Trong những năm gần đây, ngư dân một số tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên… đã giàu lên nhanh chóng nhờ khai thác cá ngừ đại dương. Khi nói đến cá ngừ đại dương nhiều người đã nghĩ đó chính là sản phẩm hải sản đặc trưng của các tỉnh này. Nhưng thực ra ngư trường chủ yếu lại chính là ngoài khơi đảo Phú Quý - Bình Thuận. Vấn đề đặt ra là vì sao ngư dân Phú Quý lại không làm giàu được ngay trên vùng tài nguyên của chính mình.

TIỀM NĂNG LỚN

Phú Quý là một trong bốn trung tâm kinh tế biển của Bình Thuận có số dân gần 25.000 người, với diện tích hơn 1.700 ha, cách đất liền 56 hải lý. Hải sản là thế mạnh của Phú Quý, trên 1.000 tàu thuyền với khoảng 40.000 CV. Người dân ở đây có thể làm giàu từ kinh tế biển với các loài hải đặc sản giá trị kinh tế cao và ngành nghề truyền thống nhất là nghề câu khơi chiếm khoảng 50% năng lực tàu thuyền của đảo. Câu khơi của Phú Quý chủ yếu là câu cá mập lấy vi; song thị trường của sản phẩm này cũng khá bấp bênh, không ổn định, sản lượng lại không cao, nên ngư dân khá lên từ nghề này chưa phải là phổ biến. Có thể khẳng định Phú Quý giàu về tiềm năng hải sản song phương pháp sản xuất ở đây chủ yếu là theo kinh nghiệm truyền thống, điều kiện bảo quản sản phẩm sau khai thác để bảo đảm giá trị còn yếu, lại thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, nên đời sống ngư dân chưa thể cải thiện nhanh được. Trước đây Bình Thuận từng triển khai nghề câu cá ngừ đại dương, trong đó có Phú Quý, song khó khăn đối với tỉnh ta lúc bấy giờ là thiếu sự hỗ trợ về kỹ thuật khai thác, kỹ thuật bảo quản và cơ bản nhất là thiếu nguồn tiêu thụ ổn định. Trong khi các tỉnh miền Trung ở cách xa ngư trường khai thác so với chúng ta lại có được một số thuận lợi trên đây. Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, đối với nghề câu cá ngừ đại dương, Phú Quý có điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề này do có vị trí thuận lợi về địa lý, gần các ngư trường khai thác cá ngừ đại dương; ngư dân đảo Phú Quý có kinh nghiệm lâu đời với nghề câu khơi, nắm rõ ngư trường khai thác, có tâm lý ổn định khi khai thác xa bờ, do vậy sẽ rất dễ dàng tiếp cận với nghề câu cá ngừ đại dương. Đây là điều kiện để ngư dân Phú Quý làm giàu, một khi giải quyết được những khó khăn trước đây.

PHẢI CHĂNG ĐÂY LÀ CƠ HỘI?

Đây có phải là cơ hội, là bước ngoặt để ngư dân Phú Quý làm giàu từ cá ngừ đại dương hay không? Vào giữa tháng 4/2007, Cty TNHH Thực phẩm Yamato đã gởi văn bản đến ngành thủy sản Bình Thuận đặt vấn đề về việc đưa ra dự án hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương tại đảo Phú Quý. Mục tiêu của dự án: phát triển việc khai thác và buôn bán cá ngừ tại đảo Phú Quý; tạo điều kiện tốt cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp ngư dân khai thác hiệu quả, nâng cao thu nhập hàng ngày, hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế của tỉnh; bảo đảm cung cấp nguyên liệu thô cho công ty với yêu cầu có sản phẩm ổn định và tạo việc làm ổn định cho công nhân; sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì có thể quản lý nguyên liệu ngay từ quá trình khai thác theo kỹ thuật Nhật Bản. Những điểm chính của dự án là thành lập, tổ chức và hoạt động hiệp hội khai thác ở Bình Thuận để hỗ trợ Cty TNHH Thực phẩm Yamato; triển khai hệ thống kinh doanh bền vững với sự liên kết từ việc khai thác, bảo quản chế biến và xuất khẩu; mục tiêu ban đầu của việc kinh doanh là đạt số lượng 300 tấn/tháng (với mức độ chất lượng phù hợp); xây dựng việc tiêu thụ và tận dụng tất cả các loại sản phẩm khai thác của các tàu dự án (mức độ chất lượng ăn tươi và các mức chất lượng khác); dự án được thực hiện bằng hợp đồng chi tiết với trách nhiệm rõ ràng giữa Cty TNHH Thực phẩm Yamato và ngư dân tham gia dự án với sự hỗ trợ của Sở Thủy sản Bình Thuận. Về trách nhiệm của ngành thủy sản Bình Thuận là ủng hộ và tạo điều kiện cho Cty TNHH Thực phẩm Yamato triển khai dự án tại Bình Thuận như tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia dự án; tuyển chọn và đề cử danh sách các tàu tham gia dự án… Còn trách nhiệm của Cty TNHH Thực phẩm Yamato là hỗ trợ Sở Thủy sản kinh phí tổ chức các hoạt động giúp công ty triển khai dự án; cung cấp nguồn kinh phí hỗ trợ ngư dân trang thiết bị đánh bắt cũng như các thiết bị cần thiết cho nghề câu cá ngừ đại dương đối với các tàu tham gia dự án; cử thủy thủ trưởng của Nhật hoặc Hàn Quốc có kinh nghiệm lâu năm về đánh bắt cá ngừ (kỹ thuật chính) để hướng dẫn phương pháp đánh bắt, sơ chế trên tàu, trợ giúp kỹ thuật kho lạnh bảo quản trên tàu; thiết lập hệ thống để mua và thanh toán cho ngư dân thông qua hợp đồng kinh doanh và bao tiêu sản phẩm giữa Cty Yamato và chủ các tàu cá cùng với sự hỗ trợ của hoạt động hiệp hội. Tháng 5/2007 UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương, giao trách nhiệm Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phú Quý và Cty Yamato tiến hành khảo sát, xây dựng và triển khai chương trình hợp tác thành lập đội tàu khai thác và tổ chức tiêu thụ cá ngừ đại dương tại Phú Quý.

HIỆU QUẢ VÀ TRIỂN VỌNG

Tại Phú Yên, Khánh Hòa, nghề câu cá ngừ đại dương có hiệu quả cao hơn nhiều so với nghề câu cá mập mà ngư dân Phú Quý đang khai thác hiện nay. Mặt khác hiệu quả này sẽ càng cao hơn đối với ngư dân Phú Quý do gần với ngư trường khai thác cá ngừ (ngư trường chính khoảng 110 - 113 kinh độ đông, 10 - 15 vĩ độ bắc, rất gần với đảo Phú Quý). Theo anh Huỳnh Quang Huy - Phó phòng Kế hoạch Sở Thủy sản: “Để đến được ngư trường khai thác cá ngừ đại dương, các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… ngư dân phải chạy tàu từ 5 – 7 ngày, rồi lại phải thêm ít nhất 2 ngày đánh cá, chi phí về nhiên liệu phải trên 5 tấn chưa nói đến các chi phí khác, đoạn đường dài đã làm chất lượng sản phẩm cá ngừ giảm, nên khi bán sản phẩm loại II là chủ yếu, một phần loại III, rất ít loại I. Còn nếu Phú Quý khai thác cá ngừ đại dương thì ngư trường đến chỉ mất từ 1 – 2 ngày, thậm chí tàu chạy 4 giờ đã có thể khai thác được, giảm rất nhiều chi phí nhiên liệu, đặc biệt chất lượng sản phẩm chủ yếu sẽ là loại I”. (Giá cá ngừ đại dương hiện nay loại I khoảng 110.000đ/kg, loại II: 55.000đ/kg, loại III: 35.000đ/kg). Giá loại I cao là điều kiện tốt cho ngư dân Phú Quý. Trong những ngày làm việc cuối tháng 6/2007 tại đảo Phú Quý, giữa ngành thủy sản Bình Thuận, Cty TNHH Thực phẩm Yamato với chính quyền huyện, xã và ngư dân Phú Quý đều có sự đồng thuận cao, ngư dân rất phấn khởi. Ông Huỳnh Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: “Khả năng ngư dân Phú Quý có thể tham gia khoảng 500 tàu khai thác cá ngừ đại dương”.

Nếu như việc triển khai thành công chương trình này tại huyện Phú Quý sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để nhân rộng mô hình này đến các địa phương có điều kiện như La Gi, Phan Thiết…

ĐÔNG BÌNH (Theo vietlinh)