Cơn “sốt” giá cá tra ở ĐBSCL đã dần hạ nhiệt. Nếu như hồi tháng 4, giá cá tra nguyên liệu ở mức ngất ngưởng 28.500 - 28.800 đồng/ki lô gam, thì đầu tuần này, giá hạ chỉ còn khoảng 26.500 đồng/ki lô gam. Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất ngân hàng quá cao cũng là một trong những nguyên nhân “đè” giá cá xuống.
Hiện tại, giá cá xuất sang thị trường châu Âu (EU) dao động ở mức 3,4 - 3,6 đô la Mỹ/ki lô gam. Còn nếu xuất sang Mỹ, giá hấp dẫn hơn và tùy theo hợp đồng, giá xuất thậm chí có thể trên 4,4 đô la Mỹ/ki lô gam. Rõ ràng, đây là mức giá hấp dẫn. Bởi hồi năm 2010, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 2,14 đô la Mỹ/ki lô gam và quí 1 năm nay, giá bình quân cũng chỉ ở mức 2,54 đô la Mỹ/ki lô gam. Chính giá xuất khẩu tăng cao và sự khan hiếm cá nguyên liệu đã tạo nên cơn sốt giá cá nguyên liệu trong những tháng đầu năm nay. Doanh nghiệp than khổ! Tuy giá xuất khẩu tăng cao, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, vẫn chưa theo kịp với mức tăng quá cao của giá cá nguyên liệu. Như lúc đỉnh điểm hồi tháng 4 vừa qua, tính ra giá cá đã tăng gấp đôi so với hồi giữa năm 2010. Người nuôi cá có thể lãi từ 4.000 - 6.000 đồng/ki lô gam cá nuôi trong những tháng gần đây, trong khi doanh nghiệp chế biến thì chỉ biết lắc đầu than khó! Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Nam Việt (Navico). Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quí 1-2011 của công ty, lợi nhuận sau thuế trong quí chỉ đạt 378,9 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 20 tỉ đồng của quí 1-2010. Theo phân tích, lợi nhuận của Navico giảm do doanh thu trong quí vừa qua chỉ đạt 255,13 tỉ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ. Và nguyên nhân chính là do giá vốn (phần lớn là cá nguyên liệu) tăng mạnh làm lợi nhuận gộp cả quí 1-2011 chỉ đạt 16,5 tỉ đồng, giảm 61,58% so cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, chính sự thiếu hụt cá nguyên liệu trong những tháng gần đây dẫn đến tình trạng đổ xô mua, kéo giá tăng cao. Thậm chí có lúc, lợi nhuận từ việc xuất khẩu cá gần như doanh nghiệp phải “nhượng” lại cho người nuôi. Về phía doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có nguyên liệu để giải quyết việc làm cho công nhân, thực hiện đơn hàng… Thế nhưng, khi lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng lên đến 24%/năm thì “giọt nước đã làm tràn ly”! “Chúng tôi đã quá sức chịu đựng”, giám đốc một công ty chế biến cá ở ĐBSCL ngao ngán. Theo ông, thông thường các nhà máy chế biến cá phải sử dụng đến 60% vốn vay ngân hàng trong tổng vốn hoạt động. Còn thời gian quay vòng vốn bình quân đối với một lô hàng cá xuất khẩu, ít nhất là 3 tháng. Lãi suất cho vay càng cao, doanh nghiệp chế biến cá càng khổ! Như ở Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu thủy sản Ngô Quyền (Ngoprexco), quí 1 vừa qua, công ty đạt doanh thu chỉ 37,5 tỉ đồng, nhưng tiền trả lãi vay đã lên đến 1,5 tỉ đồng. Do nhiều chi phí khác cũng tăng, nên lợi nhuận sau thuế của cả quí chỉ đạt gần 550 triệu đồng… Nay lãi suất càng tăng, càng khó! Lãi suất “đè” giá cá Những ngày qua, giá cá nguyên liệu giảm dần cũng là điều dễ hiểu. Theo tính toán của một doanh nghiệp chế biến cá, với mức giá nguyên liệu 26.000 đồng/ki lô gam, nhà chế biến mới “dễ thở” và người nuôi cá vẫn đảm bảo có lãi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với diện tích ao nuôi, lồng bè… như hiện nay, tính ra cá nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng từ 75 - 85% nhu cầu của các nhà máy chế biến. Nhưng thiếu thì thiếu, các doanh nghiệp không thể gồng mình chịu đựng. Lãi suất vay ngân hàng là cái mà doanh nghiệp không thể quyết định nên họ phải tìm cách kéo giá nguyên liệu xuống. Và vừa qua, đã có sự thỏa thuận giữa đại diện các nhà máy, theo đó họ giảm giá, giảm cả lượng nguyên liệu mua vào để tạo cơn “sốc” tâm lý, tạo tình trạng thừa nguyên liệu “ảo”. Người nuôi cá thấy giá xuống dần thì nháo nhào tìm nơi bán, trong khi nhà máy giả bộ thờ ơ… và giá theo đó cứ giảm dần! Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Bởi theo VASEP, dự kiến vào đầu quí 3 tới, các doanh nghiệp sẽ đàm phán để cố gắng nâng giá xuất khẩu lên bình quân 0,2 đô la Mỹ/ki lô gam, nhằm gỡ khó cho nhà chế biến và cũng để giữ giá nguyên liệu, kích thích người nuôi tăng nguồn cung. Lãi suất vay ngân hàng là cái mà doanh nghiệp không thể quyết định nên họ phải tìm cách kéo giá nguyên liệu xuống. Người nuôi cá thấy giá xuống dần thì nháo nhào tìm nơi bán, trong khi nhà máy giả bộ thờ ơ… và giá theo đó cứ giảm dần! Bá Phú