Nghề nuôi cá kèo mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản. Với 4.000 m2 đất ruộng, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Cu (ấp 4, xã Hiệp Phước, Nhà Bè, TPHCM) thu lãi trên 100 triệu đồng.
Nhiều năm trước, nghề nuôi tôm sú tại Nhà Bè phát triển mạnh. Nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm. Tại huyện vùng ven TPHCM này đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện con tôm. Con tôm sú giúp người dân nơi đây lập nên cơ nghiệp nhưng cũng chính nó đã làm nhiều gia đình tán gia bại sản. Nhưng quan trọng nhất, nuôi tôm sú ồ ạt đã làm môi trường ô nhiễm nặng. Và con tôm chết hàng loạt là điều không thể tránh khỏi, nhiều hộ dân bó tay, chẳng biết nuôi con gì, hàng loạt ao nuôi tôm trơ đáy…
4.000m2 ao tôm của gia đình ông Cu cũng chịu chung “số phận”. Loay hoay mãi, khi nghe tin tại một số tỉnh vùng ĐBSCL nuôi cá kèo trên ao tôm, trên chân ruộng muối hiệu quả, ông Cu mừng như bắt được vàng. Liên lạc với một vài đầu mối chuyên cung cấp con giống, ông Cu quyết định mua 200.000 con cá kèo giống về nuôi thử nghiệm. Do chưa tìm hiểu kỹ, lần nuôi đầu tiên, ông Cu thả cá mật độ hơi dày nên hiệu quả chưa cao, nhưng cũng đem lại cho ông hơn 50 triệu đồng lãi sau 4 tháng nuôi… Rút kinh nghiệm, tìm hiểu thêm thông tin, lần nuôi sau đó ông Cu đã giảm mật độ thả cá giống. Chỉ nuôi 150.000 con (mật độ 35-40 con/m2) và tăng cường thức ăn cho cá. Năm 2006, ông Cu thả nuôi 2 đợt cá giống và đã “trúng đậm”, sau khi trừ hết chi phí, ông thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Ông Cu cho biết so với con tôm sú, cá kèo rất dễ nuôi. Ao nuôi không cần phải “đánh” vôi hoặc xử lý bằng các loại hóa chất khác. Chỉ cần nạo vét kỹ và quan trọng nhất là kiểm tra các lỗ “mội”. “Nếu để rò rỉ, bờ ao có những lỗ trống dù nhỏ, cá sẽ theo các lỗ mội ra ngoài thì thất bại như chơi”, ông Cu nói. Theo ông, những ngày đầu mới đem cá giống về nên khoanh lại trong lưới cho quen dần với môi trường và cho cá con ăn thức ăn công nghiệp, loại dùng để ươm nuôi tôm. Khoảng 15-20 ngày sau, mới “bung” cá ra khắp ao. Lúc này có thể cho cá ăn các loại thức ăn như trùn, cơm nguội… Tuy nhiên, để cá mau lớn nên cho cá ăn cám công nghiệp, cũng có thể dùng loại thức ăn cho tôm hoặc thức ăn cho heo.
Với 150.000 con cá giống, trung bình mỗi ngày cá ăn hết 1 bao thức ăn công nghiệp loại 25 kg/bao. Nên rải đều thức ăn quanh ao để giảm sự tranh giành, làm cá chậm lớn. Tuyệt đối tránh việc thừa hoặc thiếu thức ăn cho cá. “Vì thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước, thức ăn thiếu sẽ làm cá đói, chậm lớn”, ông Cu giải thích. Theo kinh nghiệm của ông, mỗi ngày nên cho cá ăn 3 bữa: sáng, trưa, chiều. Khi thấy cá có dấu hiệu giảm quẫy đuôi tìm thức ăn thì ngừng cho ăn.
Việc thu hoạch cá kèo cũng khá đơn giản. Vùng Hiệp Phước gần sông rạch nên việc nuôi trồng thủy sản nơi đây phụ thuộc nhiều vào nguồn nước triều. Cá kèo rất thích lội ngược dòng nước. Lợi dụng tập tính này ông Cu “bắt” cá dễ dàng. Mỗi tháng có 2 đợt triều lên, kéo dài 2-3 ngày. Chỉ cần đặt lưới ở miệng bộng (ống cống nơi tháo nước ra vào) vào những đợt triều để thu hoạch cá. “Chỉ vài ba đợt triều là bắt cá gần hết. Vào thời điểm thích hợp, đủ nguồn cá giống, chân nước vừa phải… là lại tiếp tục thả nuôi”, ông Cu nói. Cá kèo không bắt một đợt mà thu hoạch “lai rai” lúc con nước lớn. Nhưng ông Cu có một “bí quyết” để bán cá có giá hơn lúc con nước kém. “Cá đã bắt được chỉ cần “rộng” trong lưới, tiếp tục cho ăn, muốn bán lúc nào cũng được”, ông cười giòn.
Khan hiếm nguồn giống
Hôm chúng tôi đến, ông Cu đang dọn ao, bít các lỗ mội… chuẩn bị thả cá giống. “Tui vừa liên lạc để mua con giống, mỗi con 400-500 đồng. Chỉ bắt đầu nuôi được vào thời điểm này vì phụ thuộc vào nguồn giống khai thác từ ĐBSCL”, ông Cu cho biết. Hiện giá cá kèo trên thị trường dao động khoảng 55 - 75 ngàn đồng/kg. Cá kèo có thể chế biến được nhiều món ăn bình dân, hấp dẫn thực khách: kho tộ, lẩu, nướng muối ớt… Nhu cầu tiêu thụ cá kèo hiện nay rất lớn. Trong khi, nguồn cá kèo hiện chủ yếu là đánh bắt ngoài tự nhiên nên ngày càng giảm mạnh.
Xã Hiệp Phước hiện có gần 20 hộ nuôi cá kèo, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân nghề này chưa thật sự phát triển mạnh. “Tôi nuôi bằng kinh nghiệm chứ chưa thấy có sách vở, tài liệu nào hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá kèo”, ông Cu cho biết. Một khó khăn khác mà người nuôi cá kèo đang “vướng” là nguồn cá giống khan hiếm, rất khó tìm mua, vì cá kèo chưa được nhân giống. Nguồn giống hiện nay do một số người tại Bạc Liêu, Cà Mau… đánh bắt ngoài thiên nhiên cung cấp và tháng 3-4 Âm lịch mới có thể khai thác cá giống thiên nhiên.
“So với nuôi tôm sú, cá kèo lời ít hơn nhưng “chắc ăn”. Nuôi tôm sú rất “phập phồng” vì nỗi lo dịch bệnh, chi phí thức ăn, phòng trị bệnh cao… Nếu gặp rủi ro thì coi như lỗ là cái chắc”, ông Cu tâm sự, “nếu các nhà khoa học nghiên cứu nhân giống cho cá kèo thì sẽ có thêm một nghề mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân”.
MINH HỒNG (Nguồn vasep)