Cách đây đúng 54 năm, ngày 01/4/1959, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã về thăm và nói chuyện với bà con ngư dân làng cá Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Tại bến Gót và cảng cá Cát Bà, Bác đã có buổi tiếp xúc và nói chuyện thân mật với các tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt là với bà con ngư dân nơi đây. Trong buổi nói chuyện với bà con ngư dân, Người đã căn dặn: “Ngư dân phải khỏe mạnh hơn nữa mới đi được biển, nghề cá ở đảo rồi đây cũng phải đưa máy móc vào, Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất.”.
Trước khi rời đảo, Người còn căn dặn Đảng bộ và nhân dân huyện đảo: “Miền Bắc nước ta đã giải phóng, Rừng vàng biển bạc của ta, do dân ta làm chủ. Đảng và Chính phủ một lòng vì dân…Tất cả đồng bảo phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm chỉ học tập, xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa…”
Sự kiện Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà sau những ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào và chiến sĩ nơi đảo xa. Chuyến đi thăm làng cá của Người đã trở thành một dấu ấn quan trọng, một phần thưởng, nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá cổ vũ nhân dân huyện đảo hăng say học tập và làm việc để bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ đó trở đi, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của nhân dân huyện đảo Cát Bà mà còn của nhân dân cả nước. Để ghi nhớ sự kiện ngày Bác Hồ về thăm làng cá, ngày 1/4/1979, ngành Thủy sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày này để tổ chức “Ngày hội truyền thống của Ngành” và hàng năm tổ chức Lễ ra quân khai thác cá vụ Nam.
Ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chính thức về việc tổ chức “Ngày hội truyền thống của Ngành Thủy sản”. Trải qua hơn 54 năm xây dựng và phát triển, Ngành Thủy sản đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với quy mô ngày càng sâu rộng. Từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu, ngành Thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có tốc độ tăng trưởng cao, có tỷ trọng trong GDP ngày càng lớn và chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Nếu như những năm 1960 tổng lượng hải sản chỉ đạt khoảng 200 ngàn tấn ở miền Bắc rồi tăng lên 840.000 tấn năm 1976 (năm đầu thống nhất đất nước) thì đến nay sản lượng thủy sản đã đạt 5,8 triệu tấn (tăng 7 lần) và hiện đứng thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia (2010).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã không ngừng tăng lên theo thời gian và liên tiếp vượt các kỷ lục, từ chỗ chỉ đạt 70 triệu USD năm 1985 đã tăng lên 500 triệu năm 1995, 2,5 tỷ năm2005 và hiện nay đạt 6,2 tỷ (2012). Xuất khẩu thủy sản đã đóng góp quan trọng cho kỳ tích của ngành nông nghiệp là xuất siêu 10,6 tỷ USD năm 2012, trong bối cảnh xuất khẩu các ngành kinh tế khác đang suy giảm.
Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 trên thế giới (2010), và hiện tại Việt nam đang thuộc tốp tăng trưởng thủy sản nhanh nhất thế giới. Riêng đối với cá da trơn thì Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Ngành thuỷ sản cũng đóng góp to lớn trong việc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu lao động.
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tích vượt bậc nhưng ngành thủy sản hiện đang đứng trước những khó khăn rất lớn dẫn đến nguy cơ chững lại, thậm chí giảm sút về sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Mặt hàng chủ lực cá tra đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, cạnh tranh không lành mạnh và giá thức ăn tăng liên tụckhiến nhiều người nuôi và DN cá tra phải giảm đáng kể quy mô sản xuất. DN sản xuất thức ăn cũng bị khủng hoảng theo do nhu cầu giảm và khó thu hồi nợ. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật sụt giảm từ 1,4 - 16,6% do vấn đề dư lượng chất bảo quản Ethoxyquin. Dịch bệnh nghiêm trọng hoành hành đối với tôm nước lợ khiến sản lượng sụt giảm.
Đồng thời, các vấn đề nan giải tiếp tục đe dọa sự bền vững của ngành như sự suy giảm nguồn lợi, đánh bắt quá mức, môi trường biển ô nhiễm, công nghệ khai thác thủy sản tụt hậu, công nghệ bảo quản sau thu hoạch yếu kém, lạc hậu, gây thất thoát về sản lượng và chất lượng hải sản.
Những khó khăn này đang đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với lực lượng nghiên cứu phải tìm tòi những giải pháp công nghệ và kỹ thuật khắc phục những khó khăn trên để duy trì ngành thủy sản phát triển bền vững.
Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản, Viện nghiên cứu Hải sản với bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 50 năm, tự hào là Viện nghiên cứu đầu ngành về nghề cá biển với đội ngũ cán bộ có trình độ, năng động, sáng tạo nghiên cứu khoa học.
Trong hơn 50 năm qua, dù trong thời chiến hay thời bình, Viện bền bỉ thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ do Nhà Nước, Bộ Thủy sản và nay là bộ NN&PTNT giao, ngoài ra, Viện còn hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức quốc tế và các địa phương ven biển trên cả nước. Hầu như quanh năm, lúc nào Viện cũng có cán bộ trên biển, bám biển để nghiên cứu.
Viện đã thu được nhiều thành tựu khoa học công nghệ có giá trị như đã nghiên cứu, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi hải sản làm căn cứ cho các hoạch định nghề cá; các quy luật phân bố và biến động nguồn lợi, của trường nhiệt, muối, dòng chảy và tác động của chúng đến nguồn lợi. Nghiên cứu thành công một số công nghệ và ngư lưới cụ khai thác như lưới rê tôm, rê mực 3 lớp, lưới vây khơi khai thác cá ngừ, chụp mực, lưới kéo tôm, cá….Nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ thuỷ sản như nước mắm, sản xuất agar, alginate, carageen, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất giống tôm he, tôm sú, trai ngọc, bào ngư, cá song, cá giò, cá vược, công nghệ trồng rong biển, công nghệ nuôi thức ăn tươi sống cho sản xuất giống… Rất nhiều trong số các công nghệ này đã được ứng dụng trực tiếp trong sản xuất, thúc đẩy thuỷ sản phát triển.
Những thành tích của Viện đã được ghi nhận. Viện đã được tặng nhiều giải thưởng, bằng khen của Nhà Nước, của Bộ và các tổ chức khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do những khó khăn, tác động chủ quan và khách quan, Viện đang gặp nhiều trở ngại trong việc khẳng định vai trò, vị thế đối với ngành. Là những thế hệ tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước, mỗi cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản mang trong mình niềm vinh dự tự hào của một viện đầu ngành nhưng cũng mang trong mình trọng trách phải nỗ lực phấn đấu khẳng định mình, khẳng định vai trò, vị thế xứng tầm với truyền thống của Viện.
Toàn thể lãnh đạo và cán bộ viên chức Viện cần phấn đấu nỗ lực, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với ngành, chủ động tư duy, đề xuất và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu thiết thực, cho ra đời những sản phẩm khoa học chất lượng cao, giải quyết trực tiếp những vấn đề bức xúc của ngành, góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập, thúc đẩy sự phát triển của ngành Thủy sản.
Từng cán bộ cần nỗ lực không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ bản thân, để góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ của Viện, vị thế Viện và góp phần vàosự phát triển ngành.
Tại buổi lễ Mit tinh, ông Nguyễn Hữu Đức, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính đã thay mặt Viện Phát động phong trào thi đua nhân kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống của Ngành Thủy sản. Kết thúc Lễ Mit tinh là chương trình hoạt động thể thao do Đoàn Thanh niên Viện chủ trì.
Nhân dịp kỷ niệm 54 năm “Ngày truyền thống Ngành Thủy, thay mặt Đảng Ủy, Lãnh đạo Viện và BCH Công Đoàn, TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng- Chủ tịch Công đoàn Viện kính chúc toàn thể CBVC-LĐ: sức khỏe, Hạnh phúc và Thành công. Chúc Viện ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế, đóng góp tích cực cho ngành thủy sản.
Một số hình ảnh hoạt động của Lễ Mit tinh kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Thủy sản: