Chỉ trong một buổi chiều, chúng tôi đã chứng kiến 8 con cá mú từ 9 lạng đến 3kg chết nổi trên đìa của ông T.V.T (Cam Hải Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa). Chúng đều mắc chung một thứ bệnh lở loét da. Nếu tính cả số cá mú chết buổi sáng, riêng ngày hôm ấy, gia đình ông T. đã mất 15 con, thiệt hại trên 2 triệu đồng. Không chỉ riêng nhà ông T., nhiều người nuôi cá mú đang “ăn không ngon, ngủ không yên”, lo lắng đến bạc mặt khi bất lực trước cảnh hàng trăm triệu đồng cứ dần “đội nón ra đi” vì cá chết…
° Mất ăn mất ngủ vì cá
Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện bài viết này vì những người nuôi tỏ ra không cởi mở bởi lo ngại người ngoài biết chuyện cá bệnh. Vốn là một người khá vui tính nhưng khi chúng tôi hỏi về chuyện cá, ông T. trả lời nhát gừng rồi lặng đi, chừng như cố ngăn những giọt nước mắt không trào ra trên gương mặt sạm đen, phờ phạc. Buổi sáng hôm ấy, ông phải vớt đem chôn 10 con trong số cá ông đã chăm sóc 2 năm trời. Trò chuyện một lát ông đứng lên bỏ đi, chừng như không muốn tiếp tục câu chuyện. Sau một hồi lúi húi ở đìa, ông trở vào lặng lẽ. Một lúc sau, chúng tôi ra đìa thấy 3 con cá chết nổi lềnh bềnh, dạt vào gần bờ. Trên da cá đầy vết lở loét. Ở một góc khác, chúng tôi thấy 1 con đang nằm nghiêng, vây nổi một phần lên mặt nước. Không lâu sau, nó không còn đủ sức quẫy vây nữa, chỉ nằm im thở thoi thóp mặc cho chúng tôi gí sát máy chụp hình. Một số con khác bơi lờ đờ gần bờ. Bình thường, một con cá khỏe, chỉ cần thấy bóng dáng người ngang qua, nó đã quẫy đuôi bơi ra xa. Trong chiếc vợt để trên bờ là xác một con cá khoảng 2kg. Cách đó không xa, xác mấy con cá chưa kịp chôn bốc mùi hôi rình. Một thanh niên làm công cho chủ im lặng đào hố chôn cá - công việc thường làm 2 tuần nay. 8 con cá được hất xuống hố cũng có nghĩa chôn theo cả triệu bạc của gia đình ông T. Xung quanh chỗ chúng tôi đứng còn dấu tích của rất nhiều hố chôn cá.
Đìa cá này gia đình ông T. nuôi đã được 2 năm, định để được giá một chút thì bán. Đùng một cái, cá bị lở da rồi thi nhau lăn ra chết như rạ. “Có ngày cá chết mấy chục con, mất cả tạ” - ông T. đau xót. Cá chết nhiều đến nỗi xách bằng vợt không xuể, ông phải chất lên xe cút kít đẩy ra vườn chôn. Ông T. chua chát: “Có lẽ cây trong vườn sẽ lớn mau nhờ được bón bằng xác cá mú!”. Cả ngày lẫn đêm, ông lăn lộn với đìa cá nhưng cũng không cách gì cứu vãn tình trạng cá bị bệnh và chết dần chết mòn. Đến nay, chỉ trong 3 tuần, ông T. đã thiệt hại khoảng 1,5 tấn cá loại lớn.
° Cá mú: Đối mặt với dịch bệnh
Ông Đ.V.C ở Phú Thịnh (Cam Phú, Cam Ranh) không giấu được nỗi lo âu khi đìa cá 4.000 con thả được 5 tháng của ông giờ chỉ còn 2.500 con. Ông C. cho biết, cá bắt đầu chết từ lúc được 3,5 tháng tuổi trở đi (khi cá dài khoảng 20 - 25cm). Nguyên nhân được xác định là do cá mắc bệnh đường ruột, sau đó bỏ ăn, tóp bụng và chết. “Có ngày chết gần 70 con cá. Nhìn cá chết, mình cũng muốn bệnh luôn!” - ông rầu rĩ. Đầu tư 60 triệu đồng cho con giống, đến nay ông T. đã mất 45 triệu đồng. Hiện ông hy vọng những con cá còn lại “tai qua nạn khỏi” để gỡ gạc ít nhiều.
Ngoài bệnh đường ruột, cá còn mắc chứng bệnh lở loét da và mù mắt. Cả tuần nay, cá mú ở đìa nhà anh L.M.H (Phú Thịnh, Cam Phú) bị “nổ” mắt, mất nhớt và tuột vảy. Nhìn ông chủ đìa buồn rầu vớt lên 1 con cá đang nằm thoi thóp ngay góc đìa, mắt đỏ lừ lồi cả lên, da loang lổ các vết sưng tấy, đỏ ửng, mình khô nhớt…, chúng tôi không khỏi xót xa. Những ngày mưa nhiều, độ mặn trong nước thay đổi đột ngột khiến cá rất dễ mắc bệnh. Tình hình này làm người nuôi cá mú lo sốt vó. Theo kinh nghiệm của nhiều chủ đìa, mùa hè cá mú rất dễ lành bệnh nhưng mùa mưa đánh thuốc rất khó khỏi. 3 ô của đìa anh H. thả hơn 20.000 con giống, cá nhỏ thì bị chết do đỉa bám ở mang hoặc bệnh đường ruột, cá đang trong thời kỳ phát triển lại bị chết do mắc bệnh lở loét và mù mắt. Bình thường sau khoảng 10 tháng, người nuôi bắt đầu lựa bán những con lớn nhưng hiện nay, ô cá 11 tháng của anh H. vẫn chưa xuất được vì “cá đang bệnh thế này, ai mua”. “Loại bệnh sợ quá, chết lây nhanh lắm” - anh H. đang lo không biết đến khi xuất cá còn lại được bao nhiêu con, trong khi đó số tiền đầu tư đã lên đến 200 triệu đồng.
Người nuôi cá mú có thể chấp nhận tỷ lệ hao hụt đến 30% bởi khi xuất, với 70% còn lại nếu cá được giá họ vẫn có lời chút ít. Nhưng trường hợp đìa cá nhà ông T.K.P ở Phú Hải (Cam Phú) thì chắc chắn là lỗ nặng. Đìa thả 11.000 con nhưng ngặt nỗi cứ chết dần, chết mòn do bị lở loét trên da và nổ mắt, hiện chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 3.000 con. Cá mú là giống cá khỏe nhưng một khi bị lở loét, tuột nhớt và tróc vảy trên da thì khó mà sống được. “Cá chết chỉ có nước chôn!” - ông P. nói như than. Lượng cá còn lại không cho ông P. hy vọng gỡ gạc được tiền vốn đã đầu tư khá nặng vào giống, thức ăn và thuốc điều trị.
Khi cá bị bệnh người dân nên sớm đến cơ quan, đơn vị chuyên môn để được hướng dẫn như: Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương, Phòng Kinh tế các huyện, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Hải dương học, Trường Đại học Nha Trang, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh.
Ở xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), nhiều gia đình mất ăn, mất ngủ vì cá liên tục bị lở loét, tróc vảy. Anh H.C.H ở Hiệp Thanh thở dài: “Đêm đêm đi kiểm tra quanh các hồ lại phát hiện vài con cá chết. Có hôm mất vài chục con. Phải chấp nhận thôi chứ biết làm sao bây giờ!”. Đìa của anh P.K.D gần đó thả với quy mô lớn - 100.000 con. Lứa gần đây nhất, anh D. thả 40.000 con nhưng đã chết hết, riêng tiền giống mất 600 triệu đồng. Nhà anh P.K.Q thả 10 ô khoảng 20.000 con, trong đó, có 2.500 con đã xuất được nhưng cá bị bệnh nên phải giữ lại nuôi, có ngày tốn mất mấy triệu đồng.
° Con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh: Đều có “vấn đề”?
Nhiều người nuôi cá mú cho biết, hiện chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát tiêu chuẩn về con giống đầu vào. Hiện cá giống phần lớn được đựng trong thùng xốp có bơm oxy, vận chuyển bằng đường máy bay từ Philippines, Đài Loan và Trung Quốc về, với giá 15 ngàn đồng/con. Không ai dám đảm bảo chất lượng con giống mà chủ yếu dựa vào mối quan hệ quen biết và kinh nghiệm bản thân. Thức ăn cũng là vấn đề người nuôi rất lo ngại. Nguồn thức ăn cho cá là cá chở bằng xe đông lạnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận bán tập trung ở chợ cá Ba Ngòi với giá 6.000 đồng/kg, không đảm bảo chất lượng.
Qua trao đổi với một số cán bộ chuyên môn, chúng tôi được biết, năm nay, các loại bệnh của cá nói chung và cá mú nói riêng diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, bệnh lở loét của cá mú theo quy luật thường xuất hiện vào mùa hè nhưng năm nay lại diễn ra trong mùa mưa lạnh. Từ tháng 9 đến nay, bệnh lở loét ở cá mú đã gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Bệnh xuất hiện phổ biến, kéo dài, khó chữa trị do môi trường nuôi sử dụng nhiều thuốc nên bị cá bị lờn thuốc, mặt khác do người dân chữa trị không đúng thuốc, đúng cách và bệnh diễn ra trái mùa. Để chữa trị, người nuôi phải xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn gây bệnh nên chữa trị bằng kháng sinh, nếu do nấm hoặc ký sinh trùng thì phải sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, khuyến cáo được đưa ra đối với người nuôi khi sử dụng thuốc trị bệnh cho cá là phải đúng thuốc, đúng liều lượng để tránh trường hợp lờn thuốc.
KHÁNH NINH - KỲ NHI (Nguồn vasep)