Thời gian gần đây tình trạng hàng hải sản xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh đang là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý nhất là những doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản.
Thị trường Nhật Bản nơi chiếm gần 70% thị phần xuất khẩu hàng hải sản của tỉnh ta trước đây thì hiện nay như đang bỏ ngỏ do nhiều mặt hàng hải sản, nhất là mặt hàng mực xuất khẩu của Việt Nam nhiễm dư lượng kháng sinh bị phát hiện và trả lại; gây ra ấn tượng không tốt trong con mắt của người Nhật đối với hàng hải sản Việt Nam.
Không phải đến lúc này chúng ta mới nhận thức được tác hại của tình trạng hàng hải sản xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh, mà cách cách đây gần một năm, ngày 30/8/2006 UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ thị 36 về tăng cường kiểm tra, xử lý việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh trong lĩnh vực thu mua, chế biến thủy sản. Ngành Thủy sản đã mở hàng chục lớp tập huấn Luật thủy sản, Pháp lệnh thú y và các tiêu chuẩn về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến 742 chủ cơ sở thu mua chế biến thủy sản và các chủ tàu có công suất từ 90 CV trở lên.. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007 đã tổ chức ký 673 tờ cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong bảo quản nguyên liệu thủy sản; phát hành gần 420 tờ rơi tuyên truyền, 3.500 bản quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản đến ngư dân và các cơ sở kinh doanh chế biến thủy sản. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên có nhiều tin, bài, ảnh tuyên truyền cho công tác này…
Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, thu mẫu, phân tích dư lượng Chloramphenicol trong nguyên liệu mực, cá trên các tàu cá, các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, kiểm tra việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản tại Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân. Qua đó xác định nguyên nhân, đối tượng sử dụng, phạm vi và chủng loại thủy sản bị nhiễm dư lượng kháng sinh đề có biện pháp kiểm soát ngăn chặn và xử lý kịp thời. Qua kiểm tra tra đã phát hiện và xử phạt 3 cơ sở có mẫu bị nhiễm chất Chloramphenicol, 1 cơ sở có mẫu bị nhiễm vi khuẩn Ecoly; kiểm tra 28 mẩu mực lấy từ tàu cá không phát hiện dư lượng kháng sinh. Điều đó cho thấy lâu nay một số kiến thường đổ lỗi trách nhiệm cho ngư dân khai thác trên biển sử dụng hóa chất hoàn toàn chưa hẳn là vậy.
Tuy đã làm được một số việc, nhưng đến thời điểm này tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân. Trước hết là khâu tuyên truyền vận động chưa làm chuyển biến được nhận thức của một bộ phận ngư dân và các cơ sở nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra kiểm soát chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ…
Một trong những khó khăn là chúng ta rất thiếu các thiết bị kiểm tra phát hiện chính xác dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu thủy sản, gây khó khăn trong việc xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, ngày 7/8/2007 UBND tỉnh đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO để hỗ trợ tỉnh thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh cấm trong hải sản xuất khẩu tại Bình Thuận với tổng kinh phí 3.000 triệu đồng.
Trong lúc chờ thực hiện chương trình này, được biết ngành thủy sản đã phối hợp với công ty TNHH thương mại Hiển Đạt (thành phố HCM) tiến hành thử nghiệm thiết bị phát hiện dư lượng Chloramphenicol trong nguyên liệu thủy sản (CAP-203). Đây là thiết bị áp dụng phương pháp xét nghiệm nhanh (GICA), dùng để định lượng Chloramphenicol trong mô thịt, cá, tôm… có thời gian xét nghiệm 20 phút, cho độ chính xác trên 95%. Thiết nghĩ, tỉnh nên sớm đề nghị cơ quan chức năng của Trung ương xem xét công nhận thiết bị này để phục vụ kịp thời cho công tác kiểm tra nguyên liệu thủy sản xuất khẩu của tỉnh trong thời điểm hiện nay.
Song song công tác tuyên truyền và biện pháp kiểm tra cần thực hiện giải pháp đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với các chủ tàu trong việc cung cấp nguyên liệu sạch phục vụ chế biến hải sản. Nếu không thực hiện được những giải pháp trên sẽ không thể ngăn chặn được tình trạng nhiểm dư lương kháng sinh thì nguy cơ mất thị trường xuất khẩu thủy sản là rất cao.
HỒNG LÊ (Theo vietlinh)