Từ ngày 25 – 26/10/2012, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đấu tư vào lĩnh vực thủy sản tại khu vực phía Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong năm 2012, xuất khẩu thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể đạt khoảng 6,5 tỷ USD. Vùng ĐBSCL không chỉ là vùng đất đai màu mỡ mà còn có hàng triệu ha mặt nước thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, tiềm năng phát triển ngành thủy sản ở đây còn rất lớn, do đó việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tập trung khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có là rất cấp bách và cần thiết.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua ngành thủy sản của khu vực có mức tăng trưởng ổn định, sản lượng nuôi trồng chiếm 65% so với cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2012 xuất khẩu thủy sản của khu vực ĐBSCL đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,3%, sản lượng tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác tăng 6%, nuôi trồng tăng 3%. xuất khẩu thủy sản của khu vực ĐBSCL có thể đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm 2012, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá của Việt Nam tiếp tục đứng vào nhóm 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất của thế giới.
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy, hải sản của cả nước giai đoạn 2012-2020 là 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hơn 26.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương gần 7.000 tỷ đồng, kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư 27.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng chiếm đến 44,6%, đầu tư vào chế biến chiếm gần 33%, đầu tư vào khai thác chiếm 18,6%, còn lại là đầu tư vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành thủy sản.
Thực tế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL trong thời gian qua còn khiêm tốn. Riêng đối với đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực thủy sản chỉ đạt khoảng 70 dự án với 310 triệu USD, hầu hết các dự án đều có quy mô vốn nhỏ khoảng hơn 4 triệu USD.
Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Kế hoạch & Đầu tư thống nhất lựa chọn và phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực thủy sản tại ĐBSCL với ý tưởng hình thành Trung tâm chế biến công nghệ cao tại Cần Thơ và kết nối với các cụm ngành thủy sản chủ lực ở ĐBSCL. TP. Cần Thơ được xem như trung tâm kết nối và hỗ trợ cho các tỉnh về khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại… thông qua mô hình Trung tâm nghề cá đặt tại TP. Cần Thơ.
Đây là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực thủy sản bao gồm nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy hải sản, chế biến, cơ sở hậu cần dịch vụ thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, phát triển thương mại thủy sản. Đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp xúc và trao đổi để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực thủy hải sản, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL. Mô hình thành công có thể nhân rộng cho các khu vực khác trong cả nước.


T.H