Dơi lưỡi dài (tên khoa học là Glossophaga soricina) được biết đến là loài động vật có vú nhỏ nhất trên thế giới, với khối lượng cơ thể chưa đến 10g, và là loài có tốc độ tiêu hoá thức ăn nhanh nhất thế giới.
Loài động vật sinh hoạt về đêm có chiếc lưỡi dài ấn tượng này sinh sống chủ yếu ở vùng Nam và Trung Mĩ. Chỉ vài phút sau khi ăn (chủ yếu là phấn hoa bởi loại thực phẩm này rất giàu đường), chúng đã có thể hấp thụ được 100% giá trị năng lượng phần thức ăn của mình.
Đó là do thói quen ăn uống của chúng. Loài dơi này không ngừng bay ngay trong khi liếm, mút phấn hoa (giống loài chim ruồi). Vì thế chúng cần giải phóng nguồn năng lượng từ thức ăn càng nhanh càng tốt để có thể duy trì quá trình vận động liên tục của mình.
Để chứng minh cho điều này, Tiến sĩ Christian Voigt ở Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (Leibniz Institute for Zoo and Wildlife Research, Đức), cùng với Giáo sư John Speakman của ĐH Aberdeen (University of Aberdeen, Anh) đã cho những con dơi này ăn một lượng thức ăn giàu cacbon-13. Sau đó họ đo lượng cacbon-13 do chúng thải ra qua hơi thở. Kết quả cho thấy, chỉ vài phút ngay sau khi ăn, cơ thể của chúng đã bắt đầu chuyển hoá thức ăn thành năng lượng. Và chỉ chưa đầy nửa giờ sau chúng đã tiêu hoá hoàn toàn lượng thức ăn đó.
So với loài dơi này, cũng với lượng thời gian tương tự, sau khi uống những loại nước tăng lực, tốc độ chuyển hoá các loại đồ uống đó thành năng lượng ở các vận động viên thể thao nhanh nhất cũng chỉ đạt 30%.
Một điều đặc biệt nữa ở loài dơi này là chúng không chuyển hoá thức ăn thành mỡ hay đường để dự trữ năng lượng như các loài vật khác, mà chuyển hoá trực tiếp thành năng lượng. Đây chính là cách cung cấp năng lượng hữu hiệu nhất cho chúng.
Với tần suất hoạt động và tốc độ tiêu hoá thức ăn nhanh đến chóng mặt như vậy, loài dơi này mỗi ngày có thể ăn một lượng phấn hoa gấp 1,5 lần so với trọng lượng cơ thể, và chỉ ăn những loại thức ăn giàu đường, ít mỡ và protein.
Mạnh Đức (Theo BBC, vietnamnet)