Lặn đêm, cái nghề chẳng giống nghề, nhưng lại giúp cho các hộ dân thôn Ghềnh Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có cuộc sống sung túc, xây nhà 2-3 tầng, mua sắm vật dụng gia đình đắt tiền... Nhưng cũng chính từ lặn đêm mà từ năm 2000 đến nay, thôn này đã có 10 ngư dân phải bỏ mạng nơi biển cả, gần 20 chàng trai vốn khỏe mạnh nay đã trở thành tàn phế suốt đời. Dầu vậy, vì cuộc mưu sinh, họ vẫn phải dấn thân vào chốn hiểm nguy rình rập…

Tôi rảo bước theo con đường đá vào đến giữa xóm Ghành Cả, chỉ gặp toàn phụ nữ và người già. Đang tầm giữa mùa, thanh niên trai tráng đều đã ra khơi. Ông Bùi Út - Trưởng thôn Ghành Cả cho biết: “Trước đây thì nghề gì cũng làm, nhưng hiện nay thì gần như cả làng làm nghề lặn đêm, Có cả thảy 56 chiếc tàu thuyền đánh cá xa bờ công suất lớn, mỗi thuyền ra khơi mang theo 10 - 15 ngư dân. Do nhu cầu về bạn lặn nên xóm phải nhập thêm lao động nghề biển ở tỉnh Khánh Hòa và các địa phương lân cận”. Ông khẳng định chắc nịch: “Tôi bảo đảm với chú ngư dân ở đây không bao giờ lỗ vốn, trừ khi thuyền bị hỏng máy hoặc thời tiết xấu”.

Mùa biển ở xóm Ghành Cả kéo dài từ tháng giêng đến nay đã liên tục “nóng” lên. Nhờ phương tiện thông tin hiện đại nối giữa khơi và bờ, nên tiến độ đánh bắt ngoài biển của từng chiếc thuyền luôn được cập nhật, đâu cũng thấy sự hồ hởi: Trúng đậm! Đầy hai hầm! Thuyền ông Võ Hoa 340 triệu đồng, Nguyễn Tày 290 triệu... Các thuyền khác trúng xấp xỉ 200 triệu đồng sau một phiên biển, trong khi chi phí dầu mỡ cho một chuyến đi chỉ khoảng 50-60 triệu đồng. Thuyền viên đi bạn được chia từ 10 - 15 triệu đồng sau phiên biển kéo dài gần 1 tháng. Hơn 60 tỷ đồng trong một mùa đánh bắt (kéo dài từ tháng giêng đến tháng 7) là nguồn thu từ biển của một xóm. Không cần bàn cũng đã nói lên được tính hiệu quả. Về Ghềnh Cả bây giờ, tuyệt nhiên không tìm ra hộ nghèo và nhà tạm. Ngư dân các vùng khác thường có câu cửa miệng: “Xuống Ghành Cả phải ngó lên trật cổ”, đó là những căn nhà 2-3 tầng sang trọng thi nhau mọc. Trưởng thôn Bùi Út nói với giọng miền biển sang sảng tự hào: “Chú xuống đây, thấy nhà nào đang xây dựng, đừng hỏi xây nhà theo kiểu gì, mà phải hỏi xây mấy tầng? Ở đây, xây nhà họ tính bằng tầng”.

Đổi bằng tính mạng

Bên mép biển, sóng ì ọp vỗ vào bờ cát, khe đá, nhìn xa xăm ra mặt biển tít mù khơi, Võ Tiến, 43 tuổi, một thợ lặn chuyên nghiệp, giỏi có tiếng, trút tiếng thở dài mà than: “Của thiên trả địa thôi ông à. Làng này không có năm nào là không có người lặn biển bị tử nạn. Mới đây nhất, bà con trong thôn lại một lần nữa tiếc thương tiễn đưa Nguyễn Dương,18 tuổi, về với cát bụi. Những cái chết như vậy vẫn thường diễn ra. Không có cảnh tang thương như thế mới lạ, bởi lặn đêm là nghề luôn đối mặt với cái chết”.

Cũng trong đêm một tháng trước, anh Tiến đã tận mắt chứng kiến người bạn thợ lặn của mình là Võ Tấn trút hơi thở cuối cùng giữa biển khơi. Tấn là người to khỏe nhất tàu và cũng là người lặn giỏi nhất. Cái chết của anh không giống như những trường hợp khác. Lặn xong, lên tàu được một chút, bỗng dưng thấy trong người đau nhức, mệt mỏi. Như có điềm báo trước, Tấn bắt tay tất cả mọi người trên tàu. Với kinh nghiệm đi biển, dù cách xa bờ cả ngàn cây số nhưng các ngư dân lập tức cho tàu trở về đất liền. Mới chỉ chạy được nửa chặng đường thì Tấn ra đi vĩnh viễn, bỏ lại người vợ và đứa con gái chưa tròn tháng tuổi.

Trần Đình Lộc, một tay thợ lặn có tiếng, bị bại liệt chân do lặn đêm, giờ phải ngồi xe lăn kể: “100% thợ lặn không chóng thì chày đều bị di chứng, người không may thì tử vong, người bị nặng thì liệt cả người, nhẹ thì khập khiễng”. Có lẽ vì lặn quá sâu, phương tiện để lặn sơ sài nên chuyện tử vong do lặn biển năm nào cũng xảy ra. Chỉ với một bộ đồ lặn giản đơn, một chiếc kiếng lặn và sợi dây để lấy nguồn không khí từ trên tàu ngậm vào miệng và mang quanh mình gần 15 ký chì để tăng trọng lượng cho dễ chìm là có thể lặn. Khi lặn xong, muốn lên tàu thì người thợ lặn cũng chỉ “giật dây” mà mình đang ngậm để những người trên thuyền biết mình chuẩn bị lên. Một lần xuống nước khoảng 3 giờ đồng hồ. Thời gian kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, còn lại người thợ lặn phải giảm áp để tránh những tai biến nguy hiểm đến tính mạng cũng như sức khỏe…

Nghề lặn đêm không không dễ kiếm ăn, bởi người thợ lặn luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ở làng này đã có gần 20 người tàn tật suốt đời, 10 người chết do gặp những tai nạn trên biển vì lạnh, áp suất của nước ở độ sâu, sóng biển, những trục trặc của các thiết bị hỗ trợ. Không chỉ có vậy, trong cuộc mưu sinh bằng nghề này, nhiều hộ gia đình đang có phương tiện hành nghề bỗng chốc trở thành kẻ trắng tay bởi chẳng may khai thác quá đà đã xâm phạm vào ngư trường và lãnh hải nước bạn.

Dù các mối nguy hiểm luôn rình rập, thế nhưng cánh thợ lặn và các hộ gia đình có phương tiện hành nghề không từ bỏ bởi những khoản lời lớn từ nghề này. Đám trẻ em của Ghềnh Cả chỉ cần học xong cấp I là rẽ ngang, chỉ cần lặn ở gần các bãi rạn ven bờ, nếu gặp mùa tôm hùm giống, chúng đã có thu nhập 200.000 - 300.000đ/người/ngày. Lão ngư Bùi Út chép miệng: “Trẻ con các nơi, cha mẹ muốn chúng học lên, còn ở đây, vì tiền, chúng lại muốn lặn xuống!”.

Hà Minh (Nguồn vietlinh)