Một doanh nghiệp chế biến thực phẩm thừa nhận, khó mà biết được đâu là cá tươi hay cá ươn. Chỉ những người buôn bán cá, qua kinh nghiệm, mới biết được cá tươi hay không nhờ... nhìn và sờ vào thịt cá! 

Trong một buổi chợ, cá được tiếp xúc liên tục với đá, chất lượng có thể chấp nhận được. (Ảnh: H.Cát)

Để giữ cho cá tươi và đỡ tốn tiền đá bảo quản, người ta thường dùng một số chất bảo quản như hàn the, phân urê, phoc-môn.

Cá tươi hay cá ươn: Chỉ người bán biết

Hàng ngày từ 2 giờ sáng, các lái buôn ở các tỉnh tập trung về bán hải sản cho các vựa tại chợ đầu mối Bình Điền. Mỗi ngày, chợ Bình Điền tiếp nhận khoảng trên 450 tấn hải sản các loại. Các tiểu thương bán cá tại các chợ trong thành phố mua lại để bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Tất cả các loại cá ở đây chủ yếu được các lái buôn ướp bằng đá trong khay và chuyển về từ các tỉnh miền Tây đến miền Trung, thời gian vận chuyển ít nhất là 3 giờ (Vũng Tàu - số lượng rất ít); 5 giờ ( Hàm Tân, Phước Tỉnh - Phan Thiết); 8 giờ (Khánh Hoà, Kiên Giang - số lượng chủ yếu), 10 giờ (Phú Yên); 18 giờ (Quảng Ngãi).

Theo một người chủ cửa hàng hải sản tươi sống trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1 (TP.HCM), chính vì khoảng thời gian ướp đá vận chuyển dài như vậy, bên cạnh đó, sau khi tiểu thương ở các chợ mua về bán lẻ, chỉ ướp mát bằng vài cục đá lạnh (khoảng 2 - 4 giờ chờ bán), chất lượng cá đã bị thay đổi quá nhiều.

Chưa kể, khi vận chuyển đường xa, để giảm chi phí đá bảo quản, họ đã ướp thêm một số chất độc hại như phân urê (làm cho tăng độ lạnh), hàn the (làm cho cứng và săn chắc thịt cá), phoc-môn (cá không bị ươn). Thậm chí, người bán cá còn dùng phẩm màu nhuộm để mang cá có màu hồng tươi như cá tươi.

Cá đông lạnh, tươi hay không tươi, khó biết được!  (Ảnh: H.Cát)

Còn dòng cá đông lạnh hiện nay chủ yếu là của các công ty thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu. Những loại cá bán trên thị trường thành phố là sản phẩm phụ của các công ty này. Kênh phân phối chính của họ là các siêu thị. Vì nhu cầu, các công ty thường mua một lần số lượng cá rất lớn. Vì vậy, họ không biết rằng lô hàng đó đã được đánh bắt cách đây bao nhiêu ngày.

Ngoài ra, họ cũng không biết, chủ tàu đánh cá có ướp cá với số lượng đá đủ hay không, hoặc có dùng hoá chất gì để bảo quản hay không?

"Tôi đã từng đi giao hàng cho các nhà máy đông lạnh, các nhân viên nhập hàng chỉ kiểm tra sản phẩm bằng mắt thường chứ hoàn toàn không qua một kiểm nghiệm nào," Anh T.V.H, một giám đốc công ty thực phẩm kể.

Hiện nay, mua một loại hoá chất độc hại như hàn the, phoc-môn, ... dễ như mua mắm mua muối. Do đó, với cách nhập hàng trên, người ta chỉ có thể đánh giá chất lượng qua cảm quan bên ngoài, hình dáng và màu sắc của cá nguyên liệu chứ không biết con cá đó có chất lượng như thế nào. Cá đó có thật sự tươi hay không, hay là hơi hơi tươi. Cá chưa bị ươn hay cá đã bị ươn....

Cách nhận biết cá tươi, cá ướp

Đối với người tiêu dùng, cá tươi tự nhiên hay nhờ các hoá chất bảo quản rất khó phân biệt bằng mắt thường.

Theo kinh nghiệm của mình, anh V.H. chia sẻ, cá thu khi ướp hàn the, thịt cá hơi có độ trong. Thớ thịt có vẻ rời và săn hơn bình thường. Khi chế biến, cá thu không còn độ mềm mại vốn có. Dùng đũa tách, từng tép thịt rời ra chứ không dính chặt thành một miếng cá.

Còn đối với phân u-rê hay phoc-môn chỉ có thể phân biệt bằng các bộ thử chuyên dụng. Tuy có sử dụng các chất bảo quản, nhưng chất lượng cá vẫn kém. Và độc hại hơn, nó chỉ tạo ra cảm giác là cá tươi bên ngoài, chỉ khi chế biến, cá mới bộc lộ thật chất lượng kém.

Tại một quầy bán lẻ tại khu vực cá của chợ Bà Chiểu, cá không được ướp đá hàng giờ liền. (Ảnh: H.Cát)

Để bảo đảm chất lượng, trong vòng 3 - 5 ngày, cá phải luôn được ướp trong đá liên tục, cứ một kg cá thì 1 kg đá. Thế nhưng, tại các chợ cá bán lẻ, nhiều khi trên khay chỉ có vài cục đá để làm mát cá.

"Cá để ra môi trường tự nhiên, trong nhiệt độ 30oC, mỡ cá và các protein rất đễ bị phân huỷ chỉ trong vòng một giờ đồng hồ," anh V.H nói.

9 giờ sáng, anh V.H dạo một vòng quanh khu vực bán cá của chợ Bà Chiểu. Nhiều khay cá còn vài cục đá nhỏ. Nhiều người bán cá khác còn tệ hơn, những con cá nằm sắp lớp, nhưng không có một cục đá lạnh nào.

Để phân biệt cá tươi hay ươn, người nội trợ phải biết kết hợp bốn yếu tố: màu sắc, mang cá, thịt cá, mắt cá.

Cá tươi có màu bóng sáng, óng ánh, vảy cứng. Còn cá chất lượng kém, màu sắc mờ nhạt, tái, và vảy rất dễ bị bong ra.

Mang cá tươi thường hồng hào hay có màu đỏ, trong khi đó mang cá ươn thì trắng, bầm bầm, thâm đen. Ở những loại cá nhỏ (bạc má, nục), thành bụng rất mỏng, nên cá ươn thì thành bụng sẽ bị bể ra. Nếu không cẩn thận, người bán có thể tẩm màu để mang cá có màu hồng.

Thịt cá tươi có độ đàn hồi. Thịt cá ươn rất nhũn, rất dễ để lại lỗ nhỏ trên thân cá khi đè ngón tay vào.

Mắt cá tươi đầy đặn, có độ trong, không bị lõm vào trong dù con ngươi có màu đục. Mắt cá ươn hay bị thụt sâu vào trong.

Ngoài ra, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh việc rã đông cá nhiều lần. Vì rã đi rã lại nhiều lần, vi sinh thâm nhập nhiều dễ dẫn đến ngộ độc khi ăn cá.

Vì vậy, bí quyết nhỏ để giúp người nội trợ là chia cá hay thịt thành những phần nhỏ, vừa đủ dùng trong từng bữa ăn. Sau đó, áp dụng nguyên tắc " đông nhanh, rã chậm" để bảo đảm chất lượng thực phẩm.

CÁ TƯƠI HAY CÁ ƯỚP: NHÌN QUA ẢNH

Cá mú tươi màu sắc óng ánh, bóng sáng, vảy cứng.

Cá mú ươn màu sắc nhợt nhạt.

Những loài cá nhỏ, khi bị ươn, bụng thường bể ra do thành bụng mỏng.

Cá bị ươn, vảy bị bong ra rất dễ dàng.

Mắt cá tươi đầy đặn ,trong khi cá ươn, mắt bị thụt sâu vào trong.

Đôi khi cá hấp giỏ lại bảo đảm được độ tươi vì được hấp hay luộc ngay tại biển. Nhưng loại sản phẩm này chỉ có thể dùng để làm món chiên sốt cà.

Hương Cát (Theo VietNamNet)