“Chim trời cá nước” thì làm sao có điểm tương đồng? Điều này đúng vào thời điểm cách đây 45 triệu năm khi cá voi mới từ đất liền quay về đại dương. Thế nhưng 7 triệu năm sau, hai loài khác biệt hoàn toàn về môi trường sống này bắt đầu giống nhau về khả năng định vị mục tiêu bằng tiếng vang.
Hóa thạch mới khai quật gần đây cho thấy các loài cá voi có răng (như cá nhà táng) đã phát triển khả năng định vị mục tiêu bằng tiếng vang giống như loài dơi nhằm thích nghi với việc tìm kiếm thức ăn dưới đáy đại dương tăm tối.
Theo các chuyên gia sinh vật đại dương Mỹ, ban đêm trong lúc di chuyển từ lòng biển sâu lên mặt nước, mực ống khổng lồ hay “đụng mặt” cá voi. Khi phát triển khả năng định vị bằng âm, cá voi có thể lặn sâu hơn và bám theo mực xuống tận đáy biển, nơi chúng có thể tìm thấy nguồn thức ăn dồi dào cả ngày lẫn đêm. Được biết, sinh vật thân mềm, như mực ống, là nguồn thức ăn giàu năng lượng và phong phú của 90% các loài cá voi có răng.
Quá trình phát triển khả năng định vị bằng âm ở cá voi và dơi là ví dụ rõ nét cho thấy hai loài rất khác nhau tiến hóa giống nhau về cách thích ứng với môi trường sống, và truyền lại cho các thế hệ sau. Quá trình này được gọi là tiến hóa đồng quy.
N.Trúc
Theo LiveScience, Báo Cần Thơ