Sau nhiều lô hàng bị Nhật trả về, từ đó đến giờ phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng mực trong tỉnh chuyển hướng sang các thị trường dễ tính khác. Nhật từng được xem là thị trường truyền thống (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản) của Bình Thuận đang bỏ ngỏ. Thực chất hàng hải sản nhiễm dư lượng kháng sinh cấm chủ yếu từ khâu nào, khai thác bảo quản hay chế biến? Sau một thời gian đẩy mạnh kiểm tra tuyên truyền ở mọi mặt, lời giải cho vấn đề trên nằm ngoài đại dương...
A lô, đến (kinh độ bắc) 06-32-432, (vĩ độ nam) 107-51-812 lấy hàng, mực còn thở ! Vài phút sau, lại có một cuộc gọi khác tương tự … Những cuộc điện đàm này ở tại tàu BT90299. Đây là tàu thu mua hải sản trên biển của doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến (Phú Quý) đang ở cách đất liền 200 hải lý. Nếu có cơ hội nhìn từ máy bay xuống thì con tàu 450 CV này như một tâm điểm, còn hơn 20 chiếc ghe bạn đang tản mát đánh bắt chung quanh là những vệ tinh. Đánh được hải sản, các chủ ghe phải điện báo sớm cho tàu BT 90299. Sau khi nhận được các cuộc gọi, tàu BT 90299 sẽ quyết định đi theo hướng nào để thu mua hải sản ở các ghe nhanh nhất, bảo đảm khi nhân viên của tàu đến phân loại, hàng vẫn còn “thở”. Trên tàu có hầm cấp đông, kho bảo quản 25-30 độ C với sức chứa hàng thành phẩm cấp đông khoảng từ 45-50 tấn nên tàu thường nằm ngoài biển thu mua hàng từ 20-25 ngày đêm mới cập bờ. Sau đó, liền ra biển tiếp tục cuộc hành trình đi mua hàng
Theo chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến, tổng chi phí gồm xăng dầu, lương,… cho 20 người làm việc trên tàu BT90299 của một chuyến đi biển khoảng 100-120 triệu đồng. Nếu tính khoản chi phí này vào hoạt động sản xuất xuất khẩu thì doanh nghiệp vẫn có lời. Bằng chứng là doanh nghiệp đóng chiếc tàu này từ năm 2000, với chi phí khoảng 4 tỉ đồng và hiện vẫn hoạt động cũng như giữ được thị trường truyền thống là Nhật Bản. Hiện mỗi tháng, doanh nghiệp xuất 1-2 container loại 10 tấn hoặc 19 tấn qua Nhật, chủ yếu là mực ống, mực lá tươi nguyên con. Bây giờ, các nhà hàng cao cấp ở Nhật có kinh nghiệm là không dùng hàng trắng có màu đỏ lan (vì cho hàng bị ươn) mà chuộng hàng có chấm đỏ li ti (hàng tươi) để phục vụ khách thích ăn sống hải sản. Và hàng của Hải Hiến đáp ứng được những yêu cầu trên.
Chủ DNTN Hải Hiến cho biết thêm, doanh nghiệp đang có thuận lợi là được đứng trong trang web thương mại Nhật Bản ở danh sách những doanh nghiệp bán hải sản không có dư lượng kháng sinh. Vì thế, giữ được bạn hàng cũ và có thêm bạn hàng mới. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn tập trung mua hàng của các ghe bạn, không dám mua nguyên liệu tràn lan ở các ghe chưa quen biết nên hàng xuất đi không nhiều nhưng có chất lượng tốt, bán được giá cao và có lợi nhiều.
Cái lợi này không chỉ cho doanh nghiệp Hải Hiến mà còn cho cả các ghe đi theo đánh bắt. Các chủ ghe và lao động có thu nhập ngày một khá. Nếu 7 năm trước các ghe theo tàu BT90299 phần lớn có công suất từ 15-22CV, thuyền 45CV là hàng hiếm thì nay số đông đã phát triển thuyền lên khoảng 80 CV. Mới đây, có hai chủ ghe đã đóng được thuyền có công suất trên 100 CV với chi phí hơn nửa tỷ đồng. Thuyền lớn hơn, trang bị máy móc thiết bị hiện đại hơn nên khâu đánh bắt cũng hiệu quả hơn.
Vì vậy, hiện tại một chuyến đi biển của các thuyền này thu về bình quân 70- 80 triệu đồng nhưng chi phí chỉ dừng ở khoảng 20-30 triệu đồng.
Trong khi đó, sản phẩm bán tại biển có giá cao hơn ở đất liền. Vì đều là hàng tươi sống nên chỉ phân ra 2 loại A,B. Cách mua của doanh nghiệp Hải Hiến là nhóm hải sản xếp hạng B ở trên biển bằng giá của hạng đặc biệt tại bờ; còn hạng C bằng hạng A tại bờ. Giá cao không chỉ thể hiện ở khía cạnh chất lượng mà còn ở dạng mặt hàng. Mực tươi bán trên biển có giá bình quân 90.000đồng/ kg thì 1 kg mực khô (4-5 kg mực tươi) bán ở đất liền chỉ được 270.000đồng. Đã vậy, hiện phần lớn ngư dân vẫn phải bán hàng tại đất liền (trong bối cảnh Nhật từ chối hải sản nhập khẩu có dư lượng kháng sinh) khiến các doanh nghiệp lựa chọn nguyên liệu càng gắt gao và hàng bị mất giá nhiều. Đến thời điểm khắc nghiệt này, mô hình thu mua hải sản xuất khẩu khép kín của doanh nghiệp Hải Hiến đã nổi bật với thành tích vẫn xuất hàng qua Nhật đều đặn mỗi tháng.
Phải bao tiêu sản phẩm trên biển…
Cả tỉnh hiện có hơn 7.600 tàu thuyền nhưng tổng công suất chỉ gần 403.000 CV chứng tỏ còn rất nhiều tàu thuyền không lớn nhưng làm cả 2 công việc là đánh bắt và bảo quản hải sản. Trong thời gian vật giá rục rịch tăng, những chủ thuyền trên quyết định tăng thời gian bám biển nhưng lại quên khâu bảo quản an toàn. Để giữ hải sản tươi đẹp, các chủ thuyền đã dùng các chất kháng sinh, hóa chất cấm nhất là Chloramphenicol. Không bàn đến Chloramphenicol mà ngay cả các nguyên liệu bảo quản hải sản truyền thống như đá nhưng có phối hợp với các phụ liệu khác như phân urê (để hạn chế tan chảy nhằm ít tốn kém) thì sản phẩm cũng không bảo đảm. Nếu trước đây, các chủ thuyền đi biển 7-10 ngày vào bờ thì cách bảo quản này không gây tổn hại gì lớn đến hải sản. Còn nay mỗi chuyến biển tăng lên 20 ngày…. Có thể chính ngư dân cũng không ngờ, ngày mỗi ngày urê ngấm vào đá, đá ngấm vào hải sản và hơn 20 ngày sau vào bờ thì chất bổ của những lớp hải sản dưới hầm đã không còn nữa.
Qua sự cố Nhật trả lại hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản cấp tốc tìm kiếm máy dò phát hiện dư lượng kháng sinh cấm để áp dụng trong khâu thu mua hải sản của ngư dân. Còn cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền,…Nhưng chính ngư dân mới là người băn khoăn nhiều nhất. Nếu đi dăm bảy ngày vào thì sản phẩm sạch nhưng không có lời. Còn nếu đi dài ngày mà với điều kiện bảo quản lâu nay thì nguy cơ không bán được sản phẩm rất cao.
Thực ra, đã mấy năm nay một số ngư dân ở các nơi đã tính bài toán bám biển dài ngày để giảm chi phí bằng cách liên kết các thuyền lại tạo thành tổ, đội sản xuất trên biển theo cách làm chung ăn chia. Những tổ hợp tác, nhóm hợp tác, hợp tác xã nghề cá kiểu mới, hội nghề cá cơ sở từng bước hình thành và hoạt động có hiệu quả, nhất là đã đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Song song đó, những tàu dịch vụ hậu cần cũng ra đời. Đến nay, toàn tỉnh có 148 tàu với tổng công suất 18.954 CV, trong đó 18 tàu hoạt động theo kiểu hợp tác xã, 22 tàu hoạt động theo cách doanh nghiệp tổ chức thu mua, cung ứng hậu cần trên biển và 108 tàu hộ cá thể thu mua cá, vận chuyển thuê. Nhờ vậy, đã phần nào nâng cao chất lượng và giá trị nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến cho xuất khẩu. Thế nhưng, qui mô của loại hình dịch vụ hậu cần này chưa lớn và cũng chưa rõ nét. Vấn đề trên góp phần phản ánh một tình hình chung về mối quan hệ giữa doanh nghiệp thu mua hải sản và các tàu thuyền đánh bắt lâu nay là chỉ đơn thuần có hàng tốt thì mua, còn không thì thôi. Nhưng hàng được kiểm định bằng mắt thường nên mới xảy ra chuyện nhiều lô hàng mực của doanh nghiệp bị trả lại, vì nhiễm Chloramphenicol.
Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Bình Thuận, trong 7 tháng đầu năm phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu hải sản của tỉnh vẫn chưa đưa mặt hàng mực vào lại thị trường Nhật. Nói chính xác là các doanh nghiệp không dám đưa hàng vào, vì ngại sẽ bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm, khiến không chỉ doanh nghiệp bị tổn thất mà mặt hàng hải sản của tỉnh cũng bị ảnh hưởng theo. Bởi theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, hết thời gian kiểm tra 50% sẽ tiến đến kiểm tra 100% và trong thời gian này, nếu chỉ cần phát hiện một vài doanh nghiệp vi phạm thì có thể toàn bộ các doanh nghiệp cùng ngành bị cấm nhập khẩu vào Nhật.
Thế nhưng trong thời gian nhạy cảm này, cũng có doanh nghiệp muốn bứt phá xuất thử vào thị trường này, nhằm lấy lại uy tín với khách hàng. Đó là công ty TNHH Nam Hải xuất 12 tấn mực khô đang trong thời gian chờ trả lời. Để có lô hàng đó, công ty đã chọn lựa nguyên liệu thật kĩ bằng cách tạo mối “quan hệ” chặt với các chủ ghe tàu thân tín đảm bảo cung cấp mực sạch… Như vậy, để kinh doanh phát triển bền vững, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải có động thái tích cực, góp phần cùng ngư dân đi đánh bắt và bảo quản nguồn nguyên liệu có chất lượng.
Những người quan tâm đến hàng hải sản xuất khẩu của tỉnh dự đoán, xu hướng bao tiêu sản phẩm trong lĩnh vực đánh bắt hải sản sẽ phát triển như một sự tất yếu. Chính các doanh nghiệp, nếu muốn công việc kinh doanh xuất khẩu của mình phát đạt thì phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát đầu vào. Để làm tốt thì không còn cách nào khác là chính các doanh nghiệp với thực lực hơn ngư dân rất nhiều, phải tổ chức thu mua hàng trên biển. Sẽ có ý kiến rằng chi phí của doanh nghiệp tăng cao, sẽ không có lời,…thì mô hình làm ăn của doanh nghiệp Hải Hiến là một minh chứng có sức thuyết phục nhất.
Theo thông tin từ Sở Công nghiệp, nếu trên tàu BT90299 của doanh nghiệp Hải Hiến có đầu tư thiết bị chế biến hải sản đạt chuẩn công nghệ tỉnh qui định thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị theo quyết định 43 (hoàn lại lãi suất đến mức 20tỷ đồng)như những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế tại đất liền. Bởi xu thế sản xuất kinh doanh khép kín trên lĩnh vực đánh bắt là hướng làm ăn tiến bộ, cho sản phẩm đáp ứng chất lượng yêu cầu của các thị trường nước ngoài .
Bích Nghị (Theo vietlinh)