Hai tháng qua, ngư dân trúng đậm mùa cá cơm trên ngư trường Phú Quốc. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ nguồn lợi hải sản -đặc sản này vẫn còn nhiều bất cập khi mà nhiều người vẫn ham lợi, khai thác cá cơm theo kiểu tận diệt.

Hiện chưa phải là cao điểm mùa khai thác, đánh bắt cá cơm trên ngư trường Phú Quốc, nhưng hơn hai tháng qua ngư dân đánh lưới cá cơm trúng đậm. Cả tàu lưới vây truyền thống và tàu đánh lưới đèn đều được mùa. Cá cơm được chở về Cảng An Thới và bến Dương Đông (Phú Quốc) nườm nượp để chuyển về các nhà thùng làm nước mắm. Anh Ngô Văn Thắng, ngư dân ở Dương Đông, cho biết: “Tại ngư trường, nguồn cá cơm rất dồi dào. Kéo mẻ lưới nào lên cũng nặng trìu trĩu. Thấy mà ham...”. Nguồn nguyên liệu dồi dào nên giá cá cơm đã giảm nhiều. Cá cơm loại 1 giảm từ 6.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg, cá loại 2 giá giảm từ 5.500 đồng/kg còn 4.500 đồng/kg. Hiện nay, nhiều nhà thùng trên đảo đã đổ đầy cá vào các thùng chượp (thùng đựng nguyên liệu làm nước mắm đang ở dạng phân hủy).

Ông Nguyễn Văn Hoài ở thị trấn Dương Đông là chủ nhà thùng và đoàn tàu khai thác 8 chiếc. Nhà thùng của ông Hoài có khả năng ủ chượp khoảng 1.000 tấn nguyên liệu cá cơm nay đã đầy. Ông Hoài phấn khởi cho biết: “Năm nay, sản lượng cá dồi dào nhất trong khoảng chục năm trở lại đây. Nhà thùng không còn chỗ chứa, nên chúng tôi phải điều động đội tàu sang đánh bắt các loại cá khác để tiêu thụ, đảm bảo nguồn thu nhập của bạn thuyền...”.

Trên 100 nhà thùng ở Kiên Giang tập trung ở Lại Sơn-Kiên Hải và Phú Quốc đang vào mùa ủ chượp mới. Theo dự báo, khả năng năm nay có thể tăng thêm 1-2 triệu lít nước mắm phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều cơ sở cũng đã mở rộng quy mô sản xuất nước mắm vào đất liền để ủ chượp cá cơm. Các thương hiệu Hồng Phước, Thiên Hương... cũng mở rộng quy mô sản xuất tại xã Mong Thọ B (Châu Thành, Kiên Giang) để tăng khả năng sản xuất và sản lượng nước mắm cung cấp ra thị trường. Chỉ riêng các nhà thùng Phú Quốc là luôn giữ thương hiệu của mình với quy trình ủ chượp cá cơm và đóng chai thành phẩm nước mắm ngay trên đảo để ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả ảnh hưởng đến uy tín.

Niềm vui được mùa cá cơm vẫn còn, nhưng nhiều ngư dân lẫn chủ nhà thùng vẫn nghĩ đến chuyện xa xôi và canh cánh nỗi lo sản lượng cá cơm sụt giảm. Theo nhiều ngư dân lão thành trên đảo Phú Quốc và cũng là chủ nhà thùng, sản lượng cá cơm hiện nay đã giảm rất nhiều. Lúc trước, ngư dân chỉ cần ra khơi chừng chục hải lý là có thể bủa lưới đánh cá cơm. Từ khoảng 10-15 năm nay, lượng cá cơm đã giảm đi đáng kể, khoảng 30-40%. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng khai thác bừa bãi, sử dụng cá cơm không đúng mục đích. Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết: “Cá cơm Phú Quốc có lượng đạm cao, rất thích hợp cho việc tạo ra một sản phẩm nước mắm chất lượng. Tuy nhiên, nguồn cá cơm khai thác được hiện vẫn còn bị bán cá phân, cá mồi làm thức ăn tươi để nuôi thủy sản. Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng sản lượng này không phải là nhỏ. Rất khó để quản lý khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu này, do các chủ tàu vẫn chưa có ý thức bảo vệ nguồn nguyên liệu đặc sản cá cơm để sản xuất nước mắm Phú Quốc”.

Hiện nay, chưa có đánh giá khoa học nào về nguồn lợi cá cơm trên vùng biển Kiên Giang. Nhưng đã có những cảnh báo về nguy cơ ngày càng cạn kiệt nguồn cá cơm trước tình trạng đánh bắt bằng lưới đèn. Tại Phú Quốc, đứng trên đảo vẫn có thể nhìn thấy những luồng sáng rực trên biển vào ban đêm. Đó là ánh sáng đèn cao áp của những tàu khai thác cá. Ánh sáng này có thể làm nổ mắt các loài cá ăn đêm. Các ngành chức năng đã có những khuyến cáo và xử phạt đối với hành vi này, nhưng không có hiệu quả. Bởi lẽ, khi bị lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tuần tra ban đêm phát hiện, thuyền trưởng sẽ hạ bớt độ sáng đèn cao áp để đối phó. Tại các cảng lên cá ở đảo, rất dễ dàng phát hiện ra hệ thống đèn cao áp được gắn sẵn dọc 2 bên thân tàu khai thác hải sản. Nhưng lực lượng chức năng cũng khó xử lý được khi tàu không hoạt động...

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một ý thức chung trong việc bảo vệ nguồn lợi cá cơm-một đặc sản quý báu của đất đảo làm nên thương hiệu nước mắm Phú Quốc nổi tiếng. Đó là sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm của người khai thác và nhà sản xuất, mà trước hết là của người dân đất đảo Phú Quốc.

THÀNH NGUYỄN (Nguồn vietlinh)