9 tháng đầu năm, thủy sản VN được xuất khẩu sang 135 thị trường thế giới với khối lượng đạt trên 661nghìn tấn, trị giá 2,709 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất của Hải quan, 9 tháng đầu năm nay thủy sản VN đã được xuất khẩu sang 135 thị trường thế giới với khối lượng trên 661nghìn tấn, tăng 13%, đạt giá trị 2,709 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 9 xuất khẩu 81,8 nghìn tấn thủy sản, trị giá 347,306 triệu USD, chỉ tăng nhẹ về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2007.

Số liệu tổng XK trong 9 tháng đầu năm cho thấy các thị trường chính tiêu thụ TS Việt Nam có sự tăng trưởng rất khác nhau, trong khi EU duy trì mức tăng khá cao từ đầu năm đến nay thì thị trường Nhật vẫn tiếp tục giảm khá mạnh và thị trường Mỹ chỉ tăng ở mức khiêm tốn và không ổn định. Thị trường Nga là một điển hình về sự biến động gây ảnh hưởng nhiều đến kết quả tổng xuất khẩu của TS VN.

EU hiện nay gữi vị trí là nhà NK TS lớn nhất của VN, đạt trên 660 triệu USD, chiếm 24,4% tổng giá trị xuất của TS VN. EU cũng là nhà NK cá tra và cá ngừ lớn nhất của VN, giá trị nhập lần lượt đạt 348 triệu USD và 39 triệu USD. Các thị trường chính trong khối là Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan … giữ mức tăng trưởng rất mạnh từ 33-41% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán, EU sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao xuất phát từ những lý do : sản lượng TS của toàn EU bị cắt giảm, tiếp tục thâm hụt lớn trong thương mại thủy sản, NKTS trong năm 2006 tăng 10,7% so với năm 2005, năm 2007 sẽ tiếp tục theo xu hướng này.

Thị trường Mỹ, sau một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng khá vào quí II và gần hết quí III, sang tháng 9 NK lại sụt giảm khá mạnh với gần 23% so với cùng kỳ năm 2006. Tuy vậy, tổng XK của cả 9 tháng vẫn tăng 8,8%, đạt giá trị 526,6 triệu USD, chiếm 19,4% tổng giá trị XKTS. Mỹ vẫn duy trì vị trí hàng đầu về NK tôm của VN. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, XK sang Mỹ có thể chỉ tăng nhẹ hoặc ổn định, do tình hình XK mặt hàng tôm của VN nói chung tăng không đáng kể, giá thành nguyên liệu trong nước khá cao, trong khi đó nhiều nguồn cung cấp trên thế giới đều đổ về thị truờng Mỹ gây sự cạnh tranh gay gắt ( từ Thái lan, Trung Quốc và Êcuađo…). Các năm trước cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu khá mạnh vào Mỹ, sang 2007 XK mặt hàng liên tục giảm khiến giá trị xuất nói chung cũng bị giảm.

Thị trường Nhật vẫn tiếp tục tình trạng tăng trưởng âm từ cuối năm 2006 đến nay. 9 tháng đầu năm, Nhật Bản nhập trên 525,6 triệu USD TS của VN, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện chiếm 19,4% tổng XKTS VN (bằng với Mỹ). XK sang thị trường này giảm liên tục chủ yếu là do vấn đề vệ sinh ATTP, mặc dù số lượng lô hàng và số DN bị vướng lô hàng đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, Nhật Bản đã có nhiều động thái quay sang tìm kiếm nguồn cung cấp ở các nước khác ( tăng cường mua tôm cỡ to, tôm GTGT của Thái Lan và tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Inđônêxia…). Nhưng một tín hiệu khả quan là tháng 9 này tổng XKTS sang Nhật Bản đã tăng nhẹ về giá trị (2,9%), chấm dứt gần 1 năm XKTS của VN sang Nhật liên tục giảm ( mặc dù tổng XK 9 tháng vẫn giảm 12,2%).

Sau 3 thị trường lớn trên, Hàn Quốc là thị trường đơn lẻ có sức tăng trưởng rất ổn định và giữ ở mức cao trên 20%/tháng, có ý nghĩa rất quan trọng về đầu ra đối với TS VN. 9 tháng đầu năm, Hàn Quốc nhập 180 triệu USD TS VN, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2006, chiếm khoảng 6,7% tổng giá trị XK. Dự đoán thị trường này tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ khả năng đáp ứng các mặt hàng có phẩm cấp, khối lượng vừa phải và đa dạng của DN VN. Thị trường chưa có những rào cản nào đáng kể cho TS VN.

Một vài năm trước đây, thị trường Nga nổi lên như một vùng đất hứa cho TS VN, đã có thời điểm đạt mức tăng trưởng hàng ngàn % nhờ bùng nổ NK cá tra philê. Tuy nhiên, từ đầu năm 2007 đến nay tốc độ NK giảm dần và giảm khá mạnh từ tháng 5 đến nay. Nguyên nhân một phần là sự thay đổi đột ngột chính sách NKTS của Chính phủ Nga với việc ra lệnh cấm hoặc hạn chế số DN được nhập vào Nga. Hiện nay, họ đã cho phép và mới dần số DN VN được đưa hàng vào là 24, nhưng thực tế nhiều DN còn rất e ngại trước chính sách không ổn định và minh bạch của nước này. Nguyên nhân khác là chất lượng hàng của một số DN không tốt, tỷ lệ mạ băng quá cao.

XK sang các thị trường khác đều có tiến triển tốt, tạo thế cân bằng hơn trong cơ cấu đầu ra. Các thị trường như Hồng Kông, Asean, Ôxtrâylia, Đài Loan .. có triển vọng tăng trưởng tốt, sẽ góp phần đưa XKTS VN đạt mục tiêu đề ra trong năm 2007 là 3,6 tỷ USD.

(NTP, Nguồn vasep