Chúng tôi đến bến cá Mỹ Tân (Thanh Hải, Ninh Hải) vào một ngày giữa tháng tư, khu ngư dân đã bước vào vụ cá nam được hơn nửa tháng. Trong năm qua và ba tháng đầu năm nay, ngư dân Mỹ Tân đã liên tục “trúng lớn” trong khai thác hải sản. Ngoài yếu tố thuận lợi về thời tiết, ngư trường, đáng chú ý là sự khởi động của cung cách hợp tác làm ăn trên biển của một số ngư dân Mỹ Tân.

Anh Đoàn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết, đã có 5 tổ hợp tác đánh bắt khai thác trên biển được hình thành tại thôn Mỹ Tân, tổ thấp nhất có 4 thành viên và tổ cao nhất có 10 thành viên, đây được coi là các “điểm” thử nghiệm nên có cả sự trợ giúp, tác động của Trung tâm Khuyến ngư (KN) và ngành Thủy sản tỉnh. Từ cuối năm ngoái, mô hình hợp tác khai thác trên biển đã được Trung tâm KN tỉnh triển khai tuyên truyền, vận động ngư dân, xúc tiến việc thành lập các tổ và đầu năm nay chính thức thành lập theo quyết định của UBND xã Thanh Hải. Thời gian tuy chưa nhiều, tính ra chỉ mới hơn 3 tháng, nhưng mô hình đã cho thấy tác dụng tích cực và hiệu quả kinh tế đem lại. Anh Đoàn Văn Quân nhận xét: “các tổ hợp tác đã giúp ngư dân thành viên nâng cao tính cộng đồng, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm đánh bắt với nhau và dễ dàng tìm ra ngư trường khai thác mới, đặt biệt là tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển đánh bắt”. Điều cần nói thêm về khái niệm thành viên, ở đây phải hiểu thành viên chính là các chủ sở hữu tàu cá, trên mỗi tàu cá có khoảng 10 thuyền viên (có cả thuyền trưởng, máy trưởng) là những người được bố trí làm việc trên tàu theo hợp đồng lao động giao kết với chủ tàu.

Để hiểu rõ hơn về cung cách hợp tác làm ăn, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với những người trong cuộc. Anh Phạm Ỷ, chủ nhân chiếc tàu đánh bắt công suất 115CV hành nghề vay rút mùng và pha xúc, tổ trưởng của một trong những tổ hợp tác khai thác hải sản ở Mỹ Tân cho biết: “Tổ chúng tôi có 10 thành viên, nghĩa là có 10 tàu cá với công suất từ 90 CV trở lên, trong đó chiếc lớn nhất 230 CV, là tổ đông thành viên nhất. Tôi nghĩ việc hợp tác khai thác trên biển có rất nhiều ưu điểm, chỉ nhìn ở tổ mình tôi đã thấy rõ”. Những ưu điểm mà anh Ỷ nói tới không khác mấy với nhận xét của anh Đoàn Văn Quân nhưng chi tiết và cụ thể hơn. Trước hết là giảm chi phí, khi cả tổ đi đánh bắt xa bờ 20-30 hải lý, sản lượng hải sản khai thác được sẽ dồn cho 2-3 tàu cá chở vào bờ bán, số tàu còn lại tiếp tục khai thác. Nếu so với từng thuyền một tự đánh bắt, tự chuyển sản phẩm vào bán rồi trở ra khai thác, rõ ràng tổ hợp tác đã tiết giảm rất nhiều về thời gian, xăng dầu tiêu thụ và vẫn giữ được ngư trường đánh bắt. Một điểm nữa, như cách nói của anh Ỷ, tàu thuyền khai thác của tổ hợp tác rất “vô tư” khi sản xuất trên biển, không lo lắng về sự cố hỏng hóc máy móc vì sẽ luôn có ghe bạn, thành viên trong tổ đến hỗ trợ, đây chính là yếu tố giúp việc tìm kiếm luồng cá, ngư trường thuận lợi hơn làm ăn cá thể. Anh Lê Trợ, có chiếc tàu 190 CV hành nghề lưới vây rút, tổ phó của một tổ hợp tác khai thác khác (do ông Lê văn Xuội làm tổ trưởng), cũng khẳng định lợi ích của việc hợp tác khai thác dễ thấy rõ nhất là sản lượng hải sản đánh bắt được đã tăng lên nhiều. Sau Tết Nguyên đán nhờ sự hợp tác trong tổ (gồm 6 thành viên), tàu cá anh Lê Trợ chỉ đi biển đánh bắt 3 đêm ở tuyến lộng đã đạt sản lượng khoảng 30 tấn cá cơm. Có lần tàu anh Trợ đánh bắt ở vùng biển Phú Hài (Bình Thuận) thì bị gãy cốt máy, nếu đơn lẻ như trước đây thật là tai họa, còn lần này tàu anh được tàu bạn thành viên trong tổ bỏ công việc khai thác để “dìu” tàu anh về cập bến Mỹ Tân an toàn.

Chị Nguyễn Thị Được, một người mua bán cá trên bến, có chồng là chủ tàu cá thành viên trong một tổ hợp tác, nghe tôi đang tìm hiểu về mô hình này cũng có lời: “Đôi khi tàu thuyền trong tổ đang nghỉ trên bến nhưng có tàu thành viên gặp luồng cá điện về, là lại xuất bến ra đánh. Tôi vẫn nói với chồng tôi làm ăn đơn lẻ giữa biển trời mênh mông là phiêu lưu, hợp tác với nhau thì có đủ cái lợi”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong lối làm ăn hợp tác của các tổ có cả việc lập quỹ hoặc góp vốn của các thành viên, mục đích nhằm giúp nhau đầu tư máy móc, lưới nghề, thiết bị hoặc mua sắm tài sản chung. Có điều hiện tại có tổ như tổ anh Trợ thì tiến hành suông sẻ, còn có tổ đang ở bước vận động, chẳng hạn tổ anh Ỷ chỉ mới 70% thành viên đồng ý. Cũng từ kinh nghiệm đó, anh Ỷ nói với tôi là không nên mở rộng tăng thành viên trong tổ sẽ khó hợp tác, mà nên thành lập thêm tổ mới khi có các chủ tàu cá yêu cầu.

Đến Mỹ Tân lần này, có thể nói mô hình tổ hợp tác đã gây ấn tượng trong tôi. Tuy nhiên để quản lý một cách trật tự, khoa học các tổ hợp tác, chúng tôi đề nghị chính quyền xã Thanh Hải cần đặt tên tổ mà thông thường là theo số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5… hoặc tên gì đó cụ thể chứ không nên để lộn xộn, khó phân biệt như bây giờ. Một điểm quan trọng nữa, trong khi sản xuất phát triển thì hạ tầng phục vụ sản xuất ở Mỹ Tân đang tỏ ra bất cập, cụ thể là lạch Mỹ Tân đã quá chật hẹp đang gây cản trở cho hoạt động vận chuyển hải sản của các tàu cá. Rõ ràng việc đầu tư cho bến cá Mỹ Tân - giai đoạn II cần được ngành chức năng triển khai sớm.

Bạch Thương (Theo VietLinh)