Nhìn lại giai đoạn những năm 2000-2005, ngành Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho rằng hoạt động xuất khẩu thủy sản tỉnh ta đã làm tốt vai trò cầu nối giữa sản xuất với thị trường, giữa các đối tượng không có thị trường với các đối tượng có giá trị xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn của ngành và quốc tế đã được quan tâm triển khai. Tuy nhiên do khả năng cạnh tranh mặt hàng thủy sản của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp so với các tỉnh nên xuất khẩu thủy sản đã gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thực trạng thiếu sức cạnh tranh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dựa trên hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, ngành Thủy sản tỉnh đã có đánh giá rõ, đúng về thực trạng của lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh ta. Trước đây trong tỉnh chỉ có Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) là doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của Nhà nước được đầu tư nâng cấp, trang bị mới máy móc thiết bị có đủ khả năng đáp ứng những quy định và các yêu cầu của các nước nhập khẩu. Trong những năm 1997 đến 2000, do chạy theo số lượng. coi nhẹ và ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm đã dẫn đến sản phẩm làm ra nhiều những chất lượng không đảm bảo, Công ty XNK ngày càng mất dần thị trường. Từ chỗ các mặt hàng của Công ty thường xuyên xuất qua các thị trường quen thuộc như Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Hàn Quốc, Xrilanka, Mỹ, Tây Ban Nha… đến năm 2004 và 2005 thị trường xuất khẩu chỉ còn lại Mỹ (thông qua mặt hàng ghẹ), còn thị trường Nhật Bản thì không thường xuyên. Hiện nay Công ty XNK đã không còn hoạt động do thua lỗ kéo dài, sản xuất không hiệu quả. Bế Hậu là doanh nghiệp tư nhân chế biến đầu tiên với công suất cấp đông 3 tần/ngày đêm và kho lạnh có sức chứa 60 tấn, được xây dựng trong khu vực cảng Cà Ná nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, bốc dỡ. Nhưng do đây là doanh nghiệp nhỏ, tài chính hạn chế không đủ khả năng đầu tư mua sắm công nghệ hiện đại nên doanh nghiệp không thể sản xuất được các mặt hàng có giá trị gia tăng. Xưởng chế biến thủy sản Đông Hải (Công ty Xuất khẩu nông sản) có những sản phẩm hàng khô từ những nguyên liệu ít bị cạnh tranh như cá cơm, cá đổng, cá ngân chỉ vàng, cá đuối, kèm theo có thị trường lớn và thường xuyên như Nhật, Nga, Trung Quốc nên khả năng tiêu thụ sản phẩm rất dồi dào. Dù vậy nguồn nguyên liệu vẫn gặp khó khăn, các loại cá (đổng, ngân chỉ vàng, cơm) tại chỗ còn ít, không đủ sản xuất phải thu mua từ các nơi chở về. Nhìn chung trong chế biến xuất khẩu thủy sản tỉnh ta vẫn còn những tồn tại như: Chưa có sự liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất và xuất khẩu đới với những sản phẩm mà tại địa phương có sẵn nguyên liệu; năng lực cạnh tranh không ổn định do tỷ trọng hàng chế biến giá trị gia tăng thấp, mẫu mã bao bì mặt hàng nghèo, chưa chủ động cải tiến các mặt hàng mới; chưa xây dựng chiến lược phát triển thị trường; trình độ công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thuỷ sản còn hạn chế, công nghệ chế biến tuy đã được quan tâm đổi mới nhưng chưa bắt kịp với tốc độ đổi mới công nghệ của các đơn vị sản xuất chế biến thủy sản trong nước.

Định hướng thúc đẩy phát triển

Từ xu hướng các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu ngày càng nhiều, ngành thủy sản tỉnh đã dự báo khả năng phát triển nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu thủy sản tỉnh ta. Về nuôi trồng thủy sản, trong tỉnh có các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm; nuôi biển có ốc hương và rong sụn. Dự kiến đến năm 2010, sản lượng tôm sú nuôi là 3.000 tấn, tôm thẻ chân trắng là 4.000 tấn, tôm hùm là 50 tấn, ốc hương là 560 tấn và rong biển là 1.500 tấn khô. Đối với nguyên liệu từ đánh bắt thủy sản có giá trị xuất khẩu, theo tính toán sẽ khai thác đạt sản lượng 17.000 tấn, bao gồm 12.900 tấn cá, 4.500 tấn mực, 300 tấn tôm và 300 tấn hải sản khác. Theo thống kê hàng năm, lượng tàu thuyền tỉnh ta đều tăng cả về số lượng lẫn công suất. Nếu bình quân mỗi năm tăng 3,5% số tàu và 10,7% công suất thì đến năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 2.100 chiếc tàu cá (120.000 CV), dự kiến với đội tàu này sẽ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu cá, mực cho chế biến xuất khẩu.

Nhằm đưa xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng làm cầu nối để thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu cho địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã giao nhiệm vụ cho ngành Thủy sản đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu 30 triệu USD. Dựa vào kết quả hoạt động sản xuất trong năm qua và hình thành phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản, công nghệ chế biến, trang thiết bị máy móc trong thời gian tới, ngành thủy sản đã xây dựng một số chỉ tiêu cho phù hợp với từng loại đối tượng nuôi và khai thác nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra. Giải pháp phát triển xuất khẩu thủy sản được ngành thủy sản tỉnh xây dựng đã nhấn mạnh đến các yếu tố thị trường, nguyên liệu, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm. Về thị trường, phải chủ động tìm hiểu nhu cầu và quy định của từng thị trường để sản xuất sản phẩm và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho phù hợp. Chẳng hạn đối với những thị trường lớn như Nhật, các mặt hàng thủy sản đông lạnh chính xuất khẩu là tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc; thị trường Mỹ sản phẩm chủ yếu là tôm, cá ngừ, ghẹ; riêng thị trường EU sản phẩm chính là tôm cá. Các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước trong khối ASEAN đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ăn liền, sẽ có các mặt hàng thủy sản khô xuất khẩu. Về nguyên liệu, chủ động trong sản xuất nhân tạo các loại giống sạch bệnh, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm chủ lực cho xuất khâu; hỗ trợ và hướng dẫn ngư dân đầu tư cải tiến công nghệ khai thác các loài có giá trị xuất khẩu. Về chế biến thủy sản, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nâng cấp và mở rộng cơ sở sản xuất, từng bước đổi mới công nghệ thiết bị, nghiên cứu và đổi mới sản phẩm, mở rộng chủng loại và tăng tỷ trọng các mặt hàng thủy sản có giá trị gia tăng. Về an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện và tăng cường năng lực hệ thống tổ chức thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, dễ thấy rằng tỉnh ta cần quan tâm hỗ trợ đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng, bến cá) và cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu một cách ổn định và bền vững. Trong tình hình xuất khẩu thủy sản tỉnh ta đang đứng trước những thách thức, ngành Thủy sản kiến nghị với tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu mới với trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu có tại địa phương.

Bạch Thương - Báo Ninh Thuận (Nguồn vietlinh)