Hải Phòng: Ngăn chặn việc khai thác và chế biến sứa gây ô nhiễm môi trường
“Nguồn nước phục vụ sản xuất của trại giống hải sản đang bị ô nhiễm bởi hoạt động của hơn chục xưởng chế biến sứa tại khu vực Bến Bèo (đảo Cát Bà - Hải Phòng)” - anh Trần Văn Trung, trại trưởng trại giống hải sản Bến Bèo (Trung tâm giống thủy sản Hải Phòng) than phiền - Phía quả núi trước mặt trại có 3 xưởng sản xuất, xa hơn là 4 trại nữa. Mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền ra vào cung ứng sứa nguyên liệu.
Từ tháng 2 đến nay, vào mùa thu hoạch sứa, xưởng chế biến thải toàn bộ lượng nước chế biến, hoá chất và phèn chua muối sứa ra biển gây ô nhiễm cả vùng nước. Mặt khác, do nhu cầu thị trường chỉ thu mua đầu sứa nên tại xưởng, công nhân chỉ cắt lấy đầu, còn lại phần thân con sứa quẳng xuống biển khiến mặt nước khu vực càng thêm ô nhiễm nặng nề, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Nhiều người không dám thò tay xuống nước vì sợ ngứa. Chúng tôi cũng không dám lấy nước từ khu vực này để sản xuất hàu và tu hài. Tình trạng này đã được trại kiến nghị cơ quan chức năng nhiều năm nhưng không có gì thay đổi. Trái lại, số lượng xưởng chế biến năm sau lại nhiều hơn năm trước”.
Ngoài khu vực bến Bèo, tại đảo Cát Bà còn xuất hiện khu vực chế biến sứa ở Hiền Hào, Trân Châu và đảo Cát Hải. Anh Nguyễn Văn Dương, ngư dân trực tiếp đánh bắt sứa và bán cho xưởng chế biến sứa ở xã Hiền Hào cho biết: “Trung bình một ngày đêm, xưởng thu mua 5000 đầu sứa. Do bắt cả con sứa thì giá trị một chuyến đi biển thấp (thân sứa nặng, không sử dụng) chúng tôi thường dùng vợt sắt giật lấy đầu sứa, bỏ lại phần thân sứa trôi, phân hủy theo dòng nước”. Chính vì vậy, nhiều thân sứa chết chưa kịp phân hủy trôi dạt vào bến ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thời điểm này, xưởng chế biến sứa ở sát bến cá Nam Hải, xã Đoàn Xá (Kiến Thụy) cũng tấp nập. Tại đây, công nhân cũng chỉ lấy đầu sứa và tay chân sứa, còn thân sứa vất ngay ra khu vực chung quanh. So với các xưởng chế biến sứa ngay tại biển, các xưởng chế biến ở Đoàn Xá ít bị ô nhiễm hơn vì thân sứa được thu gom nhưng hóa chất ngâm tẩm, tẩy rửa sứa vẫn đổ thẳng ra khu vực sát biển. Chính vì vậy, cơ sở này thường xuyên đóng cổng không cho người lạ ra vào. Khu vực biển Đồ Sơn hiện cũng bị ô nhiễm vì khai thác và chế biến sứa. Ngư dân ở đây cũng khai thác sứa bằng cách dùng vợt sắt giật đầu sứa, còn cả tảng thân sứa đứt rời khỏi đầu trôi nhanh và phân huỷ theo dòng nước. Hàng nghìn tấn sứa thuộc khu vực từ Long Châu đến cửa Ba Lạt cũng được người dân khai thác bằng cách này. Đó chính là nguyên nhân gây ô nhiễm nặng môi trường biển ở nhiều khu vực Hải Phòng. Đặc biệt, những ngày gió Nam, không ít thân sứa chết trôi dạt vào các bãi tắm ảnh hưởng tới chất lượng tắm biển của du khách.
Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác, chế biến sứa ở Cát Hải, Đồ Sơn, Kiến Thụy đã được người dân kiến nghị nhiều lần nhưng không được khắc phục. Nhiều địa phương còn cho rằng vì mùa khai thác và chế biến sứa chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 2 đến tháng 6 nên ngại va chạm, xử lý. Cùng với đó, việc khai thác, chế biến sứa đang tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân và ngư dân địa phương nên việc xử lý quá mạnh tay sẽ ảnh hưởng đến nhiều lao động. Đã đến lúc, ngành chức năng và các địa phương phải chung tay có giải pháp xử lý vấn đề này.
Kim Oanh