Gần 1 tháng qua, thông tin sò lông tại Kiên Giang - một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn – bị nhiễm độc tố đã làm cho nông dân hoang mang lo lắng. Hơn 1.500ha sò lông ở các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Hòn Đất đến vụ thu hoạch nhưng chẳng ai mua, dù giá bán giảm chỉ còn 300-400đ/kg so với lúc cao điểm là 2.000-2.500đ/kg... Trong khi nông dân đang “ngồi trên lửa” thì việc tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của các ngành chức năng vẫn cứ… từ từ!

Cảnh “chợ chiều” nơi ven biển

Chúng tôi đến Kiên Lương, nơi có diện tích nuôi sò lông lớn nhất tỉnh Kiên Giang với gần 1.000ha tại xã Bình An và khu vực quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải. Thay vào không khí mua bán tấp nập của mùa thu hoạch là sự vắng vẻ, đìu hiu. Bãi biển vắng lặng, thỉnh thoảng có một vài nông dân xót ruột bơi xuồng ra vào bãi sò nhưng chẳng thể xoay chuyển tình hình.

Nông dân Nguyễn Văn Sáu - nổi tiếng với nghề nuôi sò lông (từ 50-60ha) nên dân địa phương và thương lái gọi là ông Sáu Sò - than vãn: “Mấy năm qua con sò lông được thị trường chấp nhận, giá bán nhích lên dần thì dân nghèo ven biển rầt mừng. Vụ rồi, có lúc giá bán tại nơi thu hoạch lên tới 2.500đ/kg, nên vụ này nông dân đổ cả công sức, vốn liếng vào việc khoanh nuôi, bảo vệ sò lông. Ai ngờ lại trắng tay…”. Đây là lần đầu tiên nông dân nuôi sò “gặp hạn” nặng nề từ thông tin sò nhiễm độc tố kim loại. Hàng ngàn tấn sò của người dân giờ không biết bán cho ai. Mà với giá rẻ mạt như thế thì có thu hoạch bán cũng… lỗ tiền mướn nhân công.

Trước thông tin này, thương lái cũng không dám mua sò lông vì tiêu thụ nội địa không được, xuất khẩu không xong nên các doanh nghiệp không lấy hàng. Ngày 28-8, hầu hết các chợ ở Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá không còn bóng dáng con sò lông trên các quầy hàng thủy đặc sản...

Trả lời báo chí, một cán bộ Phòng nông-lâm-ngư huyện Kiên Lương khẳng định: Thông tin về sò lông nhiễm độc tố kim loại nặng là sai sự thật. Thực tế kiểm nghiệm, sò lông bị nhiễm kim loại nặng có hàm lượng nằm trong ngưỡng cho phép, tức là hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (?!). Sáng 28-8, ông Lâm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiên Lương cho biết: “Hiện nay, địa phương chưa có văn bản nào ngưng khai khác sò lông nhưng hầu hết người dân đều không thu hoạch vì lỗ tiền dầu và cũng không biết bán cho ai. Người nuôi sò lông hiện rất khó khăn, thiệt hại rất lớn vượt khỏi khả năng hỗ trợ của địa phương. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng cấp tỉnh quan tâm tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục để giảm thiệt hại cho dân”.

Loay hoay tìm nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông tin sò lông ở Kiên Lương nhiễm độc tố kim loại nặng vượt mức cho phép là có thật. Ngày 17-7, Trung tâm Chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (CL, ATVS - TYTS) vùng 6 (thuộc Bộ NN&PTNT) đã có thông báo đình chỉ thu hoạch sò lông, loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại vùng thu hoạch Bà Lụa, Kiên Lương, Kiên Giang cho đến khi có thông báo được phép thu hoạch của cơ quan chức năng. Chi cục Quản lý CL, ATVS - TYTS tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Phòng nông-lâm-ngư huyện Kiên Lương cử cán bộ thông báo nội dung này đến các cơ sở nuôi, thu hoạch, thu mua, chế biến sò lông trên địa bàn; đồng thời phối hợp cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân dẫn đến sò lông nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép.

Ông Lưu Quan Điểm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý CL, ATVS - TYTS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Nguồn lợi sò lông ở Kiên Giang rất lớn và nằm trong chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nên hàng tháng chúng tôi đều lấy mẫu gởi lên Trung tâm CL, ATVS - TYTS vùng 6 tại Cần Thơ kiểm tra. Kết quả kiểm tra 5 mẫu sò lông tại Kiên Lương từ tháng 5-2007 đến nay cho thấy hàm lượng nhiễm Cadimi (một dạng kim loại nặng) thấp nhất từ 1.893µg/kg đến 2.864µg/kg, trong khi mức cho phép chỉ là 1.000µg/kg”.

Sản lượng sò lông trong vùng thu hoạch tại quần đảo Bà Lụa rất lớn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, Trung tâm CL, ATVS-TYTS vùng 6 đề xuất cho phép thu hoạch sò lông tại vùng này khi kết quả kiểm tra Cadimi nhỏ hơn mức 2.000µg/kg, để xuất khẩu vào các thị trường có mức cho phép từ 2.000-4.000 µg/kg (Mỹ, Ả Rập, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc).

Trước tình hình này, các Sở Thủy sản, Tài nguyên - môi trường, Khoa học công nghệ tỉnh Kiên Giang đã họp bàn và vẫn không thể xác định được nguyên nhân dẫn tới việc sò lông nhiễm kim loại nặng, nhưng không loại trừ khả năng do chất thải công nghiệp từ Kiên Lương gây nên. Ông Lưu Quan Điểm cho biết: “Để chắc chắn, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu sò lông tại Kiên Lương gởi lên Trung tâm 3 (TPHCM) kiểm tra một lần nữa, sẽ có kết quả chính thức trong vài ngày tới”... Theo nhận xét sơ bộ của Trung tâm CL, ATVS - TYTS vùng 6, nguyên nhân sò lông tại vùng thu hoạch Bà Lụa bị nhiễm Cadimi vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, từ kết quả phân tích cho thấy các mẫu sò lông xa bờ chứa hàm lượng Cadimi cao hơn các mẫu gần bờ. Mặt khác, các mẫu đất, mẫu nước ở các vùng nghi ngờ có khả năng ô nhiễm lại không phát hiện có Cadimi. Có thể giả thiết rằng nguyên nhân lây nhiễm Cadimi trong sò lông xuất phát từ nguồn nước biển bị ô nhiễm…

Chuyện sò lông nhiễm độc tố kim loại nặng vượt mức cho phép đã xảy ra từ hơn một tháng qua nhưng việc xác định nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang còn quá chậm. Hậu quả là nông dân bị thiệt hại nặng nề, một sản phẩm đặc sản xuất khẩu có nguy cơ “chết yểu”…

Bình Đại (Nguồn vietlinh)