Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng (bên cạnh đồng bằng sông Nile – Ai Cập và đồng bằng sông Ganges – Bangladesh). Nhận thức sâu sắc thách thức này, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Chiến lược về biến đổi khí hậu có tầm nhìn xuyên thế kỷ, là nền tảng cho các chiến lược khác.

Hai mục tiêu chung đã được xác định trong Chiến lược. Đó là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu pháp triển bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Bốn mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ chiến lược cũng đã được nêu rõ. Theo đó, đến năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đến năm 2020, hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan đạt mức tiên tiến trên thế giới. Cũng thời điểm năm 2020, tỷ lệ đất có rừng được nâng lên 45% song song với việc nâng cao chất lượng rừng, tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước… Về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, đến năm 2015 hoàn thành việc rà soát và ban hành kế hoạch loại bỏ dần các công nghệ kém hiệu quả; ban hành hệ thống định giá năng lượng mới.

Theo công bố tại buổi lễ, Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính toàn cầu, bao gồm: kịch bản phát thải thấp (B1), kịch bản phát thải trung bình (B2, A1B), kịch bản phát thải cao (A2, A1FI).

Các yếu tố của kịch bản bao gồm: mức tăng nhiệt độ, sự thay đổi lượng mưa trung bình của các mùa và trung bình năm; các cực trị khí hậu (nhiệt độ tối cao trung bình, tối thấp trung bình, sự thay đổi của số ngày có nhiệt độ lớn hơn hơn 350C và mức thay đổi của lượng mưa ngày lớn nhất); mực nước biển dâng cho các khu vực ven biển. Mức độ chi tiết của kịch bản biến đổi khí hậu với quy mô ô lưới tính toán là 25km x 25km (tương đương đến cấp huyện).

Kịch bản nước biển dâng được xây dựng cho 7 khu vực ven biển; các bản đồ nguy cơ ngập cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ 1:5.000; các bản đồ nguy cơ ngập cho đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển có tỷ lệ 1:10.000 (mức chi tiết tương đương đến cấp huyện). 

  • Kết quả cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng như sau:

 a) Về nhiệt độ:

 - Theo kịch bản phát thải thấp: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 1,6-2,2°C trên phần lớn diện tích phía Bắc lãnh thổ và tăng ít hơn ở đại bộ phận diện tích phía Nam.

  - Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 2-3°C trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Nhiệt độ thấp nhất trung bình tăng 2,2 - 3,0°C; nhiệt độ cao nhất trung bình tăng 2,0 - 3,2°C. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35°C tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước.

  - Theo kịch bản phát thải cao: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có mức tăng phổ biến 2,5-3,7°C.

 b) Về lượng mưa:

 - Theo kịch bản phát thải thấp: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng phổ biến khoảng trên 6%, riêng khu vực Tây Nguyên có mức tăng ít hơn.

 - Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng trên hầu hết lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 2-7%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và giảm ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ. 

 - Theo kịch bản phát thải cao: Lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 tăng trên hầu hết lãnh thổ nước ta với mức tăng phổ biến khoảng 2-10%.

 c) Về mực nước biển dâng:

Ba kịch bản nước biển dâng do biến đổi khí hậu được xây dựng cho 7 khu vực ven biển của Việt Nam.

 - Theo kịch bản phát thải thấp (B1): Vào cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 49-64cm.

 - Theo kịch bản phát thải trung bình (B2): Vào cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57-73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều hơn so với các khu vực khác.

 - Theo kịch bản phát thải cao (A1FI): Vào cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78-95cm, mực nước biển ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có thể dâng tối đa đến 105cm.

Các bản đồ nguy cơ ngập tương ứng với các mức nước biển dâng đã được xây dựng cho từng khu vực ven biển Việt Nam: khu vực Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; 15 tỉnh ven biển Miền Trung từ Thanh Hóa đến Bà Rịa – Vũng Tàu; khu vực thành phố Hồ Chí Minh; khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Từ kết quả tính toán, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng…

Đây không phải là kịch bản mới hoàn toàn, mà là phiên bản cập nhật của kịch bản năm 2009, đã được bổ sung các dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán mới để đưa ra các kịch bản chi tiết hơn, có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn.

(Nguồn tin: http://sggp.org.vn)