trên 30% tổng số tàu thuyền đánh cá của xã. 100% là tàu thuyền vỏ gỗ, lắp máy với tổng công suất 1.200 CV. Công suất bình quân 20 CV/chiếc. Te xiệp là loại ngư cụ khai thác chủ động, hoạt động theo nguyên tắc lọc nước lấy cá. Trên mỗi đơn vị thuyền nghề trang bị 2 - 4 miệng te. Cấu tạo của ngư cụ gồm có các bộ phận chủ yếu: Miệng te (lưới); Gọng te; Dép (guốc) trượt; Phao nâng.

Nghề te xiệp ở Viên An hoạt động quanh năm. Mùa chính từ tháng 10 - 3 âm lịch, mùa phụ từ tháng 4 - 9 âm lịch. Ngư trường khai thác chủ yếu là vùng biển ven bờ ở độ sâu dưới 5m, trong đó, ngư trường trọng điểm là vùng bãi bồi tây Ngọc Hiển. Ðối tượng khai thác chủ yếu là các loài tôm, cá nhỏ, chiếm 70 - 85% sản lượng, trong đó, tôm he và tôm chì chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài ra còn có các loài cá mối, cá liệt, Năm 2005, sản lượng nghề te xiệp của xã đạt 490 tấn, giảm 32,88% so với năm 2001 và số lao động te xiệp là 120 người, giảm 64% so với năm 2001. Thời gian chuyến biển thường là 1 ngày, bắt đầu từ chiều tối và kết thúc vào sáng hôm sau. Doanh thu trung bình một chuyến biển 300.000 - 500.000 đồng.

2. Những luận cứ khoa học để lựa chọn nghề chuyển đổi

Nghề được lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chí:

- Khai thác có hiệu quả và không xâm hại đến nguồn lợi hải sản.

- Yêu cầu sửa chữa tàu thuyền không lớn, thuận tiện cho việc nâng cấp, cải hoán từ tàu te xiệp.

- Ngư dân nghề te xiệp dễ dàng tiếp thu kỹ thuật công nghệ và tổ chức sản xuất được nghề mới.

- Chi phí đầu tư, mua sắm ngư cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với khả năng kinh tế của ngư dân nghề te xiệp.

- Có khả năng thu hút và sử dụng lao động làm nghề te xiệp với thu nhập cao hơn.

- Việc chuyển đổi không gây quá tải đối với cường độ khai thác tại địa phương.

3. Mô hình chuyển đổi nghề te xiệp

3.1. Thông tin chung về hộ làm mô hình

Chủ phương tiện nghề te xiệp được chọn làm mô hình chuyển đổi là ông Lê Quốc Bảo, ấp Xóm Biển, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ðây là hộ gia đình đã làm nghề te từ năm 1994.

Phương tiện là tàu vỏ gỗ, công suất 12 CV. Chiều dài lớn nhất 10,4 m; chiều rộng lớn nhất 1,6 m; chiều cao mạn 0,5 m. Lao động trên tàu là 2 người, trong đó có 1 lao động làm thuê.

Trên tàu trang bị 2 vàng te. Chiều rộng miệng te 9 m, chiều dài toàn bộ 16 m. Kích thước mắt lưới ở đụt 2a = 18 mm. Hai gọng te trang bị trên tàu bằng gỗ đước, chiều dài mỗi gọng 11,5 m. Ðường kính lớn (gốc) của gọng là 110 mm và đường kính nhỏ (ngọn) của gọng là 80 mm.

3.2. Hoạt động sản xuất sau khi chuyển đổi

Phương tiện đã được cải hoán nâng cấp để phù hợp với nghề lưới rê, với các thông số cơ bản : Chiều dài lớn nhất 10,9 m, chiều rộng lớn nhất 2 m, chiều cao mạn 0,9 m. Máy tàu có công suất 22 CV.

Tàu được trang bị 1 vàng lưới rê cước, chiều dài vàng lưới 1.600 m (32 tấm x 50 m/tấm), chiều cao lưới 2,7 m. Kích thước mắt lưới 2a = 45 mm. Trang bị toàn vàng lưới gồm có 30 phao ganh, mỗi phao cách nhau 50 m. Trên giềng chì có 4.800 viên chì (3 viên/1 m dài), trên giềng phao có 2.600 phao (khoảng cách 2 phao là 60 cm).

Trong quá trình khai thác, tàu mô hình thường hoạt động ở vùng biển tây Cà Mau, ngoài khu vực cấm đánh bắt là vùng bãi bồi vườn Quốc gia Cà Mau. Ðộ sâu ngư trường đánh bắt 20 - 25 m nước. Mùa vụ khai thác chính từ tháng 2 - 9 âm lịch, mùa phụ từ tháng 10 - 1 âm lịch. Ðối tượng đánh bắt chủ yếu là cá lẹp, cá khoai, cá đù, cá phèn. Hầu hết đối tượng khai thác đều đạt quy cách cho phép khai thác. Trung bình, sản lượng chuyến biển là 200 - 250 kg cá các loại. Trong đó:

- Cá lẹp chiếm khoảng 60% tổng sản lượng

- Cá khoai chiếm khoảng 32% tổng sản lượng

- Cá đù chiếm khoảng 6% tổng sản lượng

- Cá phèn chiếm khoảng 2% tổng sản lượng

Thời gian chuyến biển là 1 ngày, trung bình 1 ngày đánh một mẻ lưới. Trên tàu có 4 lao động, gồm có 2 lao động gia đình và 2 lao động làm thuê.

Chi phí sản xuất chuyến biển 200 - 250 ngàn đồng (gồm dầu, nhớt, nước đá, lương thực thực phẩm, tiền công). Doanh thu chuyến biển 400 - 600 ngàn đồng. Lợi nhuận chuyến biển đạt 200 - 300 ngàn đồng.

3.3. Hiệu quả sản xuất của mô hình so với nghề te xiệp

So với nghề te mà ông Lê Quốc Bảo đã từng hoạt động thì thu nhập của nghề mới cao hơn. Chi phí chuyến biển nghề te xiệp là 250 - 300 ngàn đồng, nghề lưới rê là 200 - 250 ngàn đồng. Doanh thu chuyến biển nghề te xiệp là 300 - 500 ngàn đồng, còn nghề lưới rê là 400 - 600 ngàn đồng. Thu nhập của người lao động không cao hơn nhiều so với khi làm nghề te xiệp nhưng ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi hải sản là rất lớn. Nghề lưới rê có tính chọn lọc cao, không gây xâm hại nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái môi trường biển nên được khuyến khích đầu tư phát triển, trái ngược với nghề te xiệp gây xâm hại nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái ven biển nên bị cấm hoạt động. Do đó, có thể khẳng định rằng nghề lưới rê luôn đảm bảo tính bền vững sản xuất, có hiệu quả hơn rất nhiều so với nghề te xiệp.

Ðể hoạt động sản xuất, nghề te xiệp chỉ cần 2, thậm chí 1 lao động. Nhưng đối với nghề lưới rê, yêu cầu trên tàu thường có 4 lao động. Như vậy, nghề lưới rê có khả năng thu hút lao động và giải quyết việc làm cho ngư dân địa phương vượt trội nghề te xiệp.

Nghề te xiệp chỉ khai thác ở vùng nước ven bờ, độ sâu dưới 5 m, đối tượng đánh bắt chiếm phần lớn là tôm, cá nhỏ. Do đó, đã vi phạm nghiêm trọng đến khu vực bãi bồi vườn Quốc gia Cà Mau. Còn nghề lưới rê, phạm vi hoạt động lại không nằm trong vùng cấm khai thác, hoạt động được cả ở vùng biển đông và tây Cà Mau với độ sâu đánh bắt lớn hơn nhiều (từ 20 - 25 m nước). Quy cách ngư cụ và kích thước mắt lưới phù hợp với quy định cho phép nên đây là nghề có tính chọn lọc cao, chủ động đánh bắt các đối tượng trưởng thành, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguồn lợi như nghề te xiệp.

Ðể đầu tư mới một đơn vị nghề lưới rê như mô hình đang thực hiện thì số vốn đầu tư cơ bản ban đầu không quá lớn so với nghề te xiệp. Mặt khác, nghề này lại dễ dàng tiếp cận, có hiệu quả kinh tế ổn định và có khả năng thu hút lao động nên chắc chắn ngư dân sẽ luôn chủ động, tìm cách duy trì và phát triển sản xuất hơn là nghề te xiệp.

Nguyễn Quý Dương
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản
(Thông tin KHCN & Kinh tế Thủy sản, 1/2007)
Theo Fistenet