Vì cuộc sống “mưu sinh”, cá săn ấu trùng có thể thay đổi tạm thời cấu trúc sinh học của mình để thích nghi với cuộc sống chui nhủi trên các nhánh cây. Thay vì ngâm mình trong nước, loài cá đặc biệt này… hít thở không khí và săn mồi liên tục trong nhiều tháng liền.
Với tên khoa học Rivulus marmoratus Poey, cá săn ấu trùng sống ký sinh trên thân cây đước được phong tặng danh hiệu loài cá kỳ cục nhất mà trước nay con người từng biết đến. Ngoài khả năng sống trên cây, cá Poey còn có một “thiên bẩm” khác là đẻ con không cần giao phối.
Loài cá có khả năng phi thường này được các nhà sinh học tình cờ phát hiện trong chuyến thực địa qua các đầm lầy ở Belize và Florida - nơi họ tìm thấy hàng trăm con cá dài nhấp nhỉnh bằng đốt ngón tay chui nhủi trong các nhánh và thân cây mục ruỗng. Bên trong các thân cây, chúng nằm nối đuôi nhau dọc theo những “đường mòn” mà bọn côn trùng đã đẽo đục trước đó.
Dù sao thì sống trong thân cây cũng không thể thoải mái như trong nước hồ, nếu không muốn nói là cực kỳ ngột ngạt và chen chúc. Loài cá Poey, vốn nổi tiếng với tính phân chia lãnh thổ rõ ràng - chắc hẳn phải cố gắng lắm mới kiềm chế được cơn thịnh nộ.
Một câu hỏi không kém phần quan trọng đặt ra, lũ cá đã tự biến đổi cấu tạo và quá trình trao đổi chất của cơ thể như thế nào để thích nghi với môi trường mới?
Theo phân tích từ các nhà nghiên cứu, mang cá Poey đã được “nâng cấp” để kiêm nhiệm chức năng giữ nước và chất dinh dưỡng, các loại chất thải còn lại sẽ được bài tiết qua da.
Đặc biệt hơn nữa, sự thay đổi này chỉ mang tính nhất thời. Cấu tạo tự nhiên được trả về nguyên dạng ban đầu sau khi lũ cá quay lại môi trường nước.
Trước đây, cá Poey vốn đã nổi tiếng bởi là động vật có xương sống duy nhất có khả năng sinh sản không cần… bạn tình. Nói cách khác, chúng phát triển cả hai loại bộ phận sinh dục đực và cái, làm nhiệm vụ thụ tinh trứng ngay bên trong cơ thể mình.
Xét về khả năng hít thở không khí, Poey còn có một “đồng minh” khác là loài cá da trơn đi bộ ở Đông Nam Á - mang của nó cho phép hít thở dưới nước và trên cạn.
Còn loài cá rô nhảy ở Ấn Độ thì sẽ chết ngạt nếu không thường xuyên quẫy mình lên khỏi mặt nước đớp không khí.
Hải Minh
Theo Daily Mail, dân trí