Bán tàu là bước đường cùng khi ngư dân làm ăn thất bại, số tiền nợ ngày càng chồng chất, họ không thể tiếp tục làm chủ con tàu của chính mình. Thay vì bán nguyên chiếc, nhiều ngư dân lại quyết định "xả bản" toàn bộ con tàu. Những chiếc tàu được xả bản bán ra có giá trị thấp hơn so với những chiếc còn nguyên vẹn, nhưng đó là cách duy nhất để họ tồn tại...

Từ năm 10 tuổi, ông Nguyễn Thẩm, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà - TP.Đà Nẵng bắt đầu với nghề biển. Bao đời nay cũng sống nhờ vào biển, vậy mà cách đây 2 tháng, ông đã quyết định xả bản chiếc tàu của mình.

Ông Nguyễn Thẩm cho biết: "Tôi xả bản tàu này do làm ăn không ra sao, khó khăn quá, làm ăn thất bại quá, dầu mỡ cũng cao, biển động hoài, năm chỉ có chục chuyến biển, nợ không trả nổi...".

Một chiếc tàu khi đóng mới hơn trăm triệu đồng, nhưng khi xả bản thu lại cao nhất chỉ được vài chục triệu. Biết vậy, nhưng ông Thẩm không còn cách nào khác.

Trường hợp của ông Thẩm cũng là tình trạng chung của nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung. Từ sau cơn bão Xangsane năm ngoái đến nay, nhiều chủ tàu trở nên kiệt quệ, có người phải vay nóng để sửa tàu, mong những chuyến đi biển sau bù đắp lại. Có người không thể tiếp tục, bởi họ đã nợ quá nhiều.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều ngư dân quyết định xả bản, đó là nếu bán nguyên chiếc, họ phải có giấy tờ đầy đủ, và phải đóng thuế. Hơn nữa, do tàu đã quá cũ, nếu giữ lại, hàng năm họ phải lên đà, sửa chữa với một số tiền tương đối lớn, có khi lên đến năm, sáu chục triệu đồng".

Ông Huỳnh Quang Niên, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà cho biết: "Do bà con làm ăn không hiệu quả, họ đã xả bản xác tàu bán phế liệu. Địa phương cũng mở những lớp tập huấn tàu công suất nhỏ không hiệu quả chuyển sang câu mực, lưới mực. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề vốn, để có vốn chuyển đổi nghề thì một chiếc tàu 30-40 triệu, khó khăn lớn nhất là tàu dưới 20 CV".

Phương Anh (Nguồn vietlinh)