Hoa Kỳ là nước có chính sách quản lý nhập khẩu hàng hóa phức tạp

Hoa Kỳ (HK) là thị trường có sức tiêu thụ lớn, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 1.200 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, HK cũng là nước có chính sách quản lý nhập khẩu hàng hóa phức tạp.

Ngoài các yêu cầu về hải quan, nhiều quy định cấm, hạn chế nhập khẩu còn chịu sự điều tiết của nhiều luật lệ thuộc quyền quản lý của các cơ quan công quyền khác. Trong những trường hợp này, hàng nhập khẩu chỉ được thông quan nếu đáp ứng được các yêu cầu quy định trong các luật lệ liên quan, đặc biệt lưu ý một số rào cản kỹ thuật đặc thù của thị trường này có sự khác biệt so với nhiều thị trường nhập khẩu khác.

Không sử dụng tiêu chuẩn quốc tế

Mức độ sử dụng tiêu chuẩn do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ban hành ở HK tương đối thấp, thậm chí các tiêu chuẩn này không được biết đến tại HK, mặc dù tất cả các bên của Hiệp định rào cản kỹ thuật đối với thương mại đều cam kết sử dụng rộng rãi các tiêu chuẩn quốc tế. Dù khá nhiều tiêu chuẩn của HK được coi “tương đương về mặt kỹ thuật” với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng rất ít tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng trực tiếp. Một số tiêu chuẩn của HK còn mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó tiêu chuẩn các sản phẩm điện-điện tử ở HK rất khác với các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, ở nước này, không có thị trường thống nhất toàn liên bang đối với sản phẩm trên do có sự khác biệt về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm giữa liên bang và bang... nên các nhà sản xuất nước ngoài muốn tiêu thụ những sản phẩm này tại các nơi khác nhau của HK phải thay đổi tiêu chuẩn cho phù hợp.

HK có hơn 2.700 cơ quan chính quyền cấp bang, thành phố có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn đối với các sản phẩm được bán hay lắp đặt trong phạm vi địa hạt của các cơ quan này. Những yêu cầu thường không đồng nhất với nhau. Một số bang đôi khi đặt ra những tiêu chuẩn về môi trường cao hơn so với luật liên bang quy định. Mặc dù những quy định trên không phân biệt sản phẩm nội địa hay nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng các DN bản xứ đã hoạt động trên thị trường nhiều năm, nắm được tất cả các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và sản phẩm của các Cty HK thường tiêu thụ nhiều hơn trên thị trường nội địa, nên họ có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn của từng vùng, bang...

Đối với các Cty nước ngoài, nhất là với Việt Nam là nước mà phần lớn các DN còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu, thì việc thu thập các thông tin cần thiết liên quan, đáp ứng các quy định yêu cầu là một thách thức lớn. Một Cty ở EU đã ước tính sự phức tạp của các yêu cầu về tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng đã làm họ mất khoảng 15% tổng doanh số bán hàng. Trong đó chỉ riêng chi phí chứng nhận cũng chiếm 5% tổng doanh số bán hàng; chi phí bảo hiểm trách nhiệm đối với sản phẩm theo yêu cầu của luật pháp HK cũng là một khoản không nhỏ.

Phụ thuộc nhiều vào chứng chỉ bắt buộc

Trong khi trên thế giới đang có xu hướng hạn chế sự can thiệp của bên thứ 3 vào việc quản lý chất lượng sản phẩm thì ở HK, việc này vẫn tiếp tục lệ thuộc vào các chứng chỉ chất lượng của bên thứ 3 đối với nhiều sản phẩm công nghiệp. Một số lĩnh vực như thiết bị điện, đồ gia dụng... sự phát triển công nghệ, hiểu biết của người tiêu dùng đã cho phép nhiều nước trên thế giới giảm yêu cầu thử nghiệm và chứng nhận chất lượng trước khi tiếp thị sản phẩm ra thị trường mà chủ yếu dựa vào chứng chỉ chất lượng của các nhà sản xuất và sự giám sát, quản lý của các cơ quan quản lý chất lượng nhà nước đối với hàng hóa sau khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, tại HK, chứng chỉ chất lượng của bên thứ 3 đối với các sản phẩm vẫn còn là một yêu cầu bắt buộc, kể cả về mặt pháp lý và tập quán. Yêu cầu này làm phát sinh chi phí cao không hợp lý đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Hơn nữa, thời gian chờ kiểm nghiệm, cấp chứng nhận chất lượng cũng có thể làm mất cơ hội thâm nhập thị trường.

(NTP)Theo vasep