Thực tế, trong thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, chính áp lực phát triển đối với ngành thủy sản Việt Nam đã dẫn tới sự suy giảm đáng kể trữ lượng thủy sản, làm suy thoái môi trường, đe dọa sinh kế hiện tại và lâu dài của một bộ phận lớn cư dân ven biển Việt Nam.

Một vấn đề lớn được đặt ra là phương thức khai thác mang tính hủy diệt hoặc quá lãng phí, chẳng hạn như đánh bắt cá mập chỉ để lấy vây và… vứt bỏ phần còn lại ra biển! Nghề lưới kéo (rà sát tận đáy biển) và đánh bắt bằng thuốc nổ, xung điện từ lâu đã bị coi là loại hình đánh bắt hủy diệt vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, là tình trạng khai thác quá mức các loại cá nhỏ có giá trị thấp (ngư dân thường gọi là cá phân) để làm thức ăn cho thủy sản nuôi.

Để có được 1 kg tôm, hiện nay, cá mú hoặc nhiều loài cá khác, người dân đang sử dụng từ 5 đến 10 kg cá nhỏ - một tỷ lệ quá lớn, trong khi các nhà khoa học môi trường khuyến cáo rằng, để nguồn lợi thủy sản có thể tự hồi phục, các loài cá con phải được duy trì trong hệ sinh thái cho đến thời gian đẻ trứng.

Nhân ngày Đại dương Thế giới 8/6/2007, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác bảo tồn các loài sinh vật biển như cá mập, rùa biển, cá mú, cá ngựa và thậm chí cả cá ngừ – loại thực phẩm khá phổ biến của người dân các tỉnh duyên hải miền Trung.

Đã đến lúc Việt Nam cần lưu ý đến những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong đó có việc thành lập các vùng cấm khai thác và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường để cấp chứng chỉ sinh thái đối với nghề cá!

Nguồn: INFOTERRA VN, (www.vista.gov.vn 22/06/2007)