Hiện nay người ta tính ra có khoảng 5000 ngôn ngữ trên thế giới. Mỗi ngôn ngữ phát triển theo nhu cầu của người nói, lai giống với những dân tộc láng giềng để sinh ra những chi nhánh mới.
Tuy nhiên số sinh ngữ (langue vivante) luôn luôn thấp dần. Những nhà ngôn ngữ học đoán phỏng chừng cách đây 500 năm có thể có 10 000 ngôn ngữ. Hiện nay mỗi năm mất khoảng 25 ngôn ngữ và có những chuyên gia nghĩ rằng từ đây cho tới năm 2100, 90% những ngôn ngữ hiện nay đang dùng sẽ biến mất.
Tiếng Trung Hoa được trên 1,2 tỉ người dùng và hiện tại là một ngôn ngữ phổ biến nhất. (Tuy nhiên, chỉ có chữ viết mới dùng chung cho tất cả những người nói tiếng Hán). Tiếp theo là tiếng Anh với 650 triệu người nói và tiếng Ấn độ hindi-ourdou 550 trìệu người dùng. Tiếng Pháp đứng hạng thứ 10 (150 triệu)
Một nửa số ngôn ngữ có thể biến mất vào cuối thế kỷ
Ngôn ngữ của các dân tộc ít người đang tiêu biến rất nhanh. |
Thế kỷ 21 chấm dứt cũng là lúc nhân loại phải chứng kiến một phần hai số ngôn ngữ trên hành tinh đi vào dĩ vãng, khi mà các cộng đồng nhỏ hoà tan vào các nền văn hoá toàn cầu và quốc gia.
Cảnh báo này được các nhà nghiên cứu đưa ra trong cuộc gặp của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ đang diễn ra ở Seattle, Washington. Ước tính, khoảng 6.800 ngôn ngữ "độc nhất" còn tồn tại đến ngày nay. Song các ảnh hưởng về chính trị, nhân khẩu học và xã hội đang góp phần đẩy nhanh sự thoái hoá của nhiều thứ tiếng mẹ đẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, mất đi đa dạng ngôn ngữ không chỉ là một cú sốc đối với các công trình tìm hiểu về văn hoá, mà còn đối với khoa học. Lựa chọn duy nhất là chúng ta phải lưu trữ và phân loại các ngôn ngữ này trước khi chúng biến mất.
"Số ngôn ngữ lúc này ít hơn so với một tháng hoặc 6 tháng trước đây", David Harrison thuộc Đại học Swarthmore ở Pennsylvania, Mỹ thông báo. "Tiếng nói của loài người đang mất đi đúng theo nghĩa đen".
Harrison đưa ra ví dụ về ngôn ngữ Middle Chulym, mà nay chỉ còn một dúm người đếm trên đầu ngón tay có thể nói được. Họ sống bó hẹp trong một thị trấn ở vùng Siberi, và tất cả đều đã trên 45 tuổi. Sự hoà nhập với cộng đồng Nga đã làm suy giảm nhu cầu cần đến tiếng mẹ đẻ của họ, và một khi những người cuối cùng thông thạo thứ ngôn ngữ này qua đời, bản thân ngôn ngữ cũng sẽ chết.
"Điều đáng nói là khi một ngôn ngữ tiêu biến, nó kéo theo sự biến mất của cả một thế giới khác, như các thông tin về dân tộc học và văn hoá", Stephen Anderson, thuộc Đại học Yale, cho biết.
Harrison cũng bổ sung rằng mỗi một ngôn ngữ ra đi sẽ để lại một lỗ hổng trong sự hiểu biết của chúng ta về cách thức nhìn nhận thế giới của mỗi cộng đồng. Chẳng hạn một vài thứ tiếng châu Mỹ bản địa gợi nên những hiểu biết rất khác nhau về thiên nhiên theo thời gian.
Nhưng trong khi nhiều ngôn ngữ thiểu số biến mất, thì những thứ tiếng thống trị toàn cầu, như tiếng Trung, tiếng Anh và Tây Ban Nha lại trở nên biến hoá và phức tạp hơn, David Lightfoot, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại Đại học Georgetown, tuyên bố. Và cuối cùng những ngôn ngữ mới có thể sẽ ra đời từ đó. Chẳng hạn, những biến dạng của tiếng Trung đang xuất hiện nhiều hơn, và trở nên khó hiểu ngay cả với một vài người nói tiếng Trung khác.
Tuy nhiên, Lightfoot nhấn mạnh rằng việc sưu tầm những ngôn ngữ hiện có là cực kỳ quan trọng. "Chúng ta muốn hiểu càng nhiều càng tốt về ngôn ngữ loài người. Nhưng để duy trì sự sống của chúng, bạn cần cả một cộng đồng dùng thứ tiếng ấy và đó không phải là điều có thể kiểm soát được".
Nhã Chân-B.H. (theo NewScientist, Vietsciences)