Nguồn lợi thủy sản là nguồn tài nguyên hữu hạn và có khả năng tái sinh. Nếu con người biết khai thác và sử dụng hợp lý thì nguồn lợi này trở thành nguồn thực phẩm vô cùng quý giá và dồi dào.
Trong khi đó, hàng ngày chúng ta vẫn ăn các thực phẩm có nguồn gốc về cá nhiều hơn thịt (điều này liên quan đến tập quán, văn hóa dân tộc), nhưng đáng tiếc là sự hiểu biết về nguồn lợi thủy sản trong một bộ phận nhân dân còn khá hạn hẹp, nên dẫn đến tình trạng sử dụng những công cụ khai thác thủy sản mang tính chất hủy diệt, như dùng lưới mắt nhỏ đóng đáy, chất nổ, xung điện, chất độc... Nhằm ngăn chặn việc khai thác nguồn tài nguyên thủy sản mang tính chất hủy diệt này, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc. Chỉ thị này đã được sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến đến nhân dân trong tỉnh, đồng thời mở các lớp tập huấn về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cán bộ địa phương, thành lập các ban phòng chống việc sử dụng chất nổ, xung điện, nhưng xem ra việc thực hiện cũng chưa đến đâu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực có sông, suối, hồ, ao, đìa... chúng ta rất dễ bắt gặp những người mang bình ắc quy đi chích cá, hình như họ xem đây là việc làm bình thường vì không có ai can thiệp. Tôi gặp một trường hợp đang chích điện bắt cá trên suối Cam, khi anh ta nhúng chiếc cần rà (đầu có gắn đoạn sắt nhỏ và được nối dây với bộ kích điện từ bình ắc quy) xuống nước thì trong một phạm vi hẹp, tất cả mọi loại cá (nếu có) từ to tới nhỏ đều chết nổi lên trên mặt nước. Những người bắt cá kiểu này đã không hiểu rằng, đáng lý họ chỉ nên ăn những con cá thuộc phần mình thay vì ăn luôn phần của con cháu mình, bởi để bắt được những con cá đáng giá thì họ sát hại hàng ngàn con nhỏ vô tội khác (bao gồm cả các động vật khác sống dưới nước) mà đáng lý ra chúng là nguồn cung cấp thức ăn sau này.
Việc sử dụng xung điện hiện nay rất đa dạng và có nhiều đối tượng tham gia. Người có tiền có của thì chích điện bắt cá phục vụ cho bữa nhậu; người không giàu, không đói thì phục vụ bữa ăn, còn người nghèo thì kiếmsống bằng nghề này. Hỏi chuyện một trong những người đi chích điện và được biết, một ngày công họ có thể kiếm được 50.000 - 100.000 đồng, tùy vào khu vực có nhiều hay ít cá. Số tiền này không nhiều nhưng cái giá phải trả cho việc làm này quá lớn. Tài nguyên thủy sản sẽ cạn kiệt, những giống loài quý hiếm sẽ bị diệt chủng và môi trường sinh thái sẽ biến đổi theo. Ai cũng biết lũ lụt là hậu quả của việc phá rừng và cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản sẽ là nạn sâu rầy, côn trùng hại mùa màng, mà bằng chứng nhãn tiền là nạn ốc bươu vàng, rầy nâu. Không những thế, việc sử dụng xung điện để chích cá không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản mà cũng rất nguy hiểm đối với người sử dụng, vì chỉ cần thiếu thận trọng trong thực hiện cũng có thể bị điện giật. Đơn cử như trường hợp ông Phùng Văn Thơm, ngụ ở khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài) dùng bình điện để rà cá trên suối Đồng Tiền (thuộc khu vực phường Tân Xuân), do sơ suất đã bị điện giật chết khi trên tay vẫn nắm chặt cây rà. Để ngăn chặn triệt để nạn chích điện cũng như một số biện pháp hủy diệt thủy sản khác, các cấp chính quyền và ngành chức năng ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu những tác hại của việc làm này, cũng cần có những chế tài nghiêm khắc, như phạt thật nặng khi phát hiện sai phạm, tịch thu công cụ khai thác...
Theo Báo Bình Phước, vietlinh