Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu 2012, một hội nghị bàn thảo về môi trường thế giới lớn nhất đã khai mạc tại đảo Jeju vào ngày 6/9. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm ra những phương hướng chính sách bảo vệ môi trường sống trong tương lai với sự tham gia của hơn 10 nghìn người đến từ 180 nước và 1.100 tổ chức quốc tế.
Khai mạc Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu
Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu 2012 có chủ đề “Sức hồi sinh của thiên nhiên” sẽ kéo dài đến ngày 15/9. Đây là hội nghị diễn ra lần đầu tiên tại khu vực Đông Bắc Á trong đó Bộ Môi trường Hàn Quốc, Chính quyền đảo Jeju là đơn vị tổ chức và Liên minh bảo tồn tự nhiên thế giới (IUCN) cùng Ban tổ chức Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu 2012 làm đơn vị chủ trì. Các thành viên tham gia cùng thảo luận về 5 chủ đề chính như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, phát triển bền vững, con người và đa dạng sinh học thông qua các chương trình diễn đàn bảo tồn thế giới, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo. Vào ngày bế mạc 15/9, hội nghị sẽ thông qua nghị quyết kêu gọi Tổng thư ký Liên minh bảo tồn tự nhiên thế giới đề ra các biện pháp liên quan đến những vấn đề được nêu ra trong hội nghị và văn bản bố cáo thối thúc các bên thứ ba cùng xây dựng biện pháp. Bên cạnh đó, “Tuyên bố Jeju” sẽ đưa ra các chính sách, tầm nhìn về bảo tồn tự nhiên theo Hiệp ước của Liên minh và Hàn Quốc cũng như kế hoạch tổ chức định kỳ diễn đàn bảo tồn thiên nhiên giữa các nhà lãnh đạo thế giới.
Chương trình nghị sự chính
Ngoài chủ đề chính, các bên tham gia cũng sẽ thảo luận 16 nội dung nghị sự bao gồm chiến lược bảo tồn khu phi quân sự, hợp tác trong việc sử dụng và bảo tồn bền vững dãy núi Baekdu trên bán đảo Hàn Quốc, thúc đẩy dự án chung giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như sự hợp tác của cộng đồng quốc tế để giảm bớt thiệt hại của bụi cát vàng. Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên thế giới là nơi trao đổi thông tin về những thành quả gìn giữ môi trường toàn cầu. Hơn 450 sự kiện cũng sẽ được tiến hành trong suốt thời gian diễn ra hội nghị gồm các chương trình hội thảo và triển lãm như hội thảo về các vấn đề xã hội quốc tế, diễn đàn tri thức-nơi các nhà nghiên cứu cùng thảo luận về các mối quan tâm chung, diễn đàn bảo tồn-nơi cùng chia sẻ tri thức về môi trường hay các triển lãm poster liên quan. Chương trình đối thoại giữa các nhà lãnh đạo thế giới là chương trình được tổ chức lần đầu tiên trong Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo môi trường thế giới và các chuyên gia cùng thảo luận về vấn đề môi trường toàn cầu để tìm kiếm phương án giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Phiên họp toàn thể các thành viên sẽ thảo luận về 176 nội dung nghị sự do một nhóm các chuyên gia của Liên minh bảo tồn tự nhiên thế giới đề xuất cũng như các dự án, chính sách và quy tắc của Liên minh. Các thành viên sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết và văn bản bố cáo.
Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu
Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu gồm các phiên họp về môi trường thế giới do Liên minh bảo tồn tự nhiên thế giới tổ chức 4 năm một lần nhằm mục đích bàn thảo các vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Các chương trình nghị sự chính được đề cập đến tại hội nghị là bảo tồn đa dạng sinh học, đối phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, quản lý hệ sinh thái để tăng cường an ninh lương thực và phân phối công bằng các lợi ích mà tự nhiên ban tặng. Ngoài ra, hội nghị còn là nơi cùng trao đổi kinh nghiệm và thông tin cũng như đề ra phương hướng chính sách về môi trường thế giới và tầm nhìn trong tương lai. Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu trước đây có tên gọi là Phiên họp toàn thể Liên minh bảo tồn tự nhiên thế giới được tổ chức từ 2 đến 4 năm một lần bắt đầu từ năm 1948 đến năm 1994. Sau đó, tên gọi của phiên họp này được đổi thành “Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu” tại hội nghị Montreal, Canada vào năm 1996 và được tiến hành định kỳ 4 năm một lần. Đây là lần đầu tiên hội nghị với bề dày lịch sử 60 năm này được tổ chức tại khu vực Đông Á. Do đó, Chính quyền đảo Jeju và Bộ Môi trường Hàn Quốc kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đạt được nhiều hiệu quả đa dạng.
Link : http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_hotissue_detail.htm?No=101964&id=hotissue