(TN&MT) - Để có những "mùa vàng" bội thu trên biển, nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học KH Tự nhiên Quốc gia và Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng đã đưa ra Mô hình dự báo ngư trường trong tháng ở vùng biển xa bờ miền Trung (tại tọa độ  6-17oN, 107-117oE ) cho 2 loại cá  có giá trị kinh tế cao là ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus).

Cá ngừ đại dương: Triển vọng lớn, khai thác còn hạn chế

Ở Việt Nam, cá ngừ đại dương là mặt hàng quan trọng chiếm vị trí thứ 3 trong cơ cấu hàng xuất khẩu thủy hải sản (sau tôm và cá tra) tới hơn 60 nước trên thế giới. Đây là loài đặc hải sản có giá trị kinh tế cao và là đối tượng khai thác chính của các nghề câu vàng,lưới rê và lưới vây tại vùng biển xa bờ miền Trung và giữa Biển Đông (XBMT&GBĐ).

Theo thống kê của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trữ lượng cá ngừ đại dương ở vùng biển nước ta trên 50.000 tấn, khả năng khai thác bền vững khoảng 17.000 tấn. Hiện trung bình mỗi năm, ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đánh bắt trên dưới 10.000 tấn, riêng Phú Yên khoảng hơn 5.000 tấn. Phần lớn cá ngừ đại dương Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu…

Tuy nhiên, việc khai thác cá ngừ đại dương của các ngư dân hiện nay đều dựa vào kinh nghiệm của bản thân để nhận biết hướng di chuyển của đàn cá và thả câu nên hiệu quả đánh bắt nhiều khi hết sức phập phù. Theo anh Phạm Văn Phú (xóm Cồn Giữa, phường Xương Huân, Nha Trang) - người có thâm niên trên 10 năm đánh bắt cá ngừ đại dương, đặc tính của cá ngừ đại dương là di chuyển theo mùa, thế nhưng tàu thuyền của ngư dân đều không được trang bị máy dò, định vị hướng đàn cá di chuyển nên đành "săn tìm" bằng kinh nghiệm bản thân. Nếu vào thời điểm chính vụ (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) ngư dân thường trúng khá đậm (từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng) thì những tháng sau đó, do không dự báo chính xác hướng đàn cá di chuyển nên nhiều tàu thuyền thua lỗ nặng (chi phí cho mỗi chuyến biển hàng trăm triệu đồng)... vì vậy nhiều người ví, nghề đi biển là "đánh bạc với trời"....

Đón những "mùa vàng" trên biển

Giúp ngư dân xác định đúng luồng cá theo từng mùa, từng tháng, dự báo  sản lượng cá theo từng mùa cho ngư dân đi biển, Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra Mô hình dự báo ngư trường hạn tháng (trong vòng 1 tháng) ở vùng biển xa bờ miền Trung ( tại tọa độ 6-17oN,107-117oE). Mô hình  này được  được xây dựng theo phương pháp phân tích tương quan nhiều yếu tố biến động giữa năng suất khai thác theo nghề với một số trong 26 đặc trưng cấu trúc vừa và nhỏ của trường nhiệt biển (nhiệt độ của nước biển) và năng suất sinh học quần xã sinh vật nổi để xác định khả năng tập trung đàn cá và là nơi cho hiệu quả đánh bắt cao.

Trên cơ sở các nghiên cứu sinh học, sinh thái của cá ngừ đại dương, các nhà khoa học phát hiện, đặc điểm nhiệt độ nước biển theo dòng và theo chiều thẳng đứng cộng với nguồn thức ăn có vai trò quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tập tính của những đối tượng này. Từ đó, thông qua một phương trình toán học, người ta đã xác định được luồng cá ngừ đại dương di chuyển trong các tháng tại những tọa độ nào trên vùng  bờ biển miền Trung và giữa Biển Đông.

Kết quả dự báo ngư trường nghề câu hạn tháng đã được đưa ra thử nghiệm trên thực tế  từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2010 cho thấy, năng suất khai thác trên toàn vùng biển phần lớn đều đạt trên 5kg/100 lưỡi câu và đạt cao hơn ở các tháng đúng mùa sinh sinh sản của cá.

Mặc dù còn có những vấn đề cần hoàn thiện thêm của mô hình, song kết quả dự báo ngư trường nghề câu trong năm 2010 như trên đã phản ánh đúng quy luật cơ bản và phổ biến của bức tranh biến động ngư trường vùng biển XBMT&GBĐ. Điều này cũng thống nhất với các kết quả tổng hợp từ số liệu thống kê trước đây và kinh nghiệm của ngư dân. Vì vậy, đây chính là mô hình dự báo quan trọng, đặc  biệt có giá trị để đảm bảo cho ngư dân có những chuyến ra khơi thu được những "mùa vàng" trên biển

Kim Liên

(nguồn: http://www.tainguyenmoitruong.com.vn)